Làng Heo đất Bình Dương vui đón xuân Kỷ Hợi 2019

Cập nhật: 30-01-2019 | 16:52:36

(BDO) Ngoài tác dụng là nơi giúp chủ nhân cất giữ tiền tiết kiệm, những chú heo đất còn mang giá trị văn hóa tinh thần, giúp trẻ em thêm yêu động vật, biết quý trọng những giá trị lao động. Tết Kỷ Hợi 2019 này, Bình Dương tiếp tục là đầu mối chủ lực sản xuất hàng triệu chú heo đất xinh xắn để phục vụ người tiêu dùng cả nước.


Bà Tô Thị Nhơn, mẹ của chủ cơ sở Kim Liên đang cẩn thận vẽ mắt cho heo đất

Có mặt tại cơ sở làm heo đất của chị Đỗ Thị Kim Liên, ngụ tại tổ 76, đường Lý Tự Trọng, phường Phú Thọ, TP.TDM, chúng tôi ghi nhận sự tất bật của những người thợ nơi đây đang tranh thủ hoàn thiện những công đoạn cuối cùng để có thể kịp đơn hàng giao cho khách. Bà Tô Thị Nhơn vừa vẽ mắt cho những chú heo sắp thành phẩm, vừa được sơn phết xong, vừa giải thích cho chúng tôi nghe khá chi tiết về quy trình để sản xuất thành công một chú heo đất theo kiểu truyền thống của làng gốm Bình Dương.

Theo bà Tô Thị Nhơn, phải mất hơn 20 công đoạn khác nhau để có thể cho ra lò một con heo đất được bán với giá từ 50 ngàn đến trên 100 ngàn đồng, tùy theo chất liệu và kích cở. Điều đáng chú ý, hầu như đa phần các công đoạn trang trí hay còn gọi là “tạo hồn”, tức là tạo sự linh động cho mỗi con heo đất đều do phụ nữ thực hiện. Bởi những khâu này đòi hỏi tính tỉ mỉ, khéo léo vốn rất thích hợp với tính nhẫn nại, chịu khó của người phụ nữ.

Cơ sở làm gốm truyền thống của chị Kim Liên được khá nhiều du khách từ trong và ngoài tỉnh ghé đến tham quan và tự tay trực tiếp chọn mua từng sản phẩm ưng ý để làm quà cho người thân, gia đình và tặng phẩm của cơ quan dành cho cán bộ công nhân viên trong dịp xuân về tết đến.


Các sản phẩm heo đất đang được hoàn thiện những công đoạn cuối cùng trước khi bán ra thị trường phục vụ tết Kỷ Hợi 2019

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiền Linh, Phó Giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ cho biết, những sản phẩm gốm tại cơ sở này vẫn giữ được những nét đặc trưng của sản phẩm gốm vùng Lái Thiêu cả về màu sắc, hình dáng. Sản phẩm heo đất nung ngoài ý nghĩa là vật cất giữ tiền tiết kiệm, thì còn chứa đựng những nét đẹp văn hóa dân gian. Các em thiếu nhi khi nhận được những món quà này, ngoài việc nâng cao ý thức tiết kiệm tiền bạc thì sẽ giúp cho các bé thêm yêu động vật, yêu giá trị lao động.

Được biết, các sản phẩm của cơ sở Kim Liên theo chân thương lái lan tỏa đến người tiêu dùng các tỉnh thành miền Trung, các tỉnh miền Tây Nam bộ và có mặt tại Campuchia, Lào, Mỹ, Nga… Năm 2019, theo văn hóa Á Đông con giáp tượng trưng cho năm âm lịch là con heo nên các mặt hàng liên quan đến chú heo được người tiêu dùng rất ưa chuộng. Cũng vì thế, chủ và thợ của cơ sở Kim Liên phải hoạt động không ngơi tay suốt những ngày giáp tết để có thể đáp ứng đơn hàng từ thương lái khắp nơi gửi đến.

Bà Tô Thị Nhơn, mẹ của chủ sơ sở Kim Liên cho biết gia đình làm nghề truyền thống này đã hơn 20 năm. Ngoài mặt hàng heo đất, cơ sở còn làm các sản phẩm khác, như gà, thỏ, chó, cá… nhưng heo đất nung truyền thống vẫn là chủ lực. Ước tính, một năm làm ra khoảng 100 ngàn con heo đất các loại. Năm 2019 này do con heo cầm tinh con giáp đại diện, các sản phẩm heo đất được thị trường ưa chuộng hơn, nên cơ sở tập trung sản xuất sản phẩm này nhiều hơn.

Một mùa xuân mới lại về trên khắp phố phường Bình Dương. Sản phẩm thủ công truyền thống của đất Thủ tiếp tục là những phẩm vật được ưa chuộng, có vị trí xứng đáng trong lòng người tiêu dùng. Đó là những giá trị đã được thừa nhận, cần được chúng ta giữ gìn, bảo tồn và phát huy hơn nữa.

CHÍ THANH – HUY BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên