Nỗ lực để hội nhập

Cập nhật: 10-11-2016 | 08:30:19

Một trong những mục tiêu quan trọng của Nghị quyết số 06-NQ/TW khóa XII vừa được ban hành là nhằm thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, giữ vững ổn định chính trị - xã hội, tăng cường khả năng tự chủ của nền kinh tế, mở rộng thị trường, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững…

Để hội nhập kinh tế quốc tế thành công thì cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và trình độ phát triển của nền kinh tế. Nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gần 10 năm và đạt được nhiều thành tựu.

Để hội nhập kinh tế quốc tế thành công thì cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và trình độ phát triển của nền kinh tế. Nước ta gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) gần 10 năm và đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, nền kinh tế gặp phải không ít khó khăn, thách thức đồng thời bộc lộ những yếu kém. Đó là hiệu lực thực thi thể chế pháp luật kinh tế chưa cao; chính sách kinh tế chưa đủ mạnh để tận dụng cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại, nhất là chính sách đối với khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Năng lực cạnh tranh của quốc gia, của doanh nghiệp và sản phẩm, thương hiệu còn hạn chế; tăng trưởng kinh tế chậm lại, thiếu bền vững, trong khi tỷ trọng đóng góp của khoa học và công nghệ trong tăng trưởng thấp hơn nhiều quốc gia khác...

Trong thời gian tới, nước ta đang chủ động đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện các hiệp định thương mại tự do, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đây là những hiệp định thế hệ mới, theo đánh giá của các chuyên gia là mức độ hội nhập sẽ sâu, rộng hơn. Việt Nam sẽ mở cửa thị trường cho các doanh nghiệp nước ngoài tiến vào. Vì vậy, sức ép cạnh tranh trên “sân nhà” sẽ lớn hơn nhiều so với những hiệp định mà Việt Nam đã tham gia.

Thách thức là rất lớn nhưng cơ hội cũng không hề nhỏ. Điều quan trọng là doanh nghiệp đã có những bước chuẩn bị gì cho những cơ hội và thách thức sắp tới. Trong bối cảnh hiện nay, việc Chính phủ quyết tâm xây dựng một chính phủ kiến tạo, trong sạch, liêm chính, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế hoạt động, bình đẳng cạnh tranh được coi là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy nền kinh tế phát triển, doanh nghiệp có thể vững bước trên con đường hội nhập.

Thời gian qua, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện. Thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng. Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là một công việc không đơn giản. Thực tế cho thấy, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới chưa được cải thiện đáng kể. Vì vậy, việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là nội dung quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế.

NHẬT HUY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên