Luật Đất đai sẽ điều chỉnh đồng bộ với luật chuyên ngành

Cập nhật: 30-08-2023 | 14:38:20

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi Đinh Thị Phương Lan phát biểu.

Các quy định về phương pháp áp dụng định giá đất; thẩm quyền của chính quyền địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất; rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất... là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách quan tâm, cho ý kiến vào dự án Luật Đất đai (sửa đổi), tại phiên họp sáng 30/8.

Tiếp tục rà soát các căn cứ định giá đất

Tại phiên họp, đại biểu Đinh Thị Phương Lan (Quảng Ngãi) cho biết, dự thảo Luật đã cụ thể thêm một bước về các quy định về các phương pháp áp dụng định giá đất bao gồm: So sánh, thu nhập, thặng dư, hệ số điều chỉnh.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát các căn cứ định giá đất, tránh quy định không cụ thể khiến khó quản lý nhà nước trong xác định giá đất, có thể dẫn đến sai phạm, khiếu kiện về đất đai.

“Luật cần tiếp tục các quy định liên quan đến công cụ quản lý nhà nước như kế hoạch quy hoạch sử dụng đất, phân loại đất, điều tiết hạn mức sử dụng đất, giá đất để tạo điều kiện thuận lợi, đảm bảo các quyền của người dân về đất đai theo quy định của Hiến pháp,” đại biểu Đinh Thị Phương Lan nói.

Đề nghị rà soát tính phù hợp việc tập trung tích tụ đất nông nghiệp, đại biểu Đinh Thị Phương Lan cho rằng, quy định tại Điều 192 dự thảo Luật có thể gây hiểu nhầm hoặc lợi dụng chủ trương tập trung tích tụ đất sản xuất cho nông nghiệp quy mô lớn nhằm phát triển kinh tế nông nghiệp sang kinh doanh quyền sử dụng đất hoặc trá hình sang buôn bán bất động sản nông nghiệp.

Đại biểu cũng đề nghị cần có quy định cụ thể hơn về các nguyên tắc, điều kiện ràng buộc nhằm tránh việc lợi dụng chủ trương, chính sách tập trung tích tụ đất nông nghiệp cho mục đích khác.

Quan tâm đến quy định về chuyển đổi sử dụng đất trồng lúa, đại biểu Lò Thị Luyến (Điện Biên) cho biết, theo Luật Đầu tư công, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, các tiêu chí phân loại của các dự án nhóm A-B-C được xác định trên tổng mức đầu tư sử dụng vốn đầu tư công và không liên quan đến diện tích sử dụng các loại đất lúa.

Chỉ có dự án quan trọng quốc gia mới có tiêu chí về chuyển mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Như vậy, theo dự thảo trình, hạn mức chuyển đổi mục đích sử dụng đất lúa thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và Hội đồng nhân dân, trong khi chưa có luật nào quy định rõ ràng.

Đại biểu Lò Thị Luyến đề nghị biên tập, sửa đổi Điều 122 của dự thảo luật; đồng thời, thẩm quyền và hạn mức chuyển mục đích sử dụng đất rừng và các loại đất khác phải được quy định ngay trong luật để tương thích với các luật khác, đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng.

Lượng hóa dự án trọng điểm thay đổi định hướng sử dụng đất

Liên quan đến rà soát, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) đề nghị cần cụ thể hóa căn cứ điều chỉnh quy hoạch kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, nhất là khi có biến động về nguồn lực thực hiện quy hoạch, hình thành dự án trọng điểm phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng làm thay đổi định hướng sử dụng đất.

Trên thực tế, quá trình thực hiện các công trình, dự án có vướng mắc do chưa phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tuy nhiên, để các địa phương điều chỉnh quy hoạch lại không có căn cứ, do đó, cần lượng hóa được thế nào là dự án trọng điểm thay đổi định hướng sử dụng đất.

Nêu dẫn chứng khi thực hiện các dự án đường giao thông, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, việc sử dụng đất không thể căn cứ theo khu chức năng trong quy hoạch sử dụng đất. Theo luật hiện hành, quy định khu chức năng trong quy hoạch bao gồm khu thương mại dịch vụ, khu sản xuất nông nghiệp khu đô thị...

Do đó, đại biểu đề nghị khoản 7 Điều 73 dự thảo Luật cần có sự đối chiếu với các quy định hiện hành liên quan đến quy hoạch để bảo đảm thống nhất phù hợp.

Về thu hồi đất do vi phạm pháp luật đất đai, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân cho rằng, chưa có quy định cụ thể đối với trường hợp vi phạm pháp luật trên đất lâm nghiệp như có hành vi chặt phá rừng thì phải thu hồi đất. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu giữa các quy định của luật đất đai và Luật Lâm nghiệp để có quy định phù hợp, thống nhất và đồng bộ.

"Trên thực tiễn, nhiều nhà đầu tư sau khi được giao đất để thực hiện dự án đầu tư nhưng chưa sử dụng đất theo đúng tiến độ dẫn đến lãng phí nguồn lực về đất đai. Để khắc phục tình trạng này, dự thảo Luật cần quy định rõ ràng, cụ thể hơn để các nhà đầu tư không có cơ hội lợi dụng chính sách liên quan đến đất đai, đầu tư," đại biểu Hồ Thị Kim Ngân nói.

Tránh lợi dụng chính sách để đầu cơ đất nông nghiệp

Phát biểu giải trình, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, sau Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội; cân nhắc, rà soát, thảo luận kỹ các nội dung của dự án Luật Đất đai (sửa đổi) trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và tiếp tục hoàn thiện để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 tới.

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang chuẩn bị dự thảo 3 nghị định và các thông tư hướng dẫn thực hiện Luật trình tại Kỳ họp thứ 6 để đại biểu Quốc hội xem xét cho ý kiến.

Trao đổi làm rõ một số nội dung cụ thể, trong đó có quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia, cấp tỉnh, huyện, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh, trên tinh thần bám sát Nghị quyết số 18-NQ/TW của Trung ương, quy hoạch đất quốc gia chỉ đưa các chỉ tiêu chính như đất rừng, đất lúa, đất quốc phòng, an ninh...; còn những chỉ tiêu khác được đưa vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, huyện.

Về thẩm quyền của các địa phương trong chuyển đổi mục đích sử dụng đất, nhất là đất rừng, đất lúa, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, Luật Đất đai sẽ điều chỉnh đồng bộ với luật chuyên ngành, có tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng để bảo đảm phân cấp thông suốt cho địa phương, đồng thời theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc gia.

Về chính sách đất đai cho sinh hoạt cộng đồng đối với đồng bào dân tộc thiểu số, cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến của đại biểu để nghiên cứu, xem xét quy định phù hợp; đồng thời có chính sách giao đất ở, sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, có biện pháp duy trì quỹ đất như không cho phép cá nhân, hộ đồng bào dân tộc thiểu số bán đất ở, đất sản xuất đã được giao lần thứ 2.

Đối với quy định về tập trung tích tụ đất nông nghiệp, Bộ trưởng cho biết, dự thảo đã quy định cụ thể, thận trọng, tránh lợi dụng chính sách để đầu cơ đất nông nghiệp.

Bộ trưởng cũng tiếp thu ý kiến đại biểu để tiếp tục hoàn thiện các quy định về thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, dân tộc; cơ chế thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi thực hiện dự án; thu hồi đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất thu hồi nhỏ hơn diện tích tối thiểu được tách thửa; nguyên tắc, điều kiện áp dụng các phương pháp định giá đất.../.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên