Đủ ăn thì ngày nào cũng là mùng 8-3

Cập nhật: 07-03-2013 | 00:00:00

Với họ, ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3 cũng như bao ngày bình thường khác, đó là ngày dành cho những vất vả, lo toan trong cuộc sống mưu sinh hàng ngày.

8-3, ngày mưu sinh

4 giờ sáng, khi thành phố còn chìm trong giấc ngủ thì tại chợ đầu mối Long Biên, mọi hoạt động mua - bán, vận chuyển hàng hóa đã diễn ra ồn ào, tấp nập. Đây là một trong những khu chợ đầu mối lớn nhất tại Thủ đô với số lượng lao động lên tới hàng trăm người, chủ yếu là phụ nữ. Họ đến từ các tỉnh lân cận quanh Hà Nội, làm công việc vốn mặc định dành cho đàn ông với đồng tiền công rẻ mạt – “nghề bốc vác thuê”. Công việc nặng nhọc cùng nỗi lo cơm áo, gạo tiền đã khiến những người phụ nữ này không còn nhớ tới ngày 8-3, ngày cả thế giới tôn vinh họ.

  Đã khuya nhưng chị Mơ vẫn cố nán lại bán hết số hàng mới về nhà trọ nghỉ ngơi. Tranh thủ những phút nghỉ ngơi hiếm hoi giữa hai chuyến hàng, chị Nguyễn Thị Phương (Hải Hậu, Nam Định) thật thà tâm sự: “Cả đời tôi chưa bao giờ biết đến một ngày lễ, chưa bao giờ được ai tặng quà 8-3. Lúc bé thì giúp mẹ làm ruộng nuôi các em, có gia đình thì đi làm thuê nuôi các con. Đến miếng ăn còn chẳng đủ thì làm sao dám nghĩ tới chuyện quà cáp”.

Theo chị Phương, tiền công các chị nhận được sau mỗi chuyến hàng dao động từ 15-20 nghìn đồng. Trung bình một ngày chị gánh khoảng 10 chuyến. Nếu chi tiêu tiết kiệm, số tiền hàng tháng chị gửi về quê cũng ngót nghét ba triệu đồng. “Hầu hết những người lao động ở đây cũng như tôi thôi, phải lo kiếm sống trước đã. Ngày Quốc tế Phụ nữ chẳng có ý nghĩa gì với chúng tôi cả”, chị Phương bộc bạch.

Trái với suy nghĩ của chị Phương, chị Ngô Thị Lan (Hải Dương), một người quanh năm sống bằng nghề buôn đồng nát, bán ve chai tại Hoàng Cầu cho biết, tất cả các ngày lễ trong năm, bao gồm cả 8-3 đều là ngày mà những người làm nghề như chị mong đợi. “Mình thì chẳng bao giờ được nhận gì vào ngày đó. Khi người ta tặng hoa, tặng quà nhau thì mình tranh thủ nhặt nhạnh ít vỏ chai, vỏ hộp còn lại sau những cuộc liên hoan để kiếm tiền. Mình thích những ngày này vì rác thải nhiều, kiếm tiền nhanh. Cứ đủ ăn thì ngày nào cũng là mùng 8-3 hết”, Chị Lan buồn bã chia sẻ.

Có lẽ, trong suy nghĩ của những người phụ nữ quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, sống nhờ vào những gánh hàng, những bãi phế thải, Ngày Quốc tế Phụ nữ là một điều gì đó hết sức xa xỉ. Cuộc sống buộc họ phải vật lộn để mưu sinh. Nỗi lo về cái ăn, cái mặc đè bẹp ý niệm của họ về một ngày mình được tôn vinh, ca ngợi. Họ chưa bao giờ biết đến 8-3, thậm chí chưa bao giờ có được khoảng thời gian nghỉ ngơi đúng nghĩa.

Uể oải trở về căn phòng trọ tồi tàn sau một ngày rong ruổi trên các tuyến đường, chị Đặng Thị Mơ (Vĩnh Phúc) than thở: “Tôi chỉ muốn bán được nhiều hàng. Cả nhà không bị đói là may chứ nghĩ tới ngày phụ nữ hay ngày đàn ông làm gì cho mệt”. Chị Mơ bán hàng rong trên phố cổ, khuôn mặt đen sạm, khắc khổ khiến chị già hơn nhiều so với tuổi 40. Chị tâm sự, cả hai vợ chồng đi làm tới tối mịt mới gặp nhau, “thời gian để ngủ còn không có thì làm sao nhớ nổi mấy ngày lễ, ngày Tết”.

Điều ước giản dị…

Ở nhiều nơi đang tiệc tùng cho những người phụ nữ vào ngày lễ tôn vinh họ, với hoa tươi, ánh nến ấm áp, với không khí gia đình sum vầy… thì ở đâu đó, những người phụ nữ khác lại đang nhọc nhằn với công cuộc mưu sinh. Họ là lao động chính trong gia đình với nhiều lo toan, trăn trở, họ tìm về thành thị kiếm việc làm với một ước mơ bình dị là kiếm thêm thu nhập để trang trải cho cuộc sống gia đình và chăm lo con cái học hành…

Với chị Mơ, niềm vui và cũng chính là động lực để chị tiếp tục cuộc sống mưu sinh vất vả trên Hà Nội chính là hai cô con gái. Tuy cả hai anh chị đều đi làm ăn xa nhà nhưng hai cô con gái (đứa lớn 15 tuổi, đứa nhỏ 10 tuổi) đều ngoan ngoãn, học giỏi và biết thương bố mẹ. Chị quả quyết: “Nếu chúng nó học được, vợ chồng tôi quyết tâm cho học đến cùng, gian khổ mấy cũng chịu được. Miễn sao chúng nó học hành chăm chỉ để sau này kiếm cái nghề nuôi sống bản thân, như đời mình thiếu chữ khổ lắm”.

Giống như chị Mơ, chị Nguyễn Thị Hường (34 tuổi), làm nghề bán ve chai đồng nát ở bãi rác Hoàng Cầu cũng quả quyết sẽ cố gắng lo cho các con học hành đầy đủ. Nhắc tới hai đứa con, chị ứa nước mắt tâm sự: “Khổ lắm cô ạ, mỗi lần về thăm chúng nó chỉ được một hai ngày rồi lại đi, đứa lớn hiểu chuyện rồi thì không sao, đứa nhỏ mới năm tuổi, cứ khóc ngằn ngặt rồi ôm chân mẹ không cho đi. Thương chúng nó nên đời mình phải khổ đến đâu cũng được, miễn là con cái có học có hành”.

Những mảnh đời lao động nữ mà chúng tôi có dịp gặp, trò chuyện luôn tần tảo sớm khuya để kiếm những đồng tiền bằng chính mồ hôi, nước mắt của mình. Họ chưa bao giờ có một ngày 8-3 đúng nghĩa nhưng luôn có ý chí vươn lên trong cuộc sống, cho dù có khó khăn, vất vả đến nhường nào.

Nhân bài viết này, chúng tôi xin gửi lời chúc tới những người phụ nữ đang lăn lộn với cuộc mưu sinh hàng ngày lời chúc tốt đẹp nhất, dẫu rằng, cả cuộc đời họ chưa bao giờ được hưởng một ngày lễ dành riêng cho mình, để được xã hội tôn vinh, nhưng nghị lực sống của họ mới thật đáng trân trọng.

Theo Nhân Dân

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên