Hiệu quả từ Tổ hợp tác trồng mai xã An Tây

Cập nhật: 16-09-2013 | 00:00:00

Được sự hỗ trợ của Hội Nông dân xã và huyện, đồng thời tận dụng lợi thế khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, những năm qua, bà con nông dân xã An Tây (Bến Cát) đã phát triển nghề trồng mai khá nhanh. Hiện nay, bà con còn tiến xa hơn là thành lập tổ hợp tác trồng mai để cùng nhau học hỏi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm mang lại hiệu quả cao.

Thành lập Tổ hợp tác trồng mai là hướng đi hiệu quả cho bà con xã An Tây (Bến Cát). Trong ảnh: Vườn mai của bà Thạch Sao, ấp Lồ Ồ, xã An Tây

Tổ hợp tác trồng mai xã An Tây được thành lập từ tháng 2-2012 với 14 hộ tham gia trồng mai trên diện tích 8,2 ha và chủ yếu là tiêu thụ vào dịp tết. Hầu hết các thành viên đều có kinh nghiệm sản xuất và được Hội Nông dân xã và huyện tổ chức huấn luyện kỹ thuật nên việc kết hợp ứng dụng vào thực tế trồng mai khá thành thạo. Ngoài việc được Hội Nông dân xã cung cấp thông tin khoa học kỹ thuật và cập nhật giá cả thị trường, các thành viên trong tổ còn trao đổi kinh nghiệm sản xuất và tương trợ lẫn nhau nhằm tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm, đồng thời tạo thương hiệu cho sản phẩm mai An Tây - Bến Cát. Đặc biệt, vừa qua tổ được Hội Nông dân tỉnh cho vay 210 triệu đồng, các thành viên trong tổ có thêm nguồn vốn hỗ trợ để mở rộng quy mô.

Ông Nguyễn Lê Công Minh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã An Tây cho biết, Tết Nguyên đán 2013, Tổ hợp tác mai xã An Tây đã cung ứng cho thị trường trên 15.000 chậu mai các loại, phần lớn trong đó là mai kiểng, trừ chi phí còn lời trên 2 tỷ đồng. Dự kiến, Tết Nguyên đán 2014 Tổ hợp tác sẽ cung ứng cho thị trường 16.000 chậu mai các loại.

Nghề trồng mai tại đây có truyền thống từ lâu đời. Ban đầu chỉ có dăm bảy hộ trồng để chưng trong nhà, dần dần do nhu cầu lớn nên nhiều hộ tận dụng diện tích đất quanh nhà trồng mai, sau đó tự lai giống, chăm sóc, uốn tỉa cành, tạo tán để có sản phẩm độc đáo. Mai vàng là loại cây kiểng đặc trưng vùng đất Nam bộ; để có được những chậu mai ưng ý, bông đẹp, nở đúng vào dịp xuân mới, bà con phải có chế độ chăm sóc hợp lý cho cây ra nhiều bông, tuốt lá vào thời điểm thích hợp. Ông Huỳnh Ngọc Cẩn, ấp Lồ Ồ - thành viên tổ hợp tác, đã có trên 30 năm trong nghề trồng và kinh doanh mai kiểng tết, cho biết: “Muốn có sản phẩm chất lượng tốt, cung ứng cho thị trường tết cần phải tác động tích cực bằng nhiều cách: chăm sóc, vun phân, tưới nước, xử lý… Bản thân tôi và các thành viên trong tổ hợp tác phải thường xuyên theo dõi diễn biến dự báo thời tiết trên mạng, trên đài, học tập từ sách vở, tài liệu, từ các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức, kết hợp với kinh nghiệm thực tiễn. Những yếu tố này đã giúp mang lại thành công cho tổ hợp tác”.

Nhờ nắm bắt được bí quyết khắc phục thời tiết thất thường, chăm sóc cho vườn mai nở đúng dịp tết đã góp phần tăng thu nhập cho các hộ nông dân, giúp bà con dựng nên cơ nghiệp vững vàng.

Theo ông Nguyễn Lê Công Minh, mô hình Tổ hợp tác trồng mai xã An Tây tuy thành lập chưa lâu nhưng đã giúp bà con có điều kiện tăng gia sản xuất, nâng cao thu nhập. Với tiềm năng đất đai còn rộng nên mỗi hội viên trong tổ có ít cũng hơn 5.000m2, chưa kể những hộ còn thuê đất ở các hộ nông dân khác. Cứ 1.000m2 đất trồng 700 - 800 gốc mai, dịp tết tuyển 300 gốc mai ưng ý bán ra cho doanh thu 200 - 300 triệu đồng, trong đó lãi ròng không dưới 50%, tức 100 - 150 triệu đồng. Phát huy từ những hiệu quả trên, trong thời gian tới, Tổ hợp tác trồng hoa mai xã An Tây sẽ kiến nghị Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ thêm vốn để mở rộng diện tích, khuyến khích người dân học tập kinh nghiệm làm theo mô hình hiệu quả này

 TÂM BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=447
Quay lên trên