Phòng chống dịch cúm gia cầm tại Bình Dương: Cảnh giác cao độ, nhưng không hoang mang!

Cập nhật: 08-03-2014 | 00:00:00

Tích cực khống chế

Khác với những thông tin bất lợi tại các địa phương khác, hiện bệnh cúm trên đàn gia cầm Bình Dương không quá ảnh hưởng đến tổng đàn 5,4 triệu con trên toàn tỉnh. Theo thông báo chính thức từ Chi cục Thú y tỉnh, trong thời gian trước và sau Tết Nguyên đán đã xảy ra vài trường hợp gà, vịt chết do virus cúm A/H5N1 tại một số địa phương trong tỉnh.    Đàn gia cầm của Bình Dương được bảo vệ an toàn nhờ những biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả. Trong ảnh: Lực lượng thú y tiêm phòng cúm tại một hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ thuộc phường Phú Hòa, TP.TDM Ảnh: CAO SƠN

Cụ thể, vào ngày 20-1 tại phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một đã có trường hợp một hộ chăn nuôi phát hiện 35 con vịt chết không rõ lý do. Cơ quan thú y sau đó đã mổ lấy mẫu bệnh phẩm trên gia cầm chết xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H5N1 nên đã vận động bà con tiêu hủy thêm hơn 100 con gia cầm khác trên địa bàn phường Phú Hòa. Sau đó, đến ngày 10-2 tại xã Hiếu Liêm (Tân Uyên) người dân cũng trình báo có một hộ nuôi khoảng 110 con gà đã có xảy ra hiện tượng chết bất thường 30 con nên lực lượng thú y đã vận động tiêu hủy ngay.

Đối với 2 trường hợp kể trên, bệnh cúm gia cầm xảy ra ở quy mô hộ gia đình, số lượng gia cầm bị bệnh rất ít và đã được cơ quan chức năng kịp thời tiêu hủy, ngăn chặn sự lây lan của virus ngay từ đầu. Đến nay, đã qua 21 ngày theo thời gian quy định không phát hiện có bệnh tái phát trở lại trên đàn gia cầm ở khu vực.

Trường hợp phát hiện nhiễm cúm A/H5N1 nhiều nhất ở Bình Dương từ đầu năm 2014 đến nay là việc 400 con vịt tại một hộ chăn nuôi thủy cầm ở phường Vĩnh Phú, TX.Thuận An đồng loạt bị chết. Được biết, sau khi nhận được thông báo, cơ quan thú y đã khoanh vùng ổ bệnh, xét nghiệm cho kết quả dương tính với cúm A/H5N1 nên đã vận động chủ đàn vịt tiêu hủy tất cả 744 con vịt còn lại trong đàn. Ngoài ra, trong vòng bán kính 500m từ ổ bệnh, thú y Bình Dương cũng đã vận động 5 hộ dân tiêu hủy thêm 5.300 con gia cầm khác để ngăn chặn sự lây lan của dịch. Ngoài ra, tại xã Phú An (Bến Cát) có trường hợp gà chết do bệnh nhưng mẫu bệnh phẩm khi xét nghiệm không cho thấy sự xuất hiện của cúm A/H5N1.

Ông Trần Phú Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y Bình Dương, cho biết: “Trong thời gian qua, chúng tôi đã cố gắng hết mức có thể để kiểm soát dịch bệnh, ngăn ngừa bệnh cúm lây lan trên quy mô rộng. Nhờ thế, các ổ bệnh cúm gia cầm ngay sau khi được phát hiện đều đã được kiểm soát, cô lập và xử lý triệt để. Ngành thú y Bình Dương nỗ lực hết mình để khống chế dịch bệnh tốt nhất”. Cũng theo ông Cường, trong thời gian qua hàng triệu liều vắc-xin đã được lực lượng thú y tỉnh triển khai tiêm phòng trên diện rộng cho gia cầm ở TP.Thủ Dầu Một, các huyện và thị xã. Công tác tiêu độc, khử trùng cũng được tổ chức rộng rãi. Tuy nhiên, vẫn cần sự nâng cao cảnh giác, không giấu bệnh dịch của người dân trong thời gian tới nhằm hỗ trợ tốt cho các lực lượng tiếp tục kiểm soát dịch.

Cách làm hiệu quả

Theo thống kê, hiện Bình Dương có 5,4 triệu con gia cầm được các doanh nghiệp, người dân chăn nuôi theo nhiều hình thức khác nhau. Trong số này, có đến 80% số gà, vịt được chăn nuôi theo mô hình trang trại lớn, có trang thiết bị hiện đại và các biện pháp phòng chống dịch được thực hiện triệt để. Đối với các trại hở, cơ quan thú y bắt buộc chủ trại phải thực hiện biện pháp tiêm phòng. Sau khi tiêm phòng xong, có giấy chứng nhận thì thú y mới cho phép các trại gà xuất gà thành phẩm ra thị trường tiêu thụ. Đối với trại gà lạnh thì việc tiêm phòng là không bắt buộc. Tuy nhiên, trước khi tiêu thụ sản phẩm, bắt buộc các trại này phải gửi mẫu xét nghiệm và kết luận âm tính với virus cúm mới được xuất chuồng.

Nhập thêm 1,2 triệu liều vắc-xin

Đó là thông báo mới nhất của Chi cục Thú y Bình Dương trong việc tăng cường phòng chống dịch cúm gia cầm trên diện rộng tại Bình Dương. Được biết, đây là số thuốc tăng cường để Bình Dương tiêm mở rộng cho đàn gia cầm nuôi thả lẻ tẻ trong dân cư. Số gia cầm này ước tính khoảng 1,1 triệu con. Tuy nhiên, trước đó hầu hết đã được tiêm phòng định kỳ vào các tháng 3 và tháng 9 hàng năm.

Số thuốc kể trên sẽ được tiêm miễn phí cho gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh. Người dân nuôi gia cầm dưới 2.000 con, ngay khi có nhu cầu tiêm phòng cho gia cầm của mình sẽ phải đến cơ quan thú y địa phương trình báo số lượng, sau đó sẽ được thông báo thời gian tiêm phòng dịch. Riêng đối với các trại gia cầm có quy mô từ 2.000 con trở lên, chủ trại gia cầm phải có trách nhiệm tự bỏ kinh phí tiêm phòng cho đàn gia cầm của mình.

Ngày 6-3, UBND tỉnh đã ban hành liên tiếp 3 văn bản bao gồm: “Kế hoạch phòng chống dịch gia súc, gia cầm”, “Kế hoạch ứng phó dịch cúm gia cầm”, “Phương án phòng chống dịch gia súc, gia cầm”. Cả 3 văn bản đều thể hiện quyết tâm cao độ của Bình Dương trong việc chặn đứng nguy cơ lây lan dịch bệnh trong đàn gia súc, gia cầm, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân. Trong đó, UBND tỉnh cũng quy định trách nhiệm, quyền hạn và các lực lượng, nguồn lực khác nhau cùng tham gia phòng chống, ứng phó trước và sau khi dịch bệnh xảy ra.

Một điểm mới đặc biệt quan trọng của Bình Dương chính là cơ chế thông thoáng của Quyết định số 62/QĐ- UBND ngày 9-1-2012 của UBND tỉnh về việc ban hành định mức kinh phí hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh và các định mức xử lý ổ dịch khác đã thực hiện trước đây. Theo đó, khi có gia cầm bị chết do bệnh, lập tức cơ quan thú y sẽ lấy mẫu bệnh phẩm và đồng thời cho tiêu hủy, có hỗ trợ tiền cho chủ hộ nuôi ngay mà không cần phải chờ kết quả xét nghiệm mẫu thử. Đây chính là cách làm sáng tạo và nhanh chóng phát huy hiệu quả của Bình Dương. Nhờ cơ chế thoáng này mà hàng loạt ổ bệnh đã được phát hiện và ngăn chặn nhanh chóng trong thời gian qua. Chính cách làm mới này đã tiết kiệm chi phí, chặn dịch hiệu quả và được nhiều tỉnh, thành khác học tập, làm theo.

Ông Trần Phú Cường khẳng định: “Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp. Tuy nhiên, Bình Dương nhờ có cơ chế khá thoáng từ UBND tỉnh nên trong những năm qua chúng tôi khống chế dịch khá tốt trong khả năng của mình. Chính vì thế, dù đã phát hiện vài ổ bệnh trên địa bàn tỉnh nhưng người dân cũng không nên quá hoang mang. Điều quan trọng là bà con không nên giấu dịch và đề cao cảnh giác, hợp tác tốt với cơ quan chức năng để cùng kiểm soát dịch bệnh với chúng tôi”.

 KHÁNH VINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên