Giấc mơ & lộ trình

Cập nhật: 21-02-2012 | 00:00:00

Cuối tuần qua, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) đã tổ chức hội nghị góp ý xây dựng Dự thảo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Qua đó, dự thảo đã đề ra mục tiêu và lộ trình cụ thể cho việc phấn đấu lọt vào tốp 10 châu Á vào năm... 2030! Liệu đây có phải là một “giấc mơ hà tiện” của những nhà quản lý bóng đá Việt Nam khi không dám mạnh dạn đặt mục tiêu giành vé dự VCK World Cup cho dù có quỹ thời gian đến 18 năm phấn đấu? ĐTVN (phải) trong trận thắng Qatar tại giải vô địch châu Á 2007

Từ dự thảo

Dự thảo chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định rõ các mục tiêu thực hiện trong giai đoạn 2012-2020 và 2021-2030. Theo đó, trong giai đoạn 1, song song với chiến lược thúc đẩy sự phát triển của bóng đá phong trào, đẩy mạnh đào tạo trẻ, phát triển các CLB chuyên nghiệp... bóng đá Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu là nâng cao và cải thiện thành tích của các ĐTQG, phấn đấu đoạt ngôi vô địch AFF Cup hoặc SEA Games (từ 2 - 3 lần), đứng trong tốp 15 châu Á (với bóng đá nam), xếp thứ 6 - 7 châu Á (với bóng đá nữ); vượt qua vòng loại thứ 3 World Cup khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, tại giai đoạn 2 (2021-2030), bóng đá Việt Nam hướng tới mục tiêu đứng trong tốp 10 châu Á đối với bóng đá nam và tốp 5 châu Á đối với bóng đá nữ.

...Đến khát vọng của một nền bóng đá

Theo đánh giá của các chuyên gia bóng đá thế giới như HLV huyền thoại Bora Milutinovic (từng đưa 5 ĐTQG khác nhau vào VCK World Cup), danh thủ Brazil Simao (trưởng đoàn Olympic Brazil sang Việt Nam thi đấu giao hữu) hay Ronaldinho, Pato, Philani... đều cho rằng bóng đá Việt Nam có tiềm năng cực lớn để trở thành một đội tuyển hàng đầu của châu lục, đủ sức đoạt vé vào VCK World Cup. Những nhận định trên không đơn thuần chỉ là xã giao mà thật sự có cơ sở, bởi qua các trận đấu ở vòng loại World Cup hay vòng loại giải vô địch châu Á, vòng loại Olympic (Việt Nam từng vào đến vòng 3) cho thấy cầu thủ Việt Nam không hề kém các đội tuyển hàng đầu châu lục về trình độ kỹ thuật, tư duy chơi bóng mà chúng ta đôi khi còn khéo léo hơn bạn và hơn hẳn về tinh thần thi đấu - vốn là những tài sản quý mà không phải nền bóng đá nào cũng có thể sở hữu. Vấn đề của bóng đá Việt Nam khi chinh phục các giải đấu đỉnh cao châu lục và giành vé vào VCK World Cup là thể hình và nền tảng thể lực của cầu thủ Việt Nam quá lép vế so với đội bạn, đặc biệt là kinh nghiệm trận mạc và tâm lý thi đấu vẫn là hạn chế lớn - ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả về chuyên môn của trận đấu.

Đối với vấn đề cải thiện thể hình thì cần phải có chiến lược riêng về dinh dưỡng vốn cần có nhiều thời gian, nhưng chuyện kinh nghiệm trận mạc và tâm lý thi đấu thì không phải là quá khó để thay đổi. Nếu các đội tuyển Việt Nam từ U17 đến Olympic Việt Nam được tuyển chọn kỹ lưỡng, gửi tập huấn dài hạn tại những quốc gia có nền bóng đá phát triển và phù hợp với lối chơi của chúng ta; bên cạnh đó các đội này được tạo điều kiện tham dự các giải đấu giao hữu và chính thức với các đội bóng hàng đầu châu lục và thế giới để tích lũy kinh nghiệm trận mạc thì chúng tôi tin rằng sẽ góp phần tích cực rút ngắn khoảng cách về trình độ với bóng đá thế giới. Tuy nhiên, quan trọng hơn, về căn cơ các nhà hoạch định, quản lý của VFF cần phải có chiến lược đúng hướng - khoa học - hiệu quả trong vấn đề đào tạo trẻ (bóng đá học đường và hệ thống đào tạo tài năng trẻ ở các CLB chuyên nghiệp), xây dựng và nâng chất giải VĐQG chuyên nghiệp thì sẽ củng cố vững chắc nền tảng, tạo bệ phóng vững chắc cho các ĐTQG. Vậy, tại sao VFF không dám mạnh dạn đặt mục tiêu đưa ĐTVN dự VCK World Cup vào năm 2030 để cùng nỗ lực phấn đấu, chinh phục?

CHÍ THANH

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=351
Quay lên trên