Long đong cá cơm Phú Quốc! - Biển Tây Nam “dậy sóng”

Cập nhật: 27-06-2014 | 00:00:00

 Nằm ở cực Tây Nam của Tổ quốc, vùng biển Phú Quốc bao đời nay được thiên nhiên ưu đãi, nguồn tài nguyên sinh vật phát triển đa dạng, giá trị kinh tế cao. Một thời gian dài, việc khai thác các loại hải sản rồi bán vào đất liền là nguồn sống chủyếu của cư dân trên đảo, trước khi phát triển thêm các ngành nghề dịch vụ - du lịch. Nay, ngư dân ở “đảo ngọc” (mệnh danh của PhúQuốc) đang đổ xô “săn tìm” loài hải sản thuộc họ hải sâm để bán cho thương lái Trung Quốc, dù chưa rõ thực hư giá trị mà nó đem lại.

   Nhân công của vựa thu mua banh lông đang chuyển hàng lên cảng cá An Thới Ảnh: LÊ KHÔI

 SỐT!

Cách đây hơn 1 tháng, anh bạn đang mở quán ăn ở Q.1, TP.HCM điện thoại than thở với tác giả rằng: “Ông coi, tôi kinh doanh hải sản hơn 6 năm nay, chưa bao giờ thấy tình trạng này. Vì cái con banh lông gì đó mà cảđảo Phú Quốc đi săn lùng nó, chẳng câu kéo gì hết. Dân mua bán vựa hải sản ngoài chợ cũng lao đao, ngay cảtôm, cá, mực, sò điệp… là thứ tràng giang đại hải ở Phú Quốc mà giờ cũng khó kiếm hàng để bán khiến tôi phải kiếm đỡ hải sản nơi khác. Mà lẽ, khách ăn hải sản Phú Quốc quen rồi, biết gu, giờ ăn món lạ, họ khó chịu, chắc dẹp tiệm quá…”.

Cuối tháng 5, trên chuyến tàu Superdong VI từ TP.Rạch Giá ra Phú Quốc, tôi lân la hỏi chuyện chú Sáu (ngụ TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, ra Phú Quốc thăm họ hàng) - người ngồi kế bên, được biết khoảng hơn 2 tháng nay, khu vực này lên cơn sốt banh lông, đi đâu cũng nghe nói về con này. Ngay cảđứa cháu của ông có cái ghe nhỏ, cũng cải tạo lại, hì hụi đục đục, gõ gõ lắp ráp cái dàn cào bằng sắt chuyên dụng đểbắt con banh lông. Trong khi trước đó, con này chỉ đểlàm mồi… câu cá, chỉ đến khi thương lái Trung Quốc tìm mua với giá cao thì dân tình ở đây mới “sốt” thế.

Người dân đảo kểlại, con banh lông to như trái banh, da xám nhớt, nằm vùi dưới lớp cát ở đáy biển khoảng hơn hai tấc, dai nhách, hơn cảbánh xe. Thời điểm vừa qua Tết Nguyên đán, giá con banh lông lên đến hơn 800.000 đồng/kg, có ghe trúng đậm, đi 2 tuần về kiếm hơn tỷ bạc, nhưng thời điểm này chỉ còn trên dưới 200.000 đồng/kg. Ước tính mỗi ngày có khoảng hơn 10 tấn banh lông được thương lái thu mua tại các cảng ở đây, sau đó vận chuyển đi các nơi khác tiêu thụ.

Một trưa đầu tháng 6, chúng tôi chạy xe máy dọc bãi Trường xuống cảng cá An Thới (thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang). Trời nắng như đổ lửa, ghe tàu đủ loại đậu san sát. Ở góc nhỏ gần nơi đậu thuyền, một tốp hơn chục người đang phân loại mực tươi do chủ ghe đem lên bán, tiếng nói cười rổn rảng.

Cách chỗ tôi đứng khoảng 30m, một chiếc ghe nhỏ tấp vào. Cậu thanh niên trạc chừng 25 tuổi, mặc áo sơ mi carô xám, đội nón tai bèo đã sờn bạc, nhanh chóng cột dây ghe lại, rồi thảy lên thềm nhiều sọt nhựa màu xanh, ước chừng hơn 30kg/sọt. Liền lúc đó, người đàn ông hơn 40 tuổi đi chiếc Dream màu nho đã cũgần đó chạy đến, nhanh chóng bưng sọt lên xe, chở đi, mỗi chuyến chở khoảng 4 - 5 sọt.

Lân la bắt chuyện, cậu thanh niên bảo, chủ vựa vừa cho ghe cậu ra biển thu mua banh lông về, đợt này cũng hơn 500kg. “Tàu người ta cào, dùng dao mổ bụng, moi ruột vứt rồi lấy muối hột ướp vào thì xẹp lại cỡ nắm tay như vầy”, cậu thanh niên bảo. Tôi sờ vào, nó nhớt nhợt, thấy hơi nhám trên bề mặt. Tôi hỏi: “Hôm nay bao nhiêu một kg vậy em?”. “Giá lên xuống thất thường anh ơi, như chơi chứng khoán vậy. Có lúc chảai mua, có lúc sốt dữ lắm”, cậu thanh niên vừa trảlời thì người đàn ông chạy xe máy khi nãy đến, liếc nhìn tôi rồi quày quảchất 5 sọt banh lông lên xe, đi tiếp. Cậu im bặt, lui cui khiêng các sọt còn lại dưới ghe lên, không bắt chuyện với người lạ nữa.

NÁT!

Dạo gần đây, các ghe cá, mực… ở khu vực này chuyển sang cào banh lông rất nhiều. Một số người dân ở cảng cá này cho biết, thời điểm sau tết, thương lái Trung Quốc thu mua con banh lông với giá hơn 800.000 đồng/kg khiến những tàu đi chuyến đầu kiếm bộn tiền. Ngư dân thấy vậy, đổ xô trang bị dàn cào chuyên dụng gồm một cẩu chữ A, hai dàn cào và dây kéo… tùy vào công suất từng loại, chi phí đầu tư khoảng hơn 30 triệu đồng đến cảtrăm triệu đồng.

  Một góc cảng An Thới, thị trấn An Thới, huyện Phú Quốc. Ảnh: LÊ KHÔI

Dàn cào banh lông có hai rọ sắt, một hàm của rọ có dãy răng thép như bàn cào, cào sâu xuống lớp cát biển, kéo con banh lông vào rọ. Cao điểm là từ giữa tháng 4 âm lịch đến nay, có lúc lên đến hơn 600 ghe. Chị Duyên (32 tuổi, quê Thanh Hóa), chủ một cơ sở sơ chế mực ở cảng cá An Thới, than thở: “Họ cứ cào như vầy thì nát hết đáy biển, chẳng có cá mực gì nữa, các ngành nghề khác sớm muộn cũng bị vạ lây!”.

Trên biển nhộn nhịp ghe đánh bắt thì trên bờ, thông tin về loại hải sản thuộc họ hải sâm này cũng xôn xao. Người dân bảo, có dạo thương lái ngưng mua con này, sau mua tiếp nhưng giá giảm hơn phân nửa, rồi càng ngày càng xuống giá thê thảm, chỉ còn dưới 200.000 đồng/kg.

Ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch UBND huyện đảo Phú Quốc phụ trách kinh tế, thừa nhận hơn 2 tháng nay, có tình trạng một số tàu thuyền của ngư dân trên đảo chuyển từ ghe lưới đánh cá sang cào banh lông bán cho thương lái Trung Quốc, Đài Loan, thậm chí cảghe đánh bắt cá cơm cũng tham gia.

Theo ông Hưng, đây là ngành nghề tự phát mới xuất hiện trên đảo. Loài thủy sản sống ở độ sâu khoảng 20 - 30cm dưới lớp cát biển này đang là nguồn thu nhập lớn của ngư dân. Ông Hưng nhìn nhận rằng, thời điểm giao mùa giữa mùa Nam - Bắc như hiện nay khiến một số ghe lưới cá cơm ít khai thác, hoặc nếu có đánh bắt cá cơm thì lẫn nhiều cá tạp nên họ chuyển qua khai thác banh lông, kểcảcác loại ghe nhỏ như ghe cào cũng tham gia.

Theo dự báo của các ngành chức năng Phú Quốc, sản lượng khai thác thủy sản ở khu vực này có nguy cơ giảm bởi phần lớn tàu cá công suất lớn đã chuyển sang đánh bắt tự phát con banh lông. Vị đại diện lãnh đạo huyện này khẳng định, UBND huyện đã giao cho phòng kinh tế phối hợp với lực lượng chức năng như trạm, đồn biên phòng nắm diễn biến tình hình việc thu gom banh lông của thương lái, sự chuyển đổi ngành nghề tự phát của bà con ngư dân; đồng thời, trao đổi thông tin với các cơ quan của tỉnh đểcó giải pháp cụ thể, từ đó sẽ quyết định cấm, hạn chế hay tiếp tục khai thác con banh lông.

“Thịt con này rất dai, như bánh xe vậy, ăn vào chẳng có cảm giác gì. Không hiểu người ta chế biến kiểu gì nữa!”, ông Hưng bảo, và khẳng định: “Việc cào banh lông kiểu này thì ảnh hưởng lớn đến môi trường biển, đặc biệt là những rạn san hô. Nhiều loại động vật, hải sản sinh sản, đẻ trứng, đẻ con trên cát, trên san hô… cũng bị ảnh hưởng”.

Trong khi ngư dân vùng này đang đổ xô cào banh lông, giá ngày càng rớt thê thảm và có khảnăng phá nát môi trường biển thì chúng tôi nhớ đến sự việc cách đây chưa tròn năm, cũng tại khu vực này đối với con cácơm. Cuối năm 2013, Phú Quốc rộ lên phong trào thu gom cá cơm tươi rồi luộc bán cho thương lái Trung Quốc với giá cao gấp đôi. Khi ấy, làng nghề nước nắm truyền thống Phú Quốc từng một phen điêu đứng với nguy cơ “treo thùng” bởi không đủ cá cơm nguyên liệu đểsản xuất - điều chưa từng xảy ra nơi đây!

Kỳ II: Hủy hoại ngư trường

 LÊ KHÔI

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=683
Quay lên trên