Nông sản sạch, đừng để nông dân “tự bơi”!

Cập nhật: 18-12-2015 | 08:07:36

Ngày 16-2, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mở hội nghị thảo luận Đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía Nam Bình Dương. Theo đó, Phân viện Quy hoạch và thiết kế nông nghiệp TP.Hồ Chí Minh đề xuất ưu tiên đầu tư tạo ra môi trường sinh thái, cung ứng các dịch vụ nông nghiệp cho khu vực nông nghiệp nông thôn. Hình thành vùng sản xuất rau an toàn, rau sạch ứng dụng công nghệ cao khoảng 300 ha, sinh vật cảnh khoảng 170 ha vào năm 2020. Hình thành chuỗi sản phẩm rau an toàn để cung cấp cho thị trường đô thị.

 Mục đích, ý nghĩa của cuộc hội thảo cũng như mục tiêu đề án đưa ra có lẽ không cần phải bàn cãi nhiều. Trong nhiều năm qua, trước quá trình công nghiệp, đô thị hóa mạnh mẽ, đồng thời nhu cầu thị trường đối với thực phẩm sạch nói chung, việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp đô thị, nông sản sạch là hướng đi phù hợp.

Nhưng đầu tư cho loại hình nông nghiệp mới, người nông dân rất cần sự hỗ trợ toàn diện về mọi mặt. Từ đồng vốn đầu tư cho đến quy trình kỹ thuật, chọn cây, con giống, thu hoạch, bảo quản cho đến đầu ra sản phẩm. Thực tế cho thấy, từ nhiều năm qua, bên cạnh sự hỗ trợ của các đơn vị chức năng, sự nhạy bén của nông dân, trên địa bàn tỉnh cũng đã ra đời những vùng sản xuất rau sạch, rau an toàn, cũng như các loại hình sinh vật cảnh có giá trị. Nhưng với nhiều lý do khách quan, ngoài những dự án của một số doanh nghiệp đầu tư, người nông dân đa phần vẫn sản xuất nhỏ, lẻ, tự phát, dẫn đến khó khăn nhiều mặt.

Ngoài chuyện vốn, kỹ thuật, đất đai… một vấn đề nan giải mà người nông dân than phiền nhiều nhất đó chính là giá cả, đầu ra nông sản. Không ít hộ gia đình sau một thời gian đầu tư sản xuất nông sản sạch với chi phí khá cao buộc phải từ bỏ để quay lại với cách sản xuất truyền thống. Bởi theo họ cho biết, dù có nông sản sạch nhưng sản phẩm của họ khó vào được hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại vì rào cản thủ tục nhiêu khê! Quay ra tiêu thụ tại các chợ truyền thống với giá cả không khác gì các loại rau sản xuất theo lối truyền thống. Lợi nhuận mang lại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong khi đầu tư công sức, chi phí khá cao.

Xây dựng dự án tốt để triển khai là việc rất cần thiết. Nhưng để dự án mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là để người nông dân gắn bó lâu dài với loại hình sản xuất đã chọn, vì vậy còn rất nhiều vấn đề nan giải cần phải tính đến trước khi triển khai thực hiện.

 CẢNH HƯỞNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên