Hoãn phóng vệ tinh VNREDSat-1 do thời tiết

Cập nhật: 05-05-2013 | 00:00:00

Lý do duy nhất của việc hoãn phóng vệ tinh VNREDSat-1 là do thời tiết tại sân bay vũ trụ Kourou không thuận lợi.

Vệ tinh quan sát trái đất (viễn thám) đầu tiên của Việt Nam (VNREDSat-1) dự kiến được phóng lên vũ trụ vào lúc 23h6’ ngày 3-5, tại sân bay vũ trụ Kourou (Guyana, thuộc Pháp), tức 9h6’ ngày 4-5 (giờ Hà Nội).

Tuy nhiên, chỉ trước khi diễn ra vụ phóng vài phút, Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ (KH&CN) Việt Nam thông báo, phía Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Công ty Arianespace quyết định hoãn ngày phóng tên lửa đẩy VEGA mang theo vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 của Việt Nam lên vũ trụ theo như kế hoạch.

Để giúp độc giả hiểu hơn về nguyên nhân dẫn đến việc hoãn phóng vệ tinh viễn thám cũng như kế hoạch khai thác, sử dụng vệ tinh VNREDSat-1 trong tương lai, phóng viên phỏng vấn Tiến sĩ (TS) Bùi Trọng Tuyên, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ vũ trụ, Trưởng Ban quản lý Dự án vệ tinh nhỏ, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam.

Phụ thuộc chủ yếu vào thời tiết

  Tên lửa đẩy VEGA mang theo vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 của Việt NamPV: Xin ông cho biết lý do vì sao việc phóng vệ tinh VNRED-1 bị hoãn lại và thời gian để thực hiện lại vụ phóng này sẽ diễn ra khi nào?

TS Bùi Trọng Tuyên:  Tất cả công tác chuẩn bị cho vụ phóng vệ tinh VNRED-1 đều đã được chuẩn bị kỹ lượng. Các điều kiện kỹ thuật đều đã đáp ứng được cho vụ phóng. Lý do duy nhất của việc hoãn phóng vệ tinh VNREDSat-1 theo như kế hoạch vào 9h6’ (giờ Hà Nội) là do thời tiết tại sân bay vũ trụ Kourou (Guyana, thuộc Pháp) không thuận lợi và đảm bảo an toàn cho vụ phóng.

Ngay trước vụ phóng khoảng vài phút, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam nhận được thông tin từ Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) và Công ty Arianespace cho biết, tốc độ gió tại sân bay vũ trụ Kourou quá lớn, vượt quá tiêu chuẩn cho phép nên bắt buộc phải hoãn vụ phóng lại.

Việc phóng vệ tinh quan sát trái đất không thể theo những giờ tùy thích mà phải căn cứ vào giờ cố định để vệ tinh có thể tiếp cận với quỹ đạo một cách nhanh và hiệu quả nhất. Vì vậy, việc lùi thời gian phóng vệ tinh VNREDSat-1 phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện thời tiết tại nơi diễn ra vụ phóng nên chưa thể biết chính xác thời gian và ngày phóng lại vệ tinh.

Hiện nay, đoàn Việt Nam gồm 9 cán bộ, kỹ thuật viên và 2 phóng viên của Đài Truyền hình Việt Nam đang có mặt tại Pháp để cùng với các phía đối tác xem xét, đánh giá thời tiết ở sân bay vũ trụ Kourou lúc nào là phù hợp cho việc phóng vệ tinh. Sau đó, chúng tôi sẽ có những thông báo cụ thể sau.

Tạo tiền đề cho ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020

PV: Thưa ông, tại sao vệ tinh viễn thám VNREDSat-1 có quỹ đạo làm việc khác nhiều so với các vệ tinh viễn thông mà Việt Nam đã đưa lên quỹ đạo trước đây?

 Tiến sĩ Bùi Trọng Tuyên TS Bùi Trọng Tuyên: Với chức năng quan sát và chụp ảnh bề mặt Trái đất, vệ tinh quan sát trái có chức năng hoạt động khác vệ tinh viễn thông nên quỹ đạo không thể giống nhau.

Nếu như vệ tinh viễn thông VINASAT-1 và VINASAT-2 nằm ở quỹ đạo địa tĩnh thì vệ tinh quan sát trái đất VNREDSat-1 hoạt động  trên quỹ đạo cực đồng bộ mặt trời, có nhiệm vụ quan sát toàn bộ hoạt động của Trái đất.

PV: Ông có thể cho biết, quá trình đàm phán để Việt Nam đi đến thời điểm phóng vệ tinh VNREDSat-1 như hiện nay?

TS Bùi Trọng Tuyên: Tuy việc đàm phán cho việc phóng vệ tinh quan sát trái đất không phức tạp như phóng vệ tinh viễn thông nhưng vẫn phải thực hiện theo đúng quy trình.

Từ năm 2010, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam, Bộ Thông tin-Truyền thông đã phối hợp với Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) tiến hành đàm phán với 30 nước để đi đến thống nhất vệ tinh VNREDSat-1 sẽ được phóng lên quỹ đạo nào.

PV: Xin ông cho biết Việt Nam sẽ thu nhận được những gì thông qua việc phóng vệ tinh viễn thám VNREDSat-1và vệ tinh viễn thông (VINASAT-1 và VINASAT-2)?

TS Bùi Trọng Tuyên: Tuy chức năng hoạt động của vệ tinh quan sát trái đất và vệ tinh viễn thông có khác nhau nhưng qua những lần phóng vệ tinh, Việt Nam sẽ có thêm những kiến thức, kinh nghiệm trong việc đào tạo đội ngũ nguồn nhân lực công nghệ thông tin; công đoạn triển khai, quản lý chất lượng vệ tinh, góp phần thực hiện tốt Chiến lược “Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ vũ trụ đến năm 2020”.

Vệ tinh VNREDSat-1 có thể hoạt động trên quỹ đạo là 5 năm

PV: Ông có thể cho biết, việc khai thác và sử dụng vệ tinh VNREDSat-1 sẽ được triển khai như thế nào?

TS Bùi Trọng Tuyên:  Ngoài nhiệm vụ giám sát tài nguyên thiên nhiên, môi trường và thiên tai, chúng tôi đã xác định sẽ khai thác vệ tinh để phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội như cung cấp dịch vụ sử dụng ảnh viễn thám cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong nước. Thông qua việc cung cấp này sẽ giúp cho các Bộ, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong nước tiết kiệm chi phí, hạn chế mua ảnh viễn thám ở nước ngoài.

Vì vậy, tất cả những đơn vị, doanh nghiệp nào có nhu cầu sử dụng dịch vụ do VNREDSat-1 cung cấp đều có thể được xem xét đáp ứng.

Bên cạnh cung cấp dịch vụ cho các cơ quan, doanh nghiệp trong nước, Viện Hàn lâm KH&CNVN đang cùng với Bộ Tài nguyên-Môi trường, Bộ Khoa học &Công nghệ nghiên cứu cung cấp dịch vụ khai thác vệ tinh VNREDSat-1 cho các đối tác nước ngoài một cách sớm và tốt nhất.

Theo dự kiến, vệ tinh VNREDSat-1 có thể hoạt động trên quỹ đạo là 5 năm nên nếu như trước thời hạn trên mà chúng ta sử dụng hết dung lượng của vệ tinh thì Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam sẽ cùng với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu để trình lên Chính phủ cho phóng tiếp vệ tinh VNREDSat-2.

Dự kiến, sau khi rời mặt đất 2 tiếng, vệ tinh VNREDSat-1 sẽ tách ra khỏi tên lửa đẩy VEGA và khởi động động cơ đẩy của mình để tự điều chỉnh tới quỹ đạo làm việc. Khoảng 3 ngày sau, Trung tâm Viễn thám quốc gia (Bộ Tài nguyên & Môi trường) sẽ nhận được những hình ảnh đầu tiên của vệ tinh. Sau đó, Trung tâm sẽ cùng nghiên cứu với các đơn vị liên quan cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các cơ quan, doanh nghiệp có nhu cầu muốn sử dụng trong thời gian sớm nhất.

PV: Xin cảm ơn ông.

VNREDSat-1 nằm trên quỹ đạo cực đồng bộ mặt trời, cho phép vệ tinh chuyển động trên toàn cầu và có khả năng chụp ảnh quang học tất cả các vùng trên bề mặt Trái đất từ độ cao xấp xỉ 663 km và nặng khoảng 120kg.

Vệ tinh VNREDSat-1 có tổng mức đầu tư là 55,8 triệu euro, từ vốn vay viện trợ phát triển chính thức của Chính phủ Pháp và gần 65 tỷ đồng vốn đối ứng từ Chính phủ Việt Nam. Đây là vệ tinh viễn thám đầu tiên của Việt Nam.

Nếu phóng thành công, Việt Nam sẽ trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới có vệ tinh quan sát trái đất riêng và là nước thứ 5 trong khu vực ASEAN có vệ tinh quan sát trái đất riêng, sau Thái Lan, Indonesia, Malaysia và Singapore. Đồng thời tạo tiền đề để hình thành hệ thống vệ tinh quan sát trái đất của Việt Nam.

Khi vệ tinh VNREDSat-1 được đưa vào khai thác, Việt Nam sẽ có một hệ thống giám sát hoàn chỉnh, độc lập từ vệ tinh đến trạm thu mặt đất và trung tâm dữ liệu.

Theo VOV

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên