Giải pháp để nâng cao chỉ số PAPI

Cập nhật: 02-10-2017 | 09:21:03

Năm 2016, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bình Dương đứng hạng 4 cả nước, trong khi đó chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Bình Dương bất ngờ đứng hạng 63/63 tỉnh, thành. Tương quan giữa chỉ số PAPI và chỉ số PCI năm 2016 của Bình Dương cho thấy điều gì? Và những giải pháp nào để nâng cao chỉ số PAPI?

Từ góc nhìn...

Chỉ số PAPI là công cụ theo dõi và đánh giá hiệu quả thực thi chính sách liên quan đến quản trị và hành chính công, đo lường mức độ hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật của Việt Nam. Phương pháp xây dựng chỉ số PAPI là thông qua điều tra, khảo sát, phản ánh trải nghiệm của người dân khi tương tác với chính quyền hay khi sử dụng dịch vụ công và tham gia quản trị công. Trong khi đó, chỉ số PCI đã được thực hiện 11 năm liên tiếp và là tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp, dân doanh về chất lượng điều hành kinh tế.

Hướng dẫn người dân tham gia giám sát các hoạt động tại cơ sở là nhiệm vụ của từng khu phố, ấp. Trong ảnh: Ông Hồ Thanh Tâm (bìa phải), Bí thư Chi bộ, Trưởng ban điều hành KP.Bình Thuận 2, phường Thuận Giao, TX.Thuận An hướng dẫn người dân cách giám sát các hoạt động tại cơ sở. Ảnh: HỒ VĂN  

Như vậy, đối tượng khảo sát, đánh giá của 2 chỉ số này là hoàn toàn khác nhau, một bên là người dân (PAPI), một bên là doanh nghiệp (PCI). Mặc dù vậy, sự so sánh, đánh giá, phân tích hai chỉ số vẫn đem lại những nhận xét thú vị và hữu ích.

Trước hết, trong lĩnh vực đất đai, PAPI tập trung làm rõ việc công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù. Bình Dương được chấm 1.58 (so với mức điểm cao nhất là 1.99) là mức điểm thấp. Các câu hỏi được đưa ra cho người dân là có biết, có dịp góp ý kiến, có được tiếp thu góp ý về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất? Có biết nơi cung cấp thông tin bảng giá đất chính thức được ban hành ở địa phương? PCI đồng thời cũng đánh giá về trục tiếp cận đất đai của doanh nghiệp. Ở Bình Dương, số điểm về tiếp cận đất đai là 6.52 trên thang điểm 10 (giảm nhẹ so với năm 2015 là 6.55) nhưng vẫn ở mức tốt so với cả nước. Các chỉ số được khảo sát là việc tiếp cận đất đai và ổn định sử dụng đất, có mặt bằng kinh doanh và có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, doanh nghiệp đánh giá rủi ro bị thu hồi đất…

Từ kết quả có phần trái ngược của 2 chỉ số đối với lĩnh vực đất đai, có thể thấy Bình Dương tiếp tục duy trì hiệu quả các chính sách nhằm thu hút các doanh nghiệp đầu tư và phát triển kinh doanh dựa vào các chính sách đất đai ổn định, minh bạch. Ngược lại, việc công khai, minh bạch hóa thông tin về kế hoạch sử dụng đất, nhất là đối với các hộ dân bị thu hồi đất cho các dự án đầu tư vẫn còn là một lĩnh vực Bình Dương cần tiếp tục đổi mới cách thức chia sẻ thông tin ở cấp cơ sở qua các kênh khác phù hợp với từng nhóm dân cư.

Các biện pháp ứng dụng công nghệ thông tin hiện đại tại Bình Dương tạo điều kiện mạnh mẽ cho các doanh nghiệp nắm được chính sách về đất đai. Tuy nhiên, các biện pháp này chưa thể tác động hiệu quả đến lực lượng người nhập cư sinh sống tại các khu nhà trọ, cũng như những nhóm dân cư địa phương ít tiếp cận công nghệ. Do đó, việc phát huy vai trò của các tổ trưởng tổ dân phố, hệ thống loa truyền thanh cần được thực hiện nhiều hơn nữa. Việc công khai, minh bạch hóa kế hoạch sử dụng đất và khung giá đền bù cần được chia sẻ thông tin tại những nơi người dân có thể đọc và trình bày theo hướng để người dân có thể hiểu, hạn chế chỉ niêm yết bên trong trụ sở cơ quan.

Công tác tham vấn, trao đổi ý kiến người dân về kế hoạch sử dụng đất cần làm thực chất, thường xuyên hơn thông qua nhiều kênh, trong đó vai trò của tổ trưởng dân phố là hết sức quan trọng. Đặc biệt, việc mời họp dân đối với những nhóm công dân không phải là thành viên các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội cần được thực hiện tốt nhằm bảo đảm các cuộc họp lấy ý kiến người dân được thực hiện rộng rãi hơn.

Và những giải pháp cần quan tâm

Đối với việc cung ứng thủ tục hành chính đã cho thấy những nỗ lực cải cách hành chính mạnh mẽ, theo hướng giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người dân vàdoanh nghiệp của Bình Dương trong thời gian qua. Chi phí không chính thức ở Bình Dương được PCI 2016 đánh giá ở mức 6.18 cho thấy nhiều cải tiến so với mức 4.84 của năm 2015. Đặc biệt, Trung tâm Hành chính công của Bình Dương đi vào hoạt động đã vận hành hiệu quả, cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp một cách chuyên nghiệp, nhanh chóng và thân thiện. Có thể nói, việc đưa các sở, ngành về làm việc tại một vị trí đã khiến quá trình tiếp cận thủ tục hành chính của doanh nghiệp được thuận lợi, tạo được cơ chế giám sát chéo thường xuyên, lãnh đạo tỉnh cũng dễ dàng kiểm tra và giải quyết những vướng mắc. Cơ sở vật chất hiện đại với các dịch vụ nộp hồ sơ trực tuyến, gửi hồ sơ qua bưu điện đã đem lại hiệu quả.

Tiếp tục thực hiện đối chiếu với chỉ số PAPI 2016 với chỉ số nội dung 5 là thủ tục hành chính công của Bình Dương, PAPI đo lường với các dịch vụ ở những lĩnh vực cần thiết với người dân như chứng thực, xác nhận của chính quyền cơ sở, cấp giấy phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) và dịch vụ hành chính công cấp xã. Mặc dù về tổng quan, kết quả tổng hợp cho thấy trên cả nước chỉ số nội dung này đang có những bước tiến triển tốt, tuy vậy Bình Dương vẫn có số điểm thấp so với các tỉnh, thành.

Có thể thấy rằng, trái ngược với những cải cách mạnh mẽ tại cấp tỉnh (nơi đa số tiếp cận doanh nghiệp) thì tại cấp xã những hạn chế trong kỹ năng thực hiện thủ tục hành chính, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp ứng xử đối với đội ngũ công chức rất cần được quan tâm cải thiện, nhất là trong bối cảnh áp lực gia tăng dân số cơ học tại Bình Dương. Riêng đối với dịch vụ hành chính liên quan đến GCNQSDĐ, lĩnh vực xây dựng, các sở ban ngành liên quan cần chỉ đạo các phòng, ban ở cấp huyện thực hiện tốt hơn các quy định của pháp luật. Việc công khai, minh bạch các thủ tục và các loại phí, lệ phí cần thực hiện mạnh mẽ, đổi mới, theo hướng dễ hiểu, từ đó mới có thể hạn chế các trung gian trong quá trình xử lý các thủ tục, đặc biệt là những phiền hà của người dân về việc trả kết quả không đúng hạn, biểu hiện vòi vĩnh, phát sinh thêm các thủ tục khác nhau giữa chính quyền các địa phương, nhất là ở cấp xã, cấp huyện...

Theo đánh giá, Bình Dương ngày càng hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp và năng lực các sở, ngành ở cấp tỉnh ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của cộng đồng doanh nghiệp. Tuy nhiên, tại cấp cơ sở, các dịch vụ công và hoạt động của công chức cấp cơ sở chưa thực sự có nhiều cải tiến so với yêu cầu của người dân, đặc biệt là ở những khu vực đông dân cư. Do đó, điều cần nhất đối với Bình Dương không chỉ bao gồm việc áp dụng công nghệ và dịch vụ hiện đại nhằm giảm tải áp lực lên bộ máy hành chính trước công việc mà cần phát huy hơn nữa sức mạnh của hệ thống chính trị, nhất là các tổ chức chính trị, xã hội nhằm giúp khắc phục các điểm còn hạn chế trong việc tiếp cận thông tin của người dân, tăng cường các biện pháp sáng tạo nhằm giúp người dân tiếp cận được chính sách, các quy định. Đặc biệt, yếu tố con người - thể hiện qua kiến thức và nhất là kỹ năng giao tiếp chính là điểm quan trọng nhằm nâng cao năng lực quản trị công.

THANH MAI

 

Chia sẻ bài viết
Tags
PAPI

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên