Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực, năng lực cạnh tranh được cải thiện

Cập nhật: 03-06-2020 | 08:51:28

Chiều 2-6, UBND tỉnh tổ chức phiên họp thường kỳ tháng 5. Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì phiên họp. Cùng dự có ông Nguyễn Thanh Trúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ngành, địa phương. Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, Bình Dương vẫn bảo đảm mục tiêu kép, đó là kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, đồng thời tiếp tục phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, ổn định xã hội.

Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo tại phiên họp

Kinh tế - xã hội chuyển biến tích cực

Trong tháng 5 dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát tốt, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã từng bước được phục hồi và chuyển biến tích cực. Các ngành công nghiệp chủ lực vẫn duy trì đà tăng trưởng ổn định với chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 5-2020 ước tăng 5,63% so với tháng trước, tăng 4,05% so với cùng kỳ, lũy kế 5 tháng đầu năm, IIP tăng 4,84% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 7,78%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 5 đạt 20.688 tỷ đồng, tăng 17,2% so với tháng trước, tăng 10,4% so với cùng kỳ, lũy kế 5 tháng đầu năm, đạt 100.016 tỷ đồng, tăng 7,8% so với cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước thực hiện đạt 2 tỷ 198 triệu đô la Mỹ, tăng 32,9% so với tháng trước và tăng 0,4% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng kim ngạch xuất khẩu tăng 0,4% so với cùng kỳ. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1 tỷ 740 triệu đô la Mỹ, tăng 10,8% so với tháng trước và giảm 4% so với cùng kỳ; lũy kế 5 tháng đầu năm nhập khẩu tăng 7,6% so với cùng kỳ. Duy trì thặng dư thương mại đạt 1,8 tỷ đô la Mỹ.

Những nỗ lực của Bình Dương thời gian qua là hết sức phấn khởi, song điều này cũng đặt ra không ít áp lực cho lãnh đạo địa phương, nhất là việc duy trì thứ hạng năng lực cạnh tranh, cũng như các giải pháp cải thiện các chỉ số bị giảm điểm. Để nâng cao các Chỉ số PCI, Par Index, cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI... các sở, ngành, các địa phương cần tập trung thực hiện tốt hơn, đề xuất các giải pháp cũng như xây dựng dự thảo về việc tiếp tục cải cách TTHC, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 và các năm tiếp theo.

(Ông Trần Thanh Liêm, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh)


 

Trong 5 tháng đầu năm 2020, thu ngân sách đạt 26.800 tỷ đồng, bằng 98% so với cùng kỳ, đạt 43% dự toán HĐND tỉnh. Chi cân đối ngân sách địa phương ước đạt 1.100 tỷ đồng, lũy kế 5 tháng chi đạt 5.100 tỷ đồng, tăng 29% cùng kỳ, đạt 21% dự toán HĐND tỉnh.

Tỉnh quan tâm thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, đời sống nhân dân trong tỉnh ngày càng được nâng lên. Trong 5 tháng đầu năm, tỉnh đã thực hiện kịp thời, đầy đủ chế độ, chính sách cho các đối tượng người có công, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người bán vé số… bị ảnh hưởng do dịch bệnh Covid-19. Đồng thời chỉ đạo rà soát, cập nhật, tổng hợp tình hình lao động, việc làm bị ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra để hỗ trợ kịp thời.

Đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương, ông Trần Thanh Liêm nhấn mạnh những kết quả phát triển kinh tế - xã hội đạt được của tỉnh trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm là rất tích cực, nhưng do tác động sâu rộng của dịch bệnh Covid-19, áp lực đặt ra trong tháng 6 và những tháng tiếp theo vẫn là rất lớn, đòi hỏi các cấp, các ngành, địa phương phải có sự quyết tâm, quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành; tập trung cho nhiệm vụ thu chi ngân sách, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2020, giải pháp tháo gỡ khó khăn, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện kịp thời đúng quy định việc hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh; rà soát về thực trạng, nhu cầu để bảo đảm đủ nguồn cung nguyên liệu cho hoạt động sản xuất; tích cực khai thác cơ hội của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, chuẩn bị tốt các điều kiện để đón bắt thời cơ dịch chuyển các dòng vốn đầu tư vào Việt Nam.

Nỗ lực cải thiện chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh

Trong bảng xếp hạng PCI năm 2019, Bình Dương đứng vị trí thứ 13 toàn quốc với 67,38/100 điểm, thuộc nhóm “Tốt”. Bình Dương cũng là địa phương đứng đầu bảng xếp hạng PCI 2019 khu vực Đông Nam bộ. Về Chỉ số cải cách hành chính (Par Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2019, Bình Dương đạt 88,2%, đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và xếp thứ 13 trong cả nước, tăng 2,9% so với năm 2018 (85,3%).

Theo lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, có được kết quả này là nhờ sự nỗ lực của chính quyền các cấp, cộng với những giải pháp sáng tạo, linh hoạt của lãnh đạo tỉnh, thường xuyên tổ chức hội nghị gặp gỡ với cộng đồng doanh nghiệp (DN) để kịp thời lắng nghe, chia sẻ và kịp thời tháo gỡ vướng mắc, khó khăn, tạo môi trường cởi mở, thông thoáng cho DN và các nhà đầu tư.

Đại diện Sở Nội vụ cũng cho biết kết quả Chỉ số SIPAS của tỉnh năm 2019 (13/63) tương đồng với kết quả một số chỉ số khác như PCI (13/63), PAPI (25/63), PARI (17/63), đặc biệt kết quả về cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Bình Dương với các chỉ số năm 2019 đều cho thấy những nhóm yếu tố tương đồng, có sự cải thiện qua các năm như kết quả về chi phí không chính thức, chi phí thời gian thực hiện TTHC giảm đáng kể. Trong thời gian tới, Trung tâm Hành chính công sẽ kịp thời, tích cực xử lý hoặc phối hợp xử lý nhanh nhất để phản hồi lại những phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức. Song song đó, các cơ quan, đơn vị tích cực tuyên truyền sâu rộng đến người dân, DN về mục đích, ý nghĩa, cách làm về cải cách TTHC để cùng chung tay, đồng hành, phản ánh đúng, thực chất những mặt đạt được và những điểm còn hạn chế cần khắc phục để kết quả việc giải quyết TTHC của tỉnh nhận được sự hài lòng của người dân, tổ chức cao hơn nữa.

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, ông Trần Thanh Liêm nhấn mạnh thời gian qua tỉnh đã nỗ lực trong việc cải thiện các Chỉ số PCI, Par Index, PAPI… nhằm cải cách TTHC, tạo ra một môi trường đầu tư tốt, thu hút nguồn vốn của DN trong, ngoài nước đầu tư vào các lĩnh vực công nghiệp, thương mại - dịch vụ, du lịch, hạ tầng kỹ thuật để thúc đầy kinh tế - xã hội phát triển. Tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập kinh tế ngày càng sôi động, kết quả cải thiện các chỉ số trên phạm vi toàn quốc đang rất nhanh chóng thì mức độ tăng trưởng của tỉnh vẫn chưa có sức đột phá. Cộng đồng DN mong muốn Bình Dương cải cách mạnh mẽ hơn nữa về TTHC, về cơ chế tiếp cận đất đai, những thông tin minh bạch, thuận lợi để người dân và DN dễ dàng tiếp cận và phát triển. Trong thời gian tới, các sở, ngành, địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh cải cách TTHC, tập trung cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất cho DN yên tâm sản xuất, kinh doanh.

Năm 2019, PCI Bình Dương đứng vị trí thứ 13 toàn quốc với 67,38/100 điểm, thuộc nhóm “Tốt”. Về Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) và Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS) năm 2019, Bình Dương đạt 88,2%, đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và xếp thứ 13 trong cả nước, tăng 2,9% so với năm 2018 (85,3%). Kết quả các chỉ số của Bình Dương ngày càng được cải thiện cho thấy sự đồng thuận, đồng bộ, thống nhất của các cấp chính quyền, người dân và DN trên địa bàn tỉnh.

NGỌC THANH

 

Chia sẻ bài viết
Tags
Kinh tế

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên