Chuyện giá và lương

Cập nhật: 29-10-2010 | 00:00:00

Giá và lương là hai phạm trù khác nhau. Cùng một bản chất nhưng giá cả có thể có những tên gọi khác nhau, chẳng hạn: học phí, giá của các khóa học; cước, giá của dịch vụ vận chuyển, giá của thông tin... Giá đi liền với đời sống thị trường. Nói đến giá là nói đến định mức một sản phẩm được quy thành tiền, đó là giá trị hàng hóa. Vì thế, giá gắn liền đến hoạt động kinh tế. Trong khi đó, nói đến lương người ta nghĩ ngay đến một khoản tiền công trả định kỳ thường là hàng tháng cho người lao động. Thế nhưng, giá và lương lại có sự liên quan mật thiết với nhau khá chặt chẽ. Cụ thể, giá cả có thể quyết định chất lượng của đồng lương. Trong cơ chế thị trường những năm gần đây, trong khi đồng lương có tính ổn định (thường chỉ thay đổi một năm/lần) thì giá cả lại thường hay biến động theo chiều hướng bất lợi cho người ăn lương.

Nguy cơ lạm phát đang hiện hữu. Tình trạng giá cả tăng trong những tháng cuối năm được dự báo là khá rõ ràng. Giá vàng nhảy múa tăng đột biến. Ảnh hưởng của giá vàng tăng khiến không ít những

chàng trai sắp cưới vợ phải mượn bài hát mà than rằng: “Không phải tại anh cũng không phải tại em / Tại vàng tăng giá nên chúng mình xa nhau”. Giá đô la cũng đang vượt ngưởng 20.000 đồng/1 USD. Mặt khác, nước ta lại đang đối mặt với nguyên nhân khách  quan từ việc suy giảm kinh tế toàn cầu, nhất là từ nạn lũ lụt kéo dài nhiều ngày liền ở miền Trung cũng góp phần kéo giá cả tăng theo. Những ngày qua, người dân nói chung, những người sống bằng đồng lương nói riêng lại phải đối mặt với cảnh thắt lưng buộc bụng từ giá cả hàng hóa tăng. Riêng tại TX.TDM, một dĩa cơm bình dân nhất, nhiều tháng trước chỉ 10.000 đồng, nay đã là 12.000 đồng, tô phở bình dân từ 15.000 đồng giờ đã là 18.000 đồng. Rau củ trước kia tính ký chỉ con số vài ngàn đồng, giờ phải là con số chục ngàn. Giá gạo cũng đang tăng. Vì thế, nhiều người tiêu dùng đang lo lắng. Mặc dù, Nhà nước đã có nhiều chính sách và giải pháp kiềm chế lạm phát, kiềm chế tăng giá. Đặc biệt, giải pháp bình ổn các mặt hàng thiết yếu đã phát huy tác dụng trong một thời gian nhất định. Nhưng do chịu sức ép từ nhiều hàng hóa khác, một số mặt hàng thiết yếu đã vượt qua sự kiềm chế từ quỹ bình ổn giá. Thấy được tình hình thị trường những tháng cuối năm diễn biến phức tạp, nhằm tăng cường công tác bình ổn giá cả, kiềm chế lạm phát, ngày 4-10-2010, Chính phủ đã có nghị quyết từ phiên họp thường kỳ, theo đó Chính phủ đã chỉ đạo, tăng cường công tác bình ổn giá, kiểm soát giá cả, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng; quản lý chặt chẽ giá một số mặt hàng đầu vào của sản xuất như: xăng, dầu, điện, than... các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, nhất là sữa, thuốc chữa bệnh... Tích cực phát triển thị trường nội địa, chủ động trong việc bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không để xảy ra thiếu hàng, sốt giá; đẩy mạnh việc đưa hàng hóa về các vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phục vụ nhân dân và góp phần nâng cao thị phần của hàng hóa sản xuất trong nước.

Như vậy, bên cạnh những giải pháp cấp bách của Nhà nước nhằm kiềm chế lạm phát, kiềm chế giá cả tăng vào những tháng cuối năm, mỗi người dân cũng cần góp phần vào công việc khá nhạy cảm và khó khăn trong thời điểm này, đặc biệt là những người ăn lương. Đó là, thực hiện chính sách tiết kiệm, cân đối hài hòa ngân sách gia đình trong thu chi. Ngành quản lý thị trường cần tăng cường công tác kiểm tra giá cả dịp cuối năm, đặc biệt là công tác chống nạn đầu cơ, nâng giá... Mặt khác, về lâu dài, việc kiềm chế lạm phát, ổn định giá cả thị trường cần sự đồng bộ, quyết tâm và nhất quán với sự điều hành quản lý của Nhà nước. Bởi thực tế, thời gian qua, khi Nhà nước vừa đưa ra những giải pháp bình ổn giá thì liền sau đó là giá xăng tăng, giá nước tăng... cùng một số mặt hàng thiết yếu khác trong tầm kiểm soát của Nhà nước vẫn cho tăng thì làm sao bình ổn tốt? Người tiêu dùng nói chung, người ăn lương nói riêng rất cần giá cả ổn định. Bởi giá cả ổn định sẽ góp phần tạo cho đồng lương của họ ổn định theo. Giá cả tăng, chất lượng đồng lương sẽ ảnh hưởng nếu không muốn nói là đi xuống. Có câu chuyện ngụ ngôn mà hầu hết chúng ta đều biết là chuyện Thỏ và rùa. Mọi so sánh đều khập khiểng nhưng nếu có thể so sánh thì giá cả như chú thỏ còn đồng lương ví như chàng rùa. Trong câu chuyện trên, chú thỏ vì chủ quan trong chạy thi do ngủ quên đến khi giật mình tỉnh giấc thì thấy chú rùa đã vượt mặt qua mình về đích. Nhiều người ăn lương rất mong cái kết có hậu như vậy, một ngày nào đó rùa sẽ qua mặt thỏ. Tuy nhiên, cái kết hiện tại lại là tiếng kêu í, ới của chú rùa: “Thỏ ơi, chờ rùa theo với!”.

DÂN THƯỜNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên