“Sao họ có quyền xả rác vậy bạn?” - Một lần tôi dẫn người bạn nước ngoài đi thăm một số nơi ở Bình Dương, đến góc ngã tư, có người phát tờ rơi cho người qua đường và nhiều người cầm tờ rơi ấy vô tư thả tờ rơi đầy đường, bạn ấy đã phải thốt lên như vậy. Giật mình nhìn lại, quá nhiều người cho mình quyền làm xấu không gian sống bất kể ở đâu.
Đó là chuyện xả rác ở đường phố, còn những nơi tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao lại càng bị xả rác bừa bãi. Sau một bộ phim, khi đèn trong rạp bật lên cũng là lúc người lao công… vào việc! Bởi ở đó là cả một “bãi chiến trường” rác với vỏ hộp đựng bắp, vỏ lon nước ngọt. Nơi ghế ngồi khi khách xem phim, ca nhạc đi ra thì rác ở lại! Không hiểu sao lại có người tự cho mình quyền xả rác để người khác phải dọn dẹp như thế. Mới đây, việc xả rác quảng cáo lại “tung hoành” ở sân vận động Gò Đậu. Những tấm bảng quảng cáo bất động sản, hàng tiêu dùng bị người ta “dội bom” xuống sân hay ở các hàng ghế khán giả. Nhiều người cảm thấy bực bội khi bỗng dưng ở đâu bay tới những tờ quảng cáo. Họ không nhận lấy và tất nhiên, lại mất công những người lao công dọn dẹp vệ sinh.
Ý thức kém của người dân còn thể hiện ở việc người ta sao mình vậy, tức bắt chước những hành vi xấu. Thế nên mới có cảnh dù đã có đèn xanh đỏ ở giao lộ nhưng vẫn cần cảnh sát giao thông hay những tình nguyện viên đến để điều khiển xe cộ qua lại. Xét kỹ đây là một điều lãng phí, không cần thiết nếu như ai cũng nâng cao ý thức chấp hành luật đi đường.
Từ những việc nhỏ như xả rác hay “xả ý thức kém” để người khác phải “dọn dẹp” hậu quả từ hành vi xấu sẽ làm mất thẩm mỹ, mất giá trị văn hóa trong cuộc sống. Nên chăng, phải thay đổi thói quen từ những việc tưởng như nhỏ này để có được môi trường sống văn minh và lịch sự hơn.
Q.NHƯ