Làm thế nào để kéo giảm tình trạng thanh thiếu niên phạm tội?: Cần có sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội

Cập nhật: 12-11-2015 | 09:18:26

Báo Bình Dương ra ngày 11-11 có bài viết phản ánh về tình trạng thanh thiếu niên phạm tội hiện có xu hướng ngày càng tăng. Ngay sau đó chúng tôi đã nhận được phản hồi của nhiều độc giả xoay quanh vấn đề này. Xin giới thiệu ý kiến của Tiến sĩ Tâm lý học Đỗ Thị Nga, Phó trưởng khoa Sư phạm, Đại học Thủ Dầu Một:

Tạo thêm nhiều sân chơi cho các bạn trẻ là biện pháp tốt nhất kéo họ ra khỏi những trò chơi bạo lực trên internet. Ảnh: N.HẬU

Hiện tượng tội phạm trẻ hóa như hiện nay là một vấn đề rất nóng bỏng và đáng báo động, là vấn đề gây ra nỗi hoang mang, nhức nhối cho toàn xã hội, đòi hỏi tất cả các cơ quan, ban ngành và các nhà chức trách phải quan tâm, chung tay góp sức để ngăn chặn tình hình này. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng tội phạm trẻ hóa như hiện nay và tùy theo từng nguyên nhân cụ thể mà có các biện pháp khắc phục khác nhau. Tuy nhiên, theo tôi chúng ta có thể đề ra một số giải pháp cụ thể nhằm giảm thiểu tình trạng trên như sau:

Thứ nhất, từ phía gia đình: Cha mẹ cần quan tâm đến con cái nhiều hơn, cần biết lắng nghe con và cần có những hiểu biết nhất định về tâm lý lứa tuổi, đặc biệt là lứa tuổi dậy thì (nửa người lớn nửa trẻ con), từ đó có cách giáo dục con phù hợp. Đồng thời cha mẹ phải chú trọng việc giáo dục đạo đức cho con, xây dựng nếp sống gia đình lành mạnh, không nên kỳ vọng quá cao vào con, cũng như cha mẹ phải phát huy vai trò nêu gương cho con cái noi theo. Gia đình phải luôn luôn quan tâm đến con em, thay vì khoán trắng trách nhiệm giáo dục con em cho nhà trường, phụ huynh cần phải theo dõi giờ giấc học tập, giờ giấc sinh hoạt, mối quan hệ bạn bè của trẻ, theo dõi việc chơi game, xem phim, tránh trẻ xem phim bạo lực, chơi game bạo lực vì phim ảnh bạo lực có ảnh hưởng trực tiếp đến nhận thức, xúc cảm và hành vi của trẻ. Các nhà chức trách có trách nhiệm tập huấn nâng cao sự hiểu biết của cha mẹ về phương pháp giáo dục con cái trong gia đình, cần tránh những phương pháp lạc hậu và sai lầm như chửi mắng, nói tục, sỉ nhục con, dùng uy quyền áp đặt, ép buộc con cái như đánh đập con, hành xử bạo hành thô bạo đối với trẻ, nếu trẻ bị hành xử thô bạo trong gia đình nó sẽ có nguy cơ cao trong việc phạm tội bên ngoài xã hội.

Thứ hai, từ phía nhà trường: Mỗi giáo viên là tấm gương sáng cho học sinh noi theo, thầy cô giáo trong nhà trường cần gương mẫu trong lối sống và trong giao tiếp. Luôn đối xử công bằng với học sinh, tăng cường vốn hiểu biết của mình về tâm sinh lý học sinh, về phương pháp giáo dục học sinh. Giáo viên chủ nhiệm lớp cần sâu sát, tận tâm, tận tụy hết lòng vì học sinh, kịp thời uốn nắn những sai trái trong cách ứng xử, giao tiếp và giải quyết mâu thuẫn của học sinh. Phải xây dựng mối quan hệ thân thiết tôn trọng lẫn nhau giữa thầy và trò. Tổ chức các hoạt động tập thể lành mạnh nhằm thu hút học sinh, đặc biệt là những hoạt động ngoài giờ lên lớp. Hiện nay ở một số trường hoạt động ngoài giờ lên lớp còn nặng về hình thức, chưa đem lại kết quả giáo dục sâu sắc, chưa gây được hứng thú cho học sinh tham gia.

Thứ ba, từ phía xã hội: Xã hội quan tâm đến giáo dục thế hệ trẻ như là nhiệm vụ của toàn dân, toàn xã hội phải nâng cao trách nhiệm của mình và phối hợp cùng với gia đình và nhà trường. Ở địa phương quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động cho các em tại khu phố, ấp, phường, xã đặc biệt là những hoạt động vào những kỳ nghỉ dài ngày. Nâng cao giá trị các loại hình giải trí lành mạnh cho người dân. Cần xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, lành mạnh cho người dân. Các cấp chính quyền cần quan tâm đến giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ.

Toàn xã hội mà đặc biệt là các ngành chức năng cần phải có những chế tài nghiêm cấm các loại game có nội dung bạo lực, phim có nội dung bạo lực, những loại hình văn hóa phẩm không lành mạnh và bắt chước những hành vi đồi trụy trong đó có hành vi bạo lực, nguy cơ cao dẫn đến phạm tội.

Các tổ chức đoàn thể trong địa phương cần tham gia vào công tác giáo dục trẻ ở địa phương mình, xây dựng các câu lạc bộ văn nghệ - thể thao, các sân chơi lành mạnh cho trẻ em, kịp thời phát hiện những trẻ kéo bè phái, trốn học đánh nhau, gây rối trật tự công cộng… địa phương cần báo cáo ngay cho gia đình, nhà trường và các nhà chức trách kịp thời ngăn chặn chấn chỉnh.

Nhà trường cần phối hợp với gia đình trong việc giáo dục con em, cần xử lý nghiêm các trường hợp học sinh đánh nhau, nhất là những trường hợp dùng hung khí. Nhà trường cần tập huấn cho học sinh những kỹ năng sống và những giá trị sống phù hợp, giáo dục nhận thức cho học sinh về đạo đức lối sống và các chuẩn mực hành vi trong xã hội. Cần tránh “bệnh” chạy theo thành tích để hạn chế tác động tiêu cực đến học sinh. Nếu có thể, mỗi trường THPT cần bố trí ít nhất một chuyên viên tâm lý để giải quyết mọi vấn đề rắc rối của học sinh. 


TÂM TRANG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên