Lễ hội Cầu mùa trong tiềm thức văn hóa cộng đồng dân tộc Sán Chỉ ở Bình Dương

Cập nhật: 26-04-2014 | 00:00:00

Hiếm có một cộng đồng dân tộc nào dân số chỉ vọn vẹn chưa tới 200 người mà có thể để lại một dấu ấn văn hóa cổ truyền hết sức đặc sắc; cũng hiếm có tộc người nào vượt qua gần 2 ngàn cây số để mưu sinh song vẫn tập trung sinh sống quy củ như ở quê xưa. Họ hòa nhập nhưng không hòa tan; linh động, cần cù làm ăn nhưng vẫn ý thức rất rõ việc giữ gìn văn hóa cổ truyền cho thế hệ trẻ. Đó là cộng đồng dân tộc Sán Chỉ ở xã Tam Lập, huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương.  

Trang phục truyền thống của đồng bào Sán Chỉ

Câu chuyện lập làng của 8 anh em nhà họ La

Ắt nhiều người sẽ lấy làm lạ khi ngay tại vùng đất Bình Dương lại xuất hiện một cộng đồng người Sán Chỉ - tộc người sống phổ biến chủ yếu ở biên giới phía Bắc. Gốc của cộng đồng này là ở huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên, nơi có mỏ than Phấn Mễ nổi tiếng được thực dân Pháp thăm dò và khai thác đầu thế kỷ XX. So với những dân tộc khác, người Sán Chỉ di cư vào Bình Dương khá muộn, mãi tới những năm 1990 ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, Phú Giáo mới đón nhận những cư dân Sán Chỉ đầu tiên tới định cư.

Nói đến việc lập làng, lập ấp xây dựng cộng đồng này không thể không nói đến công lao của 8 anh em trai nhà họ La, những người đã có công lớn trong việc khai phá đất đai và kêu gọi bà con vào vùng đất mới định cư sinh sống. Người đến Bình Dương sớm nhất là ông La Văn Bình, vốn là bộ đội đặc công của C429 đóng tại Tam Lập. Tiếp đó là ông La Văn Thăng, La Văn Sự, rồi đến ông Lâm Hồng Quân…

Với bản tính cần cù, chịu khó, gặp chốn đất đai rộng rãi, phì nhiêu mấy anh em ra sức khai phá, làm lụng. Thành quả cho quá trình lao động vất vả đó là hàng chục hecta đất đai sản xuất được khai hoang. Với bản lĩnh vững vàng và sự nhanh nhạy của người lính đặc công, ông La Văn Sự bàn với anh em, ngoài việc trồng hoa màu, lương thực để đáp ứng nhu cầu sinh sống, cần nghĩ đến loại cây trồng có thể giúp họ thoát nghèo và họ đã lựa chọn cây cao su để phủ kín phần lớn diện tích họ đã khai phá. Khi cao su được giá, cuộc sống khá lên, bà con thân tộc người Sán Chỉ cũng theo anh em nhà họ La vào vùng kinh tế mới rải rác từ 1998 đến nay và hình thành nên cộng đồng người Sán Chỉ sống tập trung gồm 38 hộ, 191 nhân khẩu.

Lễ hội Cầu mùa với những giá trị văn hóa

Lễ hội Cầu mùa là một lễ hội lớn trong hệ thống các lễ tục nông nghiệp của người Sán Chỉ. Người Sán Chỉ quan niệm vạn vật đều có linh hồn, thiên nhiên xung quanh chúng ta như: Trời đất, nương rẫy, cày cuốc… đều có quan hệ mật thiết tới đời sống và sản xuất của con người. Lễ hội Cầu mùa phản ánh niềm tin và các thế lực siêu nhiên của người Sán Chỉ thuở sơ khai, đồng thời thể hiện ước muốn về mùa màng bội thu, cuộc sống no ấm, đầy đủ như khát vọng ngàn đời của các cư dân nông nghiệp. Tuy vậy, xu hướng biến đổi văn hóa truyền thống và sự giảm dần vai trò của ngành sản xuất nông nghiệp đã tác động không nhỏ đến lễ tục này. Ở các tỉnh có người Sán Chỉ sinh sống tập trung như Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang hay sống rải rác như Quảng Ninh, Cao Bằng, Lạng Sơn và Tây Nguyên… lễ tục này đang dần bị mai một và đi vào sự lãng quên, đặc biệt là ở lớp trẻ.

Việc cộng đồng Sán Chỉ ở Tam Lập, Phú Giáo thường niên tổ chức lễ cầu mùa theo phong tục truyền thống và một hoạt động rất ý nghĩa, thể hiện nhiều giá trị nhân văn và có tác động tích cực đến những quan hệ trong cộng đồng. Có mặt tại lễ hội này mới cảm nhận hết những nét đẹp văn hóa mà nó mang lại.

Cứ đúng ngày mùng 2 tết cổ truyền, dân làng không cần ai phải nhắc ai, họ đều tập trung ra miếu Thổ Địa để tụ họp. Người dân gọi đây là ngày “việc làng”, tức ngày bàn bạc những công việc trong làng, trong cộng đồng cho cả 1 năm sắp tới. Song, trước hết là những công việc cần kíp cho việc tổ chức lễ hội quan trọng nhất trong năm - Lễ hội Cầu mùa. Bà con tự đem xôi, gà, thịt heo luộc, hoa, quả hay bất cứ thứ gì gia đình mình có… để cúng. Và, sau khi bàn bạc, phân công công việc xong họ quây quần bên nhau, cùng ăn uống vui xuân một cách vui vẻ.

Ngày 6-1 thực sự là một ngày có ý nghĩa đặc biệt đối với mỗi người dân Sán Chỉ. Trước 5 giờ sáng, tất cả bà con dân làng đều tập trung ở miếu Thổ Địa. Ai có trang phục dân tộc thì mặc trang phục dân tộc, còn không họ vẫn mặc những trang phục thường, không có chuyện nề hà hay kiểu cách gì. Lễ vật cúng Thổ Miếu cũng rất giản đơn, trên bàn thờ chỉ có hương đèn và một đĩa gạo và muối, bên dưới có thịt heo sống. Các vật như quả còn, cây còn, trống, thanh la, khèn… đều được tập trung tại miếu để làm lễ.

Trước đây, khi còn ở Thái Nguyên, việc làm lễ diễn ra rất bài bản, có thầy cúng và những bài cúng riêng. Song, khi di cư vào Bình Dương, họ bỏ bớt những lễ phức tạp, người đứng ra thay dân làng tiến hành nghi lễ là ông La Văn Bình, người có công lập làng và có uy tín cao trong cộng đồng. Bài cúng cũng chỉ đơn giản là những lời khẩn cầu thật lòng gửi đến thần linh, mong cho năm mới mưa thuận, gió hòa, dân làng yên ấm, no đủ. Sau đó, ông xin bậc Thổ Địa chứng cho các lễ vật và xin rước cây nêu ra vị trí làm lễ. Buổi lễ còn có sự tham gia biểu diễn của đội múa lân để không khí thêm rộn ràng, vui nhộn.

Sau khi cây nêu và quả còn đã được làm lễ, chủ lễ ra hiệu cho bà con dân làng cùng vào phụ rước. Cây nêu thường được làm bằng tre tươi cao từ 13 - 15m, cây càng to - thẳng thì càng tốt. Trên ngọn cây nêu có làm một vòng tròn còn gọi là “mặt nguyệt”, một mặt dán giấy đỏ tượng trưng cho mặt trời, một mặt dán giấy vàng tượng trưng cho mặt trăng. Đường kính mặt nguyệt thường khoảng 35 - 40cm, tuy nhiên có thể thay đổi theo chiều cao cây nêu.

Cây nêu được dựng ở một bãi đất rộng, đây cũng là nơi biểu diễn các tiết mục văn nghệ và các trò chơi dân gian. Bà con, dân làng háo hức thưởng thức những điệu hát, điệu múa truyền thống của dân tộc mình. Ai ai cũng rạng ngời bên những bộ “piệc tẹp xam” đặc sắc, những điệu hát xình ca lôi cuốn, những điệu múa tắc xình gợi nhớ những miền quê xưa. Tất cả cùng hòa chung trong tiếng nhạc, tiếng bước chân… Không nhiều lần trong năm họ được sống trong không khí như vậy.

Sau phần văn nghệ mừng xuân, bà con Sán Chỉ bắt đầu bước vào phần hội chính. Ném còn được xem là trò khai hội và cũng là một trong những trò được bà con chờ đợi nhất. Trò chơi này mang nhiều ý nghĩa phồn thực, tôn thờ sự sinh sôi, nảy nở. Mặt nguyệt được biểu trưng cho vật linh của người con gái, được gọi là “phông còn”, nếu phông còn được ném thủng là biểu hiện mở đầu cho sự sinh sôi nảy nở của mọi vật, là mọi việc trong năm đều suôn sẻ, thuận lợi, hanh thông. Vì vậy, người Sán Chỉ đều cố gắng ném thủng phông còn. Năm nào tới trưa không ai ném thủng, Ban tổ chức phải thông báo trao giải để khích lệ tinh thần mọi người. Có nhiều trường hợp như làm cây nêu quá cao hay mặt nguyệt dán quá nhiều giấy, quá nhiều hồ thì quả còn trúng vào cũng không thể xiên qua được, khi đó bắt buộc người ta phải dùng ná thun để bắn…

Bên cạnh trò ném còn, Lễ hội Cầu mùa của dân tộc Sán Chỉ ở Tam Lập, Phú Giáo còn có nhiều trò chơi dân gian thú vị khác như trò kéo co, đập heo đất, nhảy bao bố… Tất cả đều được bà con Sán Chỉ và các cộng đồng lân cận hưởng ứng một cách tích cực.

Việc tổ chức Lễ hội Cầu mùa hàng năm quả thực là một sự nỗ lực rất lớn từ cộng đồng, nó thể hiện sự đoàn kết và tinh thần tự giác cao của mỗi thành viên. Qua đó, giúp cho các thế hệ trẻ dù xa quê hương song vẫn được sống trong không khí đặc trưng truyền thống, từng bước hiểu và thấm nhuần lịch sử, văn hóa cha ông, nối dài truyền thống uống nước nhớ nguồn, lòng tự hào dân tộc.

Cộng đồng Sán Chỉ ấp Đồng Tâm, xã Tam Lập, huyện Phú Giáo là một điểm sáng trong hoạt động sản xuất, ổn định an ninh, xã hội và là một mô hình bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc cần được phát huy và nhân rộng…

TRẦN ĐỨC THUẬN

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=781
Quay lên trên