Sân chơi sáng tạo cho trẻ em

Cập nhật: 04-08-2018 | 09:53:03

Nuôi dưỡng ước mơ, tổ chức các hoạt động thực tế, tạo điều kiện để trẻ em có môi trường, cơ hội học tập và nghiên cứu khoa học… mà nhiều đơn vị, tổ chức đã xây dựng và triển khai đã tạo được hiệu ứng tích cực từ phía trẻ em cũng như các bậc phụ huynh.


“Khoa học thực hành” được tổ chức tại trường Đại học Thủ Dầu Một là chương trình đã và đang thu hút nhiều học sinh và phụ huynh tham gia trải nghiệm

Nuôi dưỡng đam mê

Tiến sĩ Phùng Mỹ Trung, nhà nghiên cứu đa dạng sinh học Việt Nam (hiện đang công tác tại Cục Hải quan tỉnh Đồng Nai) đã phối hợp cùng trường Đại học Thủ Dầu Một tổ chức các lớp “khoa học thực hành” tại các phòng thí nghiệm của nhà trường dành cho các em học sinh cấp 1 và cấp 2. Tại chương trình, các em sẽ được tìm hiểu về các chủ đề liên quan đến khoa học và thực hiện các thao tác thực hành trong phòng thí nghiệm đạt chuẩn của trường Đại học Thủ Dầu Một. Cụ thể như các hoạt động thí nghiệm nhận biết sự tồn tại của một chất trong hỗn hợp dung dịch; thí nghiệm quan sát cấu trúc tế bào vảy hành; quan sát hiện tượng co và phản co nguyên sinh ở tế bào biểu bè của cây thài lài tía; tìm hiểu ứng dụng công nghệ sinh học trong việc thu nhỏ vết sẹo, tái tạo da bằng công nghệ nano; thí nghiệm quan sát hiện tượng phân chia của tế bào thực vật; tìm hiểu quá trình nuôi cấy mô thực vật. Bên cạnh đó, nhóm còn tổ chức các chương trình như “Em là kỹ sư tương lai” (chế tạo xe chống ngập), “Nhà vận chuyển tài ba” (thiết kế hệ thống vận chuyển nông sản giúp đồng bào vùng cao), “Kiến trúc sư tương lai” (thiết kế tháp chịu lực), chưng cất tinh dầu, làm son môi sinh học… Toàn bộ chương trình giảng dạy do những giảng viên cơ hữu trường Đại học Thủ Dầu Một trực tiếp hướng dẫn.

Ngoài các chương trình trên, nhóm còn tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa khác như tổ chức các chương trình bảo tồn động vật; tìm hiểu về kỹ thuật trồng nấm… Chia sẻ về các hoạt động này, ông Phùng Mỹ Trung chia sẻ: “Ươm mầm khoa học cho các em không phải chuyện một sớm, một chiều. Nhóm chỉ mong gieo vào lòng con trẻ tình yêu với khoa học thực nghiệm và tìm ra được đam mê của em trong lĩnh vực sinh học phân loại và sinh học phân tử. Chính vì điều này mà những buổi học chỉ cần trang bị kiến thức vừa đủ để tránh cho các cháu cảm thấy khó hấp thụ một lượng kiến thức khổng lồ. Sau các lớp học, chúng tôi nhận được sự tham gia của nhiều gia đình hơn. Các cháu cũng tham gia đầy đủ và rất hào hứng trong học tập, nghiên cứu. Cá nhân tôi luôn nghĩ rằng, sự tò mò và hăng say khám phá những điều mới mẻ chính là chìa khóa để ươm mầm cho một nhà khoa học tương lai”.

Tạo những sân chơi

Mới đây, Tỉnh đoàn cũng đã phối hợp cùng Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức khai giảng khóa học “Kỹ sư tài năng” dành cho các em học sinh. Đây là một sân chơi thú vị dành cho các em lứa tuổi thanh thiếu niên đam mê sáng tạo. Khóa học được định hướng theo mô hình giáo dục STEM. Đó là ứng dụng tích hợp các lý thuyết về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học vào thực tế thông qua hoạt động lắp ráp, lập trình và tương tác với robot. Tại khóa học này, các em học sinh được học những kiến thức cơ bản và bổ ích thông qua các bộ công cụ học tập tiên tiến; các em được thỏa sức lắp ráp robot và sáng tạo các mô hình từ căn bản đến nâng cao với tính ứng dụng cao trong thực tế; hiểu rõ các nguyên lý về chuyển động, tự động hóa, lập trình. “Kỹ sư tài năng” được tổ chức vào các ngày thứ hai, thứ tư, thứ năm, thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Thời gian học gồm 2 buổi/tuần và 12 buổi/khóa học tại Nhà Thiếu nhi tỉnh.

Chị Huỳnh Thanh Nga (phường An Thạnh, TX.Thuận An) tâm sự: “Tôi đã tìm hiểu về phương pháp giáo dục STEM trước khi cho con tiếp cận. Đây là phương pháp hình thành cho học sinh các kỹ năng quan sát, phân tích, tư duy phản biện từ những điều gần gũi, giản dị xung quanh mình như hạt mầm, con chim... hay vật dụng đơn giản như que kem, dây buộc... Phương pháp này giúp con tôi có thói quen đặt câu hỏi, lên kế hoạch và hoàn chỉnh giải pháp cho những vấn đề tự nhận thấy được trong cuộc sống. Mọi kiến thức đều xuất phát chính từ cảm xúc hào hứng, mong muốn khám phá, khơi gợi tò mò, chủ động tìm hiểu, đặt câu hỏi với thế giới xung quanh của học sinh rất thú vị”.

STEM là chữ viết tắt của các môn science (khoa học), technology (công nghệ), engineering (kỹ thuật) và mathematics (toán học). Theo ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, việc đổi mới sáng tạo và giáo dục STEM còn gắn liền với mục tiêu của nền kinh tế đổi mới sáng tạo mà thế giới đang hướng đến. Tại Bình Dương, điều này cũng phù hợp với mục tiêu xây dựng thành phố thông minh và thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Có thể nói, cùng với các trải nghiệm thực tế, Bình Dương hiện đang có một môi trường mở, năng động và thuận lợi cho thanh thiếu niên phát triển sáng tạo. Đầu tư cho trẻ em cũng chính là đầu tư cho một tương lai tốt đẹp của một thành phố Bình Dương thông minh và năng động.

THANH LÊ

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên