Chuyện... viện phí tăng!

Cập nhật: 16-04-2012 | 00:00:00

Theo Thông tư liên Bộ Y tế - Tài chính, từ ngày 15-4-2012, mức viện phí mới sẽ được áp dụng tại tất cả các bệnh viện trong cả nước. Theo đó, sẽ có khoảng 447 dịch vụ y tế tăng giá, chiếm 12% trong tổng số 4.000 dịch vụ y tế đang được cung cấp. Giá viện phí mới được áp dụng từ 15-4 nhưng có thể sẽ không tăng đồng loạt ngay bởi có nhiều địa phương sẽ phải tính toán, cân nhắc và còn chờ UBND tỉnh, thành phê duyệt.

Theo các nhà chuyên môn, nguyên nhân tăng viện phí là do những năm qua, tiền lương cán bộ, công nhân viên chức đã nhiều lần tăng, mức thu nhập bình quân của người dân cũng đã tăng, trong khi đó các quy định về giá khám chữa bệnh hầu như không thay đổi. Vì thế, theo tính toán của ngành y tế, nếu một lần khám bệnh chỉ thu từ 3.000 - 5.000 đồng như theo quy định của Nghị định 95 trước đây thì không thể đủ nguồn thu cho bệnh viện hoạt động ổn định. Do đó, việc điều chỉnh giá viện phí là để tính đúng, tính đủ, duy trì hoạt động ở các bệnh viện.

Lý do thứ hai theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, vấn đề nhức nhối nhất là tình trạng quá tải bệnh viện. Giải quyết tình trạng quá tải này, Bộ Y tế đang xây dựng cả một đề án giảm tải bệnh viện, trong đó chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ năm 2013 đến 2014 tập trung hạn chế tình trạng quá tải tại các bệnh như: K, Bạch Mai, Nhi Trung ương, Chợ Rẫy, Nhi đồng 1, Phụ sản Từ Dũ... Giai đoạn 2 sẽ mở rộng ra các bệnh viện đa khoa tuyến Trung ương, tuyến tỉnh quá tải khác. Đến năm 2015, bộ cũng đặt mục tiêu tăng tỷ lệ giường bệnh trên vạn dân lên mức 25 - 27 giường (hiện nay là 20,25 giường bệnh/1 vạn dân). Vì thế, bộ rất cần vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng điều trị bệnh... 

Biết là vậy nhưng viện phí tăng sẽ tác động mạnh đến nhóm đối tượng chưa có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT), nhóm bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn mắc các bệnh mãn tính, vì họ phải đồng chi trả 5% (5% của giá viện phí cũ sẽ khác với 5% của giá viện phí mới, chưa kể các chi phí gián tiếp). Ngoài ra, tăng viện phí cũng làm cho những đối tượng chưa tham gia BHYT càng không “mặn mà” với BHYT (nhất là trong bối cảnh người dân đang sống cùng áp lực do lạm phát kinh tế gây ra) và ảnh hưởng đến lộ trình thực hiện BHYT toàn dân.

Với mức giá viện phí chưa tăng như hiện nay, nhiều người bệnh, nhất là đối tượng cận nghèo, người làm công, nông dân, người mắc bệnh mãn tính, nan y... dù có thẻ BHYT nhưng cũng đã gặp rất nhiều khó khăn về chi phí khám chữa bệnh khi phải cùng chi trả. Thậm chí, nhiều người dân ở vùng sâu, vùng xa dù có thẻ BHYT nhưng cũng không dám đi chữa bệnh khi ốm đau, hoặc nếu có tới bệnh viện cũng tìm cách trốn viện vì không có tiền để cùng chi trả dù chỉ là vài phần trăm chi phí khám chữa bệnh.

Tăng viện phí cũng dễ kéo theo sự gia tăng của các chi phí sinh hoạt khác, nhất là những hoạt động liên quan tới khám chữa bệnh. Vì vậy, việc tăng giá viện phí cần phải cân nhắc để không tạo thêm gánh nặng cho người dân. Hơn nữa, hiện nay, Nhà nước đang nỗ lực bình ổn giá, kiềm giá một số mặt hàng thiết yếu, vậy nên chăng có thể tính toán tăng giá viện phí sao cho phù hợp, đừng để người bệnh đã bệnh lại bị oằn vai?!

Mai Huy

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên