Người chăn nuôi vẫn còn băn khoăn!

Cập nhật: 10-02-2012 | 00:00:00

Theo quy định, các loại thiên tai nguy hiểm được hỗ trợ thí điểm BHNN, bao gồm: bão, lũ lụt, hạn hán, rét đậm rét hại, sương giá, xâm nhập mặn, sóng thần; các loại dịch bệnh nguy hiểm, bao gồm: bệnh lở mồm long móng đối với trâu bò; dịch bệnh tai xanh, lở mồm long móng đối với heo. Mức độ thiệt hại ở mức từ 20% trở lên đối với chăn nuôi (theo giá trị kinh tế)  thì được bảo hiểm. Các hộ dân nếu có nuôi heo, bò sữa với số lượng từ 1 con trở lên theo hình thức nuôi nhốt hoặc chăn thả có kiểm soát đều có thể tham gia BHNN. Ngân sách địa phương sẽ hỗ trợ 100% kinh phí mua bảo hiểm cho hộ nghèo, hỗ trợ 80% cho hộ cận nghèo. Các hộ nông dân không nằm trong các diện nói trên chỉ phải đóng 40% chi phí bảo hiểm và các đơn vị doanh nghiệp chỉ phải đóng 80% chi phí bảo hiểm.

Huyện Tân Uyên có 2 xã là Thường Tân, Lạc An và thị trấn Thái Hòa được chọn triển khai thực hiện thí điểm BHNN. Những địa phương được chọn đều phù hợp với tiêu chí chung là có nhiều hộ chăn nuôi heo, trong đó số hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ chiếm đa số. Vì vậy việc triển khai thí điểm thực hiện BHNN tại những nơi này là hết sức ý nghĩa đối với những người chăn nuôi heo. Tại xã Thường Tân, hiện có khoảng 50 hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ với số lượng từ 2 - 4 con/hộ. Ông Nguyễn Thanh Tâm, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Thường Tân, cho biết: “Các văn bản hướng dẫn từ cấp trên đưa xuống chúng tôi đều nắm rõ. Trong các cuộc họp Ban chấp hành hội chúng tôi đã triển khai lại cho các chi hội để triển khai đến hội viên nông dân. Người chăn nuôi cũng rất đồng tình với chính sách này của Nhà nước. Tuy nhiên, hiện người chăn nuôi trên địa bàn xã cũng đang rất mơ hồ về các điều khoản của chính sách, vì các điều khoản về quyền lợi của người tham gia bảo hiểm còn chưa rõ ràng chi tiết. Vì vậy, mặc dù rất đồng tình nhưng để người chăn nuôi tham gia BHNN vẫn còn một khoảng cách khá xa!”.

Tại xã Lạc An, theo khảo sát của UBND xã thì hiện có 192 hộ chăn nuôi heo. Qua các cuộc tuyên truyền, đa số người chăn nuôi đều tán thành với chủ trương này. Ông Hà Đăng Chiếm, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc An, cho rằng chính sách BHNN triển khai trên địa bàn xã là rất thiết thực với người chăn nuôi. Người chăn nuôi sẽ được tạo điều kiện để phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững và nghề chăn nuôi trên địa bàn xã sẽ có cơ hội được khôi phục, từ đó sẽ tác động tích cực đến sự phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, vấn đề mà nhiều hộ chăn nuôi vẫn còn băn khoăn là các điều khoản bắt buộc đối với họ. Tương tự Lạc An, nhiều người chăn nuôi trên địa bàn xã Thường Tân cho rằng các điều khoản quy định bắt buộc để người chăn nuôi tham gia là quá chi tiết vì lâu nay các mô hình chăn nuôi của hộ dân tại nơi đây được xây dựng theo ý riêng của các hộ gia đình và tùy theo điều kiện riêng của các hộ mà cách pha trộn thức ăn cho heo cũng khác nhau. Nếu đem so sánh với các quy định bắt buộc trong quy trình hướng dẫn thì người chăn nuôi tại nơi đây rất khó để có thể tham gia được vào các hợp đồng.

Anh Tuấn, một hộ chăn nuôi heo tại ấp 4 xã Lạc An, cho biết: “Tôi cũng đã nghe và có nghiên cứu thông tin về BHNN, nhưng tôi đang rất do dự vì các điều khoản quy định rất khó để người chăn nuôi có thể nhận được các khoản bồi thường từ phía công ty bảo hiểm”. Anh Tuấn cho rằng, hiện nay việc quản lý giống chăn nuôi tại các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều bất cập. Đa số các hộ dân mua heo giống không có nguồn gốc rõ ràng hoặc mua lòng vòng qua lại giữa các trại chăn nuôi heo, vì vậy rất dễ gây ra hiện tượng trùng huyết. Nếu phía công ty bảo hiểm tham gia cùng người chăn nuôi trong khâu quản lý nguồn giống từ ban đầu thì sẽ tạo ra tâm lý an tâm cho người chăn nuôi khi tham gia bảo hiểm. Còn ông Hà Đăng Chiếm thì cho rằng, các cơ quan hữu quan cần xem xét tạo điều kiện cho người chăn nuôi heo nhỏ lẻ có thể tham gia vào BHNN vì đặc thù của các hộ chăn nuôi heo nhỏ lẻ là nuôi trong khu dân cư, nếu đem so sánh với các quy định bắt buộc khi tham gia bảo hiểm thì hầu hết các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đều không đạt yêu cầu. Chính vì những lý do nêu trên mà ông Nguyễn Thanh Tâm, đúc kết: “Các đơn vị thực hiện BHNN cần phối hợp với địa phương nhằm tổ chức các buổi hội thảo để tuyên truyền cho người chăn nuôi hiểu biết thêm về chủ trương, chính sách này”.

Thực hiện thí điểm BHNN là một trong các chủ trương, giải pháp của Đảng và Nhà nước nhằm hỗ trợ cho người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại do hậu quả của thiên tai, dịch bệnh gây ra; góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy phát triển nông nghiệp. tuy nhiên, với tình hình hiện nay thì kế hoạch triển khai ký kết hợp đồng BHNN với người chăn nuôi trong quý I năm nay khó có thể thực hiện được, vì người chăn nuôi vẫn chưa thực sự nắm rõ các nội dung của chính sách. Để thuyết phục người chăn nuôi tham gia BHNN, cần thực hiện tốt công tác tuyên truyền. Đây là giải pháp trước mắt để đưa chính sách thiết thực này đến gần hơn với người chăn nuôi.

ĐÀ BÌNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=229
Quay lên trên