Con công nhân “khát” chữ

Cập nhật: 03-04-2013 | 00:00:00

Nan giải việc cho con đến trường

Trong thời gian qua, tình trạng thiếu nhà trẻ, trường mẫu giáo cho con CN tại các KCN đã được đưa ra phân tích, tìm giải pháp tại các cuộc họp, khảo sát của lãnh đạo tỉnh. Từ đó, một số công ty trong các KCN đã quan tâm xây dựng nhà trẻ, đáp ứng phần nào nhu cầu gửi con để CN yên tâm lao động sản xuất.  Trẻ em là con công nhân chơi đùa với nhau tại khu nhà trọ chị Dương Thị Xòng (xã Khánh Bình, Tân Uyên) 

Qua khảo sát của Ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh tại các khu trọ ở Tân Uyên, Dĩ An, chỉ riêng 2 huyện, thị này, số lượng trẻ em tại các khu trọ còn thất học khá nhiều. Điển hình khu trọ Dương Thị Xòng (ấp Bình Khánh, xã Khánh Bình) có hơn 60 phòng trọ. Người thuê trọ chủ yếu là người Khmer (Sóc Trăng) làm CN tại KCN Nam Tân Uyên. Khoảng gần 150 người ở trọ, trong đó có trên 40 em nhỏ trong độ tuổi đi học không được đến trường. Đối với gia đình chị Dương Thị Sapô, lương hai vợ chồng tăng ca cả thảy gần 6 triệu đồng/tháng, thế nhưng tiền trọ, tiền ăn đã gần hết. Chị có hai đứa con đã đến tuổi đi học nhưng chưa được đến trường vì các chi phí ăn học khá tốn kém. “Thấy các con thất học, mình cũng buồn nhưng không biết làm sao. Vợ chồng mình đang cố gắng làm để dành tiền cho con đi học, biết đến cái chữ sau này cuộc sống đỡ vất vả”, chị Sapô nghẹn ngào.

Có thể thấy, trước tình trạng kinh tế khó khăn, lương thưởng bị cắt giảm, cuộc sống CN gặp nhiều khó khăn. Bởi vậy, việc cho con đi học đối với họ là “bài toán” khó. Vì cuộc sống mưu sinh nhiều CN ngậm đắng cho con bỏ học giữa chừng để đưa đi nơi khác kiếm việc làm. Nguyễn Công Vũ, CN Khu công nghiệp Sóng Thần I (TX.Thuận An), than vãn: Đầu năm, Công ty Cổ phần DV-TM Thái Bình Dương (Tân Uyên) cắt giảm lao động, vợ chồng anh phải đến Thuận An xin việc làm mới. Con gái đang học lớp 4 đành nghỉ giữa chừng để theo cha mẹ.

Không chỉ bị thất học, các em còn lam lũ vào đời sớm để kiếm thêm thu nhập cho gia đình, như phụ việc tại quán ăn, bán vé số hay lượm ve chai. Trùy Trang (7 tuổi, Tân Uyên), bộc bạch: “Buổi sáng con ở phòng trọ trông em. Chiều con đi lượm ve chai để kiếm tiền cho mẹ mua sữa cho em”.

Không ít trường hợp gia đình không lo được cho con tiếp tục đi học đã mượn giấy tờ người khác để xin cho con đi làm CN tại các KCN, dù con chưa đến tuổi lao động. Ở tuổi 15 - 16 nhưng N.T.N (Nghệ An) đã có thâm niên làm CN 3 năm tại một công ty ở KCN Nam Tân Uyên dưới tên của người khác. N.T.N kể: “Em đang học lớp 7 thì gia đình gặp khó khăn. Mẹ đưa em và em gái vào Bình Dương mưu sinh. Thấy mẹ một mình làm vất vả nuôi con nên em xin mẹ cho đi làm. Ban đầu em xin phụ quán ăn, sau đó xin làm CN với mẹ. Sau này có điều kiện em sẽ tiếp tục đi học bổ túc để thực hiện ước mơ trở thành cô giáo”.

Đưa chữ đến con em CN

Mặc dù tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng cuộc sống của CN vẫn còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, việc cho con đi học là một thách thức lớn. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tấm lòng hảo tâm đến với trẻ em tại các khu nhà trọ CN không được đến trường, giúp các em giải cơn “khát” chữ, thêm kiến thức để làm hành trang vào đời.

Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh NGUYỄN NGỌC HẰNG:

 Hiện nay trên địa bàn tỉnh nhiều con, em CN không được đi học. Đây là vấn nạn xã hội, bởi không được tiếp cận với giáo dục, học những điều hay các em dễ bị mắc vào tệ nạn xã hội. Do đó, mọi người hãy cùng chung tay, góp sức đưa tri thức đến với tất cả các em không có điều kiện đến trường. Từ đó, tạo nên những “mầm xanh” cho xã hội.

Cụ thể, Thị đoàn Thuận An, Thị đoàn Dĩ An đã phát động các chi đoàn cơ sở mở nhiều lớp học tình thương. Từ đó, đã mở được hơn 10 lớp học tình thương tại các xã, phường. Theo chị Nguyễn Thị Mỹ Hạnh - Bí thư Thị đoàn Dĩ An: Tạo sân chơi lành mạnh cho thanh niên CN, chăm lo cho con em CN là việc mà Thị đoàn Dĩ An luôn quan tâm, chú trọng. Thời gian qua, Thị đoàn đã tổ chức nhiều lớp học tình thương; xây dựng Quỹ Hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, trong đó đối tượng hướng đến là con em CN. Tuy nhiên, khó khăn trong việc duy trì lớp học là nguồn kinh phí còn hạn chế, cần nhiều hỗ trợ hơn nữa để các em có thể được tiếp cận với tri thức.

Ông Phạm Văn Lời, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Uyên, cho biết: “Việc học tập của các em là việc quan trọng, nhất là con em CN nhập cư. Mặc dù, cơ sở vật chất giáo dục trên địa bàn huyện còn thiếu, nhưng huyện Tân Uyên sẽ tạo mọi điều kiện đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trường học. Mặt khác, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, kêu gọi các cá nhân thành lập trường tư thục tạo điều kiện cho các em đi học. Đối với con em CN khó khăn không có điều kiện đến trường, huyện đã lập Ban chỉ đạo bảo vệ chăm sóc trẻ em. Qua đó, vận động các cá nhân, tổ chức hỗ trợ tặng học bổng cho các em”.

 THIÊN LÝ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=224
Quay lên trên