Trong nhiệm kỳ 2014-2019, cán bộ, hội viên thanh niên Bình Dương đã không ngừng phấn đấu học tập, rèn luyện để nâng cao hoạt động của tổ chức hội và hướng đến phục vụ cộng đồng. Chính họ là những nhân tố đã góp phần tạo nên những thành công trong công tác hội và phong trào thanh niên tỉnh nhà. Để kịp thời ghi nhận những cống hiến của các cá nhân, Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2019-2024 đã tuyên dương những tấm gương cán bộ, hội viên tiêu biểu…
* Anh PHẠM CHÍ TRỌNG, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Sinh viên trường Đại học Thủ Dầu Một, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sinh viên khởi nghiệp TDMU:
Năm 2016, chàng trai Phạm Chí Trọng đạt danh hiệu thủ khoa của kỳ tuyển sinh trường Đại học Thủ Dầu Một. Trong những năm học tập tại mái trường này, Trọng luôn giữ vững danh hiệu với thành tích học tập đáng nể, được xếp loại giỏi hàng năm. Không chỉ xuất sắc trong học tập, Trọng còn là cán bộ Đoàn - Hội năng nổ, nhiệt huyết, với những ý tưởng phong phú, đa dạng trong công tác Đoàn - Hội, góp phần mang đến nhiều hoạt động hữu ích cho hội viên, sinh viên nhà trường.
Đặc biệt, Trọng còn là người có nhiều ý tưởng trong lĩnh vực khởi nghiệp, có thể kể đến một số thành tích Trọng đã đạt được, như: Giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo và Khởi nghiệp” trong sinh viên năm 2018 do Hội Sinh viên tỉnh tổ chức; giải nhất cuộc thi “Ý tưởng sáng tạo và Khởi nghiệp” trong sinh viên năm 2018 do trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức; giải ba cuộc thi Ý tưởng khởi nghiệp TDMU Startup Aspirations năm 2019… Ngoài ra, Trọng còn có những mô hình, ý tưởng khởi nghiệp, như: Hành trình “Những bông hoa mặt trời vùng núi”; dự án thành lập Công ty TNHH Cung ứng nhân lực bán thời gian lọt Top 26 dự án xuất sắc nhất toàn miền Nam; giải nhất Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh Bình Dương 2018; dự án ứng dụng hướng nghiệp Under Job lọt Top 44 dự án khởi nghiệp xuất sắc nhất Đông Nam Á do Hult Prize tổ chức… Với những thành tích xuất sắc của mình, Trọng đã đạt danh hiệu Sinh viên 5 tốt cấp trường, cấp tỉnh; nhận bằng khen “Cán bộ Đoàn xuất sắc tỉnh Bình Dương” do Tỉnh đoàn trao tặng.
“Được tham gia và cháy hết mình cùng với công tác Đoàn - Hội là một trong những sở thích, niềm đam mê của tôi. Nhờ những chương trình, phần việc đã tham gia mà tôi trưởng thành nhiều hơn. Những thành công đã được ghi nhận sẽ giúp tôi phấn đấu nhiều hơn, làm tốt hơn công tác Đoàn - Hội, để xứng đáng với những gì mà mình đã nhận được”, Trọng chia sẻ.
* Anh NGUYỄN HOÀNG VIỆT, thanh niên sản xuất giỏi xã Lạc An (huyện Bắc Tân Uyên)
Đam mê sưu tầm, chăm sóc hoa lan, cây cảnh từ thuở cắp sách tới trường, nhưng mãi đến năm 2012 anh Việt mới có cơ hội thực hiện niềm đam mê của mình sau khi hoàn thành chương trình học y sĩ và trở về địa phương công tác. Ban đầu với số vốn 15 triệu đồng, anh chỉ có thể làm giàn tạm và mua các loại lan khai thác từ rừng và lan rừng được nuôi cấy công nghiệp đem về trồng thử. Do chưa có kinh nghiệm nên anh đã sai lầm trong việc lựa chọn các giống lan phù hợp với khí hậu tại địa phương và cách sử dụng thuốc ngừa bệnh, nên mùa mưa năm 2013 giàn lan bị sập và nấm bệnh thiệt hại gần như hoàn toàn.
Không bỏ cuộc, cuối năm 2013 anh tiếp tục đầu tư các giống lan công nghiệp do các vườn lớn thanh lý với giá rẻ. Lần này anh lại thất bại vì mua lan giá rẻ, dẫn đến cây bị suy yếu, còi cọc. Chính những thất bại này đã giúp anh có thêm kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc lan. Cũng chính thời điểm này anh nhận ra sức sống mãnh liệt của các loại lan rừng nên bắt đầu từ năm 2014 đến nay anh tập trung phát triển các giống lan rừng. “Sau nhiều lần thất bại, tôi bắt đầu tham gia các hội, nhóm trên mạng xã hội hay học hỏi kinh nghiệm của các tiền bối đi trước. Bên cạnh đó, được sự quan tâm động viên, giới thiệu các nguồn vốn hỗ trợ của Xã đoàn Lạc An, Huyện đoàn Bắc Tân Uyên, từ cuối năm 2016 đến nay tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng thêm quy mô giàn lan”, anh Việt trải lòng.
Vườn lan của anh Việt hiện có diện tích 400m2, với hơn 3.000 chậu lớn nhỏ với nhiều loại khác nhau. Trung bình mỗi tháng, vườn lan mang về cho anh Việt khoảng 5 - 6 triệu đồng, vào dịp cao điểm tết thu nhập từ vườn lan có thể lên đến 20 triệu đồng. Ngoài công việc chính là Phó trưởng Trạm Y tế xã, anh còn là chủ nhiệm Câu lạc bộ Trồng lan xã Lạc An. Để chia sẻ với mọi người, anh thường hướng dẫn kinh nghiệm trồng và chăm sóc lan cho nhiều đoàn viên thanh niên tại địa phương cũng như đoàn viên thanh niên ở xã khác cùng nhân rộng và phát triển mô hình này.
* Anh ARIFIN, Chi hội trưởng Chi hội Dân tộc phường Dĩ An (TX.Dĩ An):
Anh Arifin là người dân tộc Chăm sinh ra và lớn lên tại huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Năm 2004 anh rời quê hương đến Bình Dương lập nghiệp. Là người con xa quê, anh luôn thấu hiểu hoàn cảnh, nỗi lòng của các anh chị em công nhân xa quê. Vì thế, khi về với mái nhà chung là Chi hội Dân tộc phường Dĩ An, anh luôn xem các anh chị hội viên nơi đây không chỉ là hội viên mà như anh em ruột trong một gia đình.
“Chi hội của tôi là Chi hội Dân tộc đầu tiên của tỉnh, vì thế lúc đầu công tác vận động anh chị em tham gia rất khó khăn. Đa phần các anh chị còn nhút nhát và họ cũng chưa hiểu mục đích thành lập chi hội, nên mình phải đến gõ cửa từng phòng trọ để trò chuyện, chia sẻ. Khi chi hội đi vào hoạt động, muốn họ gắn bó lâu dài với chi hội thì cần phải có sự quan tâm chân tình từ tổ chức hội. Chính vì thế, khi có thời gian là tôi lại ghé thăm hội viên, xem có ai khó khăn cần giúp đỡ thì lên kế hoạch vận động giúp đỡ”, anh Arifin cho biết và nói thêm: “Từ những khó khăn mình đã trải qua, tôi muốn được chăm lo tốt hơn cho các bạn hội viên”. Có lẽ chính vì sự nhiệt tình như thế mà anh được rất nhiều anh chị em yêu mến và xem anh như người anh trong gia đình.
Không chỉ quan tâm đến đời sống vật chất, anh Arifin còn chú trọng đến đời sống tinh thần cho hội viên. Anh đã đề xuất Phường đoàn tổ chức nhiều hoạt động, trong đó có việc tổ chức Tết Roya Haji cho thanh niên dân tộc Chăm tại chi hội…. Các hoạt động này đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ nhiệt tình của các hội viên, giúp họ tin và gắn bó với tổ chức Đ oàn - Hội.
NGỌC NHƯ