Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia

Cập nhật: 26-03-2014 | 00:00:00

Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp Chính phủ; Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. 

  Những năm qua, tỉnh Bình Dương tiếp tục tạo được lợi thế cạnh tranh trong thu hút các nguồn vốn đầu tư đi vào sản xuất - kinh doanh, chính vì vậy, luôn bảo đảm tốc độ tăng trưởng về giá trị sản xuất và xuất khẩu công nghiệp từ 15 - 25% mỗi năm. Những kết quả này cho thấy tỉnh Bình Dương là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Trong ảnh: Khu công nghiệp VSIP II hiện lấp đầy 98% diện tích, thu hút được 129 dự án đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng số vốn đầu tư trên 1,5 tỷ đô-la Mỹ

Nội dung Nghị quyết 19/NQ-CP cho biết trong giai đoạn 2014-2015 tập trung cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình xử lý, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính, giảm chi phí hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của các cơ quan hành chính nhà nước. Phấn đấu đến hết năm 2015 đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6, trong đó một số tiêu chí cụ thể là:

Một, đơn giản thủ tục và rút ngắn thời gian thành lập doanh nghiệp (DN) xuống còn tối đa là 6 ngày; cải thiện các khâu liên quan khác nhằm rút ngắn thời gian từ đăng ký đến bắt đầu kinh doanh của DN; Cải cách quy trình, hồ sơ và thủ tục nộp thuế và rút ngắn thời gian các DN phải tiêu tốn để hoàn thành thủ tục nộp thuế đạt mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6; Thời gian nộp thuế trung bình của các nước ASEAN-6 là 171 giờ/năm, trong đó Indonesia là 259 giờ, Thái Lan là 264 giờ, Philippines là 193 giờ, Malaysia là 133 giờ, Brunei là 96 giờ, Singapore là 82 giờ, còn Việt Nam thời gian nộp thuế năm 2013 là 876 giờ. Hai, rút thời gian tiếp cận điện năng đối với các DN, dự án đầu tư xuống còn tối đa là 70 ngày (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 50,3 ngày). Ba, hoàn thiện quy định về quyền sở hữu và bảo vệ nhà đầu tư vào Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp theo hướng tăng cường bảo vệ quyền sở hữu, nhà đầu tư, cổ đông thiểu số theo chuẩn mực quốc tế. Bốn, tạo thuận lợi, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận tín dụng theo cơ chế thị trường giữa các DN, tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế. Năm, đơn giản hóa quy trình, hồ sơ và thủ tục xuất nhập khẩu, thủ tục hải quan và giảm thời gian thông quan hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu cho DN, phấn đấu thời gian xuất khẩu và thời gian nhập khẩu bằng mức trung bình của các nước ASEAN-6; Thời gian xuất khẩu trung bình của các nước ASEAN-6 là 14 ngày và thời gian nhập khẩu là 13 ngày, trong đó, Indonesia là 17 và 23 ngày, Thái Lan là 14 và 13 ngày, Philippines là 15 và 14 ngày, Malaysia là 11 và 8 ngày, Brunei là 19 và 15 ngày, Singapore là 5 và 4 ngày, còn Việt Nam thời gian xuất khẩu năm 2013 là 21 ngày và nhập khẩu cũng 21 ngày. Sáu, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục phá sản DN xuống còn tối đa 30 tháng. Bảy, công khai hóa, minh bạch hóa tình hình hoạt động, tài chính DN theo quy định của pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Nghị quyết 19/NQ-CP yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương trong triển khai thực hiện và chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam khẩn trương thực hiện các biện pháp cần thiết nhằm giảm các thủ tục, thời gian và chi phí tiếp cận để được cấp điện đối với các dự án DN thuộc mọi thành phần kinh tế, bảo đảm rút thời gian tiếp cận xuống còn tối đa 70 ngày (mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6 là 50,3 ngày); Phát triển công nghiệp hỗ trợ, tập trung cho cơ khí chế tạo máy nông nghiệp và ngành dệt may; Tăng cường kiểm tra, xử lý đúng pháp luật các hoạt động kinh doanh trái phép, chống buôn lậu và gian lận thương mại, lũng đoạn thị trường, cạnh tranh không lành mạnh đi đôi với tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong sản xuất - kinh doanh; Thúc đẩy thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các cam kết thương mại quốc tế, trước mắt là hướng tới việc hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN vào năm 2015 và các Hiệp định thương mại tự do với các đối tác kinh tế lớn.

Bộ Giao thông - Vận tải được giao trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng hạ tầng và dịch vụ cảng biển, giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển và đường hàng không, cải thiện hệ thống dịch vụ logistic, giảm chi phí các dịch vụ vận tải xuống bằng với mức trung bình của nhóm nước ASEAN-6.

NGUYỄN PHÚC

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên