Kỳ vọng từ một sự ra đời

Cập nhật: 16-12-2011 | 00:00:00

Sau 3 tháng chờ đợi, Công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) đã chính thức “chào đời” với đầy đủ bộ máy, ban bệ sau Đại hội đồng Cổ đông VPF vào ngày 14-12 vừa qua. Có thể chờ đợi điều gì từ sự ra đời của VPF: liệu có giúp làm thay đổi bộ mặt và thực chất của bóng đá Việt Nam vốn yếu kém và trì trệ suốt hơn 1 thập kỷ qua, kể từ khi tiến lên bóng đá chuyên nghiệp?

 Sự tâm đầu ý hợp của những ông bầu là doanh nghiệp sẽ thúc đẩy bóng đá Việt Nam phát triển? Không như lo ngại của nhiều người, VPF đã không phải là bản sao của bộ máy lãnh đạo và điều hành của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF), nhưng cũng chưa hẳn là “bình mới, rượu cũ”. Trong bộ máy lãnh đạo và điều hành của VPF có sự đan xen giữa đại diện của VFF, các CLB V-League, hạng Nhất và thành phần độc lập. Đây là một nét mới, thể hiện được tính tiêu biểu của loại hình doanh nghiệp cổ phần. Nhưng quan trọng hơn, trong 3 đại diện của VFF (Lê Hùng Dũng, PCT VFF phụ trách tài chính, giữ ghế PCT HĐQT VPF; Phạm Ngọc Viễn, PCT VFF phụ trách chuyên môn, giữ ghế TGĐ VPF và bà Đinh Thu Trang - phụ trách tài chính của VFF) tham gia vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát thì cả 2 PCT VFF đều là những người rất tâm huyết với sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Ông Phạm Ngọc Viễn từng là cha đẻ của đề án bóng đá chuyên nghiệp V-League được thử nghiệm và vận hành suốt hơn 10 năm qua. Trong khi đó, ông Lê Hùng Dũng là nhân vật đầy quyền lực của VFF, có tiếng nói và vai trò hết sức quan trọng trong việc thúc đẩy và cho ra đời Công ty VPF.

Nói chung về nhân sự bộ máy lãnh đạo và điều hành (2 Phó TGĐ của VPF là Phạm Phú Hòa - nguyên GĐĐH CLB ĐTLA và Lưu Quang Lãm - Chủ tịch CLB Sài Gòn FC) của VPF cơ bản là ổn - do khó tìm ra người khác hợp và sáng giá hơn trong thời điểm này. Tuy nhiên, điều mà người hâm mộ quan tâm và lo lắng là bộ sậu lãnh đạo của VPF có thực sự dành hết thời gian và tâm huyết cho VPF vốn đang đối diện với rất nhiều thách thức. Bởi, các vị trên đều mang trong người nhiều trách nhiệm trong việc lãnh đạo, điều hành các tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp lớn của đất nước nên nếu khoán trắng cho bộ máy điều hành (gồm ban Tổng Giám đốc và các GĐĐH) và Ban kiểm soát thì nguy to. Đó là còn chưa kể, dư luận còn có phần quan ngại về tính định hướng, tính công bằng, trong sáng của đội ngũ lãnh đạo VPF rất dễ đi chệch hoặc chỉ có lợi cho một nhóm CLB nào đó, khi mà cả vị Chủ tịch và 3  Phó Chủ tịch VPF đều là bạn thân, cùng “hội”. Giả sử với vai trò PCT VPF “phụ trách nội chính” chuyên “soi” các trọng tài, giám sát trận đấu, phối hợp với ngành công an, an ninh, bầu Kiên và đội bóng của mình liệu có được hưởng lợi từ các quyết định của đội ngũ giám sát, cầm cân nảy mực để giành ngôi vô địch hay tránh rớt hạng? Đây là vấn đề rất nhạy cảm mà có thể sẽ trở thành điểm nóng khi VPF chính thức đi vào hoạt động từ mùa bóng 2012.

Chúng tôi rất ủng hộ mô hình VPF với những tính ưu việt có thể giúp bóng đá Việt Nam chặn đứng sự trì trệ do cơ chế bao cấp, hoạt động thiếu hiệu quả của VFF, nhưng để bóng đá nước nhà thật sự “sạch”, hấp dẫn, thu hút người hâm mộ đến sân, sinh lợi cao thì là vấn đề không phải dễ hoàn thành!

Chí Thanh

Ông Bùi Văn Đức đắc cử Ủy viên HĐQT Công ty VPF

Ông Bùi Văn Đức, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đầu tư phát triển công nghiệp (Becamex IDC) đã cùng với 3 đại diện khác của các CLB ngoại hạng (tên gọi trước đây của các CLB V-League) đắc cử vào chức vụ Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty VPF gồm có 9 thành viên. 3 đại diện còn lại của các CLB ngoại hạng là ông Đoàn Nguyên Đức (HAGL), Bùi Xuân Hòa (Đà Nẵng) và Nguyễn Đức Kiên (Hà Nội).

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=328
Quay lên trên