Phiên họp thứ 5 Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng

Cập nhật: 10-07-2014 | 00:00:00

  Quang cảnh phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ngày 9-7, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã chủ trì Phiên họp thứ 5 của Ban Chỉ đạo.

Tại phiên họp này, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng thảo luận, cho ý kiến về: Dự thảo Báo cáo những nội dung cơ bản về tình hình, kết quả công tác phòng, chống tham nhũng 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ công tác 6 tháng cuối năm 2014 của Ban Chỉ đạo; Dự thảo Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại một số địa phương theo Kế hoạch 08-KH/TW ngày 12/3/2012 của Bộ Chính trị; Dự thảo Kế hoạch Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức Trung ương.

Ban Chỉ đạo cho ý kiến tiến độ điều tra, truy tố, xét xử và những khó khăn, vướng mắc của 12 vụ án, 6 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp do Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; bổ sung 2 vụ án nghiêm trọng, phức tạp để Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.

Bước chuyển biến tương đối rõ

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Nguyễn Bá Thanh trình bày, 6 tháng đầu năm 2014, công tác phòng, chống tham nhũng tiếp tục được các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền quan tâm triển khai và đạt được kết quả tích cực trên một số mặt công tác. Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng tiếp tục phát huy vai trò chỉ đạo, phối hợp, kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng trong phạm vi cả nước.

Do có sự chỉ đạo tập trung sâu sát của Ban Chỉ đạo và trách nhiệm cao của các cơ quan thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử, công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh, có bước chuyển biến tương đối rõ rệt, nhất là trong xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.

Sáu tháng đầu năm, toàn ngành thanh tra đã triển khai 3.576 cuộc thanh tra hành chính và gần 78 nghìn cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Qua kiểm tra, ngành đã phát hiện vi phạm về kinh tế hơn 10.173 tỷ đồng, hơn 1.020 ha đất, kiến nghị thu hồi cho ngân sách nhà nước trên 4.857 tỷ đồng, trên 350 ha đất…

Qua thanh tra, ngành cũng phát hiện 23 vụ, 32 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 68,5 tỷ đồng, đã thu gần 47 tỷ đồng.

Cơ quan điều tra cả nước đã khởi tố 102 vụ với 198 bị can về các tội tham nhũng. Viện Kiểm sát các cấp đã truy tố 122 vụ với 277 bị can về các tội tham nhũng. Tòa án các cấp đã xét xử sơ thẩm 84 vụ với 217 bị cáo về các tội tham nhũng.

Trên cơ sở kết quả của 7 đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, đầu năm 2014, Ban Chỉ đạo đã quyết định bổ sung 45 vụ án, 23 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và tỉnh ủy thành ủy chỉ đạo xử lý.

Đối với các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, 6 tháng đầu năm, các cơ quan tiến hành tố tụng đã tập trung điều tra, truy tố và kịp thời đưa ra xét xử sơ thẩm 3 vụ án ( vụ án Huỳnh Thị Huyền Như, vụ án Vũ Việt Hùng; vụ án Nguyễn Đức Kiên); xét xử phúc thẩm 2 vụ án ( Vụ án Dương Chí Dũng, Vụ án Vũ Quốc Hảo), theo quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc lý xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp

Theo dự thảo Kế hoạch, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ thành lập 4 đoàn kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại 8 tỉnh: Ninh Bình, Quảng Ninh, Nghệ An, Hà Tĩnh, Bình Định, Khánh Hòa, Bà Rịa- Vũng Tàu, Bạc Liêu, từ ngày15/9 đến ngày 15/11/2014.

Nội dung kiểm tra, giám sát về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với việc phát hiện và xử lý tham nhũng; kiểm tra, giám sát việc phát hiện tham nhũng, thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng và xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp của các cơ quan, đơn vị chức năng ở một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Thông qua công tác kiểm tra, giám sát để thấy rõ kết quả, thành tích và nhất là phát hiện những hạn chế, yếu kém trong việc thanh tra vụ việc, phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án của các cơ quan chức năng; chỉ ra những khó khăn, vướng mắc để chỉ đạo giải quyết nhằm nâng cao hiệu quả phát hiện và xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Qua đó kịp thời có biện pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác đấu tranh chống tham nhũng hiện nay.

Ban Chỉ đạo xây dựng Kế hoạch Thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 7 cơ quan, tổ chức Trung ương gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bảo hiểm xã hội Việt Nam; Bộ Quốc phòng, Bộ Giao thông- Vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Thời gian kiểm tra đến trước ngày 30/11/2014. Thông qua công tác kiểm tra, đôn đốc để nắm tình hình, đánh giá kết quả công tác phòng, chống tham nhũng, trong đó chú trọng phát hiện những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và phương hướng, biện pháp khắc phục.

Nội dung kiểm tra về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình kết quả triển khai các biện pháp phòng, chống tham nhũng; tình hình, kết quả công tác phát hiện, xử lý, kiến nghị xử lý tham nhũng; Những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân và kiến nghị, đề xuất nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng.

Kiên quyết, kiên trì phòng, chống tham nhũng

Kết luận Phiên họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ: trong 6 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội của đất nước có bước tiến rất tốt, có nhiều triển vọng, bên cạnh đó còn nhiều khó khăn thách thức, đặc biệt là tình hình biển Đông. Trong bối cảnh đó, hoạt động phòng chống tham nhũng và hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã tiếp tục phát huy kết quả năm 2013, đạt được kết quả rõ nét, được dư luận đánh giá tốt.

Tuy nhiên, hoạt động của Ban Chỉ đạo và công tác phòng chống tham nhũng còn một số hạn chế tồn tại trong công tác xây dựng thể chế, công tác tuyên truyền, công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc tổ chức công việc; hoạt động của các thành viên Ban Chỉ đạo chưa đều tay…

Đề cập về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Tổng Bí thư nhấn mạnh cần tiếp tục xác định và quán triệt công tác phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên, hết sức quan trọng, khó khăn, phức tạp, phải làm kiên quyết, kiên trì, ngày càng bài bản, nhuần nhuyễn hơn; thấy rõ trách nhiệm trực tiếp của Ban Chỉ đạo đối với công việc khó khăn này.

Tổng Bí thư yêu cầu sau Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng ( tháng 5/2014), các tỉnh ủy, thành ủy, các cấp, các ngành, cơ quan phải có chuyển biến, bám sát tinh thần của Hội nghị. Muốn vậy phải làm tốt công tác tuyên truyền, thông tin; tiếp tục các công việc thường xuyên nêu trong chương trình công tác cả năm 2014 và 8 nhiệm vụ công tác trong 6 tháng cuối năm.

Tổng Bí thư yêu cầu phải hết sức quan tâm, tăng cường công tác xây dựng thể chế, luật pháp, khắc phục những kẽ hở trong pháp luật. Ban Chỉ đạo tán thành việc thành lập 4 đoàn công tác tiến hành kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp tại 8 địa phương; Kế hoạch thành viên Ban Chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 7 Bộ, ngành Trung ương.

Ban Chỉ đạo tiếp tục theo dõi tiến độ điều tra, truy tố, xét xử của 14 vụ án, 6 vụ việc tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tập trung chỉ đạo tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, xử lý, xét xử các vụ án.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lưu ý tiếp tục đổi mới phương pháp, phong cách làm việc của Ban Chỉ đạo, của Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo, thành viên Ban Chỉ đạo với tinh thần kiên quyết, kiên trì, thiết thực hiệu quả, tăng cường phối hợp. Trong lĩnh vực công tác của mình, từng thành viên Ban Chỉ đạo hết sức chủ động, nghiên cứu đề cơ chế phối hợp giải quyết để đảm bảo thiết thực, hiệu quả./.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=375
Quay lên trên