Của cho và cách cho

Cập nhật: 11-10-2011 | 00:00:00

1. Số tiền 1 triệu USD (tương đương  21 tỷ đồng) mà 2 “đại gia” của bóng đá Việt Nam - Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai) và Lê Hùng Dũng (Chủ tịch HĐQT Eximbank) - tuyên bố treo thưởng cho tuyển U23 Việt Nam nếu vô địch SEA Games 26 tới đây, đã làm dư luận giật mình và báo chí tốn nhiều giấy mực mấy ngày qua. Chưa biết nó có làm đôi chân các tuyển thủ trở nên nặng nề và cái đầu họ thêm luẩn quẩn vì mãi nghĩ đến tiền hay không, nhưng chắc chắn một điều, việc sử dụng số tiền “khủng” này không được thuận tình cho lắm.

Người xưa thường nói: “Của cho không bằng cách cho”. Ở đây, “của cho” là 1 triệu USD, đối với các doanh nhân lớn, thành đạt có thể không đáng kể, nhưng đối với các tuyển thủ còn rất trẻ thì đó là số tiền mơ ước, lại có được trong thời gian ngắn, do vậy cần suy xét kỹ về “cách cho”. Liệu rằng với “cách cho” như vậy có gây ra tác dụng ngược hay không, bởi nó vừa tạo sự choáng ngộp và vừa gây ra thói quen xấu (nhiều tiền đá nhiều, ít tiền đá ít, không tiền đá theo kiểu không tiền) cho các tuyển thủ còn trẻ đang bước vào những sân chơi lớn? Vì sao không chọn rất nhiều những “cách cho” khác để khích lệ tinh thần cầu thủ và làm cho họ biết thi đấu vì tinh thần dân tộc, vì màu cờ sắc áo chứ không phải cứ lẩn thẩn trong đầu suy nghĩ: “Mình sẽ được chia bao nhiêu trong số tiền 1 triệu USD ấy”? Nếu đã có nhã ý vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam, vì sao không dành bớt số tiền thưởng này để “cho” các địa phương, các dự án đào tạo bóng đá trẻ nhằm tạo sự phát triển bền vững cho bóng đá Việt Nam, từ đó tránh chuyện “hớt ngọn” là cứ chờ đến giải rồi tung tiền ra treo thưởng để hy vọng lên tinh thần cầu thủ? Và, “cách cho” như vậy có hợp lý và “coi được” hay chưa, trong khi nếu hoàn thành chỉ tiêu 70 huy chương vàng tại SEA Games 26, toàn bộ cả đoàn Thể thao Việt Nam chỉ nhận được tròm trèm 4 tỷ đồng, tức chỉ bằng 1/5 số tiền thưởng riêng của các cầu thủ U23?

2. Không biết trong làng bóng đá nước ta có cầu thủ nào... từ chối nhận thưởng do thấy mình không xứng đáng hay chưa, nhưng trong làng văn nghệ thì đã xảy ra nhiều. Chỉ điển hình cách đây ít tháng, nhiều nghệ sĩ, ca sĩ tên tuổi đã từ chối không làm thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân mặc dù được đề nghị. Lý do là vì thủ tục quá rườm rà, thiếu tôn trọng người nghệ sĩ. Phát biểu trên báo chí, các nghệ sĩ, ca sĩ này cho rằng, “của cho không bằng cách cho”, điều quan trọng nhất đối với họ là được khán giả ủng hộ, được khán giả dành nhiều tình cảm chứ không phải chạy theo danh hiệu bằng mọi giá.

Cả hai trường hợp trên nghe hơi khác nhau về hình thức nhưng đều cùng gợi cho chúng ta một suy nghĩ giống nhau về “của cho” và “cách cho”. Khi đã lao động bằng chính thực lực và ý thức tự trọng nghề nghiệp thì giá trị của mỗi người mới được nâng lên thực chất và bền vững. Khi đó, chuyện thưởng bao nhiêu cho xứng đáng không hề muộn mà chỉ còn là vấn đề thời gian. Xin các nhà tài trợ, các ông bầu hãy cân nhắc tới điều đó, đừng quá nôn nóng mà làm hỏng “cái đầu” các tuyển thủ trẻ!

Q.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên