Chuyện nghề “thông ngôn”

Cập nhật: 16-04-2019 | 08:25:12

Nghề phiên dịch hay còn gọi là “thông ngôn”, một trong những nghề có mức thu nhập cao và nhiều người mong muốn được làm việc. Tuy nhiên, tố chất của một phiên dịch viên lại đòi hỏi khá cao, không chỉ nắm chắc về ngôn ngữ, mà còn rất nhiều yếu tố khác như khả năng giao tiếp, nắm bắt tâm lý, xử lý tình huống nhanh và hơn cả là đạo đức nghề nghiệp. Chính vì vậy, để trở thành người “thông ngôn” giỏi cần phải học tập suốt đời.


Chị Nguyễn Thị Hải Yến
(ngồi) luôn nỗ lực với vai trò “cầu nối” để tạo mối quan hệ thân thiết giữa BGĐ và NLĐ

“Cầu nối” giữa chủ doanh nghiệp và người lao động

Đến Công ty TNHH Arai Việt Nam (xã An Tây, TX.Bến Cát) hỏi chị Nguyễn Thị Hải Yến (SN 1985) ai cũng biết, bởi ngoài quản lý nhà máy, chị còn là “cầu nối” giữa Ban giám đốc (BGĐ) công ty với người lao động (NLĐ) qua vai trò phiên dịch viên. Sau khi học chuyên ngành Nhật Bản học tại trường Đại học Lạc Hồng TP. Hồ Chí Minh, chị đã thử sức mình ở 2 công ty. Sau đó về đầu quân cho Công ty TNHH Arai Việt Nam từ năm 2012 đến nay. Sử dụng ngôn ngữ Nhật và Việt khá chuẩn nên chị đã trở thành người thông ngôn chính cho Tổng giám đốc công ty, chuyển tải những chính sách của BGĐ đến với NLĐ. Mặt khác, chị cũng thông tin đến BGĐ những mong muốn của NLĐ để có chính sách chăm lo phù hợp. Cũng từ đó tạo mối quan hệ hài hòa trong quan hệ lao động ở công ty. Chị Yến tâm sự: “Mới ra trường bắt tay ngay làm thông dịch viên gặp nhiều khó khăn, nhất là chuyển tải hết ý nghĩa người nói cho người nghe hiểu. Chính vì vậy tôi phải vừa làm vừa học thêm để có thể hiểu sâu những từ ngữ chuyên ngành sản xuất, kinh doanh”.

Hiện nay, Bình Dương là tỉnh phát triển công nghiệp nên thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài, các tập đoàn lớn về đầu tư. Vận hành sản xuất, các doanh nghiệp nước ngoài hầu hết điều động chính những chuyên viên của nước mình đến Việt Nam quản lý nhà máy để tiện trao đổi công việc, giám sát hoạt động kinh doanh. Quản lý là người nước ngoài, lao động lại là người Việt Nam nên bất đồng ngôn ngữ. Lúc này, vai trò của những thông dịch viên là rất cần thiết. Cũng chính vì vậy, một số công ty chuyên cung cấp thông dịch viên, nhận phiên dịch các hồ sơ, giấy tờ “ăn nên làm ra”. Điển hình như Công ty Dịch thuật chuyên nghiệp (chi nhánh Bình Dương tại TX.Dĩ An). Về Bình Dương lập chi nhánh từ năm 2016 đến nay, công ty đã thực hiện nhiều hợp đồng cung cấp thông dịch viên, dịch thuật.

Ông Trần Văn Khương, Giám đốc Công ty Dịch thuật chuyên nghiệp nói, công ty có 10 chi nhánh ở các tỉnh, thành trong cả nước. Đối với dịch thuật những văn bản được dịch đều được kiểm tra kỹ lưỡng về nội dung và bảo hành 6 tháng. Nếu trong quá trình dịch thuật sai sót công ty chịu trách nhiệm hoàn toàn. Đối với những doanh nghiệp cần thông dịch viên cho các sự kiện lớn, công ty sẽ ký hợp đồng và lựa chọn người phù hợp. Công ty chú trọng về năng lực, kỹ năng hơn là bằng cấp để có thể chuyển tải thông tin của người nói đến người nghe một cách chính xác, thu hút.

Học tập suốt đời

Nghề phiên dịch được xem là nghề dễ “hái ra tiền” nhưng cũng lắm khó khăn, vất vả. Nhất là những người làm nghề thông ngôn tại các phiên tòa có yếu tố nước ngoài. Dù là người có vốn ngoại ngữ khá chắc và đã quen với việc tiếp xúc với người ngoại quốc, nhưng những lần xem xét xử người viết đều thấy sự căng thẳng, áp lực trên gương mặt của các phiên dịch viên. Trong quá trình phiên dịch phải truyền đạt thật chính xác ý của Hội đồng xét xử cho bị hại bởi nếu không diễn đạt đúng, bị hại sẽ nghi ngờ vào chất lượng xét xử. Nhất là những thuật ngữ chuyên sâu về pháp lý không dễ giải thích bằng 1 hay 2 câu. Chính vì vậy, để góp phần vào sự thành công của mỗi cuộc làm việc đòi hỏi phiên dịch viên phải không ngừng học hỏi, nỗ lực. Ông Đào Xuân Thu, Tòa án tỉnh Bình Dương, cho biết thực tế chưa có tổ chức hành nghề phiên dịch tư pháp nói chung và tư pháp hình sự nói riêng. Việc mời người phiên dịch do các bên đương sự thuê từ bên ngoài vào chưa bảo đảm về chất lượng phiên dịch. Bởi có những thuật ngữ pháp lý mà chỉ người có trình độ hiểu biết nhất định về pháp luật hình sự mới hiểu và dịch đúng, đủ. Thông dịch viên phải ký biên bản cam kết những lời mình đã phiên dịch trước tòa là chính xác và chịu hoàn toàn trách nhiệm.

Chị Nguyễn Lê Thanh Thảo, Phó phòng Hợp tác quốc tế (Sở Ngoại vụ), tâm sự, công việc thông dịch viên đòi hỏi không chỉ giỏi ngoại ngữ mà bạn còn phải giỏi cả tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt), phải có sức khỏe tốt và có thần kinh thép để theo đuổi những chương trình hội nghị kéo dài suốt cả ngày với nhiệm vụ làm cầu nối ngôn ngữ. Một cuộc gặp gỡ, hội nghị thành công đều có sự đóng góp không nhỏ của những phiên dịch viên. Trong nghề phiên dịch, thời gian chỉ được tính bằng giây, kể từ lúc đại biểu cất tiếng cho đến lúc nội dung đó được chuyển ngữ hoàn chỉnh. Để trở thành một phiên dịch giỏi phải học hỏi rất nhiều, học không ngừng nghỉ, học trong sách vở và cả trong thực tế.

THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=449
Quay lên trên