Thị trường bán lẻ sau 4 năm mở cửa: Ngày càng sôi động hơn

Cập nhật: 28-12-2012 | 00:00:00

 Hấp dẫn nhà đầu tư

Theo cam kết của Việt Nam với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), ngày 1-1-2009, Việt Nam mở cửa thị trường dịch vụ phân phối bán lẻ cho các doanh nghiệp (DN) 100% vốn nước ngoài. Kể từ đó, thị trường bán lẻ tại Bình Dương sôi động hẳn lên với sự tham gia của nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Đầu tiên là Tập đoàn Metro Cash & Carry đưa siêu thị Metro Bình Dương tại TP.TDM vào hoạt động năm 2010; tiếp đó Tập đoàn Big C cũng đầu tư xây dựng và đưa Siêu thị Big C tại TP.TDM vào hoạt động năm 2012. Đánh giá cao thị trường bán lẻ Bình Dương, Big C cũng đang xây dựng thêm một siêu thị hiện đại tại TX.Dĩ An. Một trong những tập đoàn bán lẻ hàng đầu Hàn Quốc là Lotte cũng đang đầu tư siêu thị Lotte Mart tại Charm Plaza Sóng Thần tại ngã tư 550 TX.Dĩ An. Theo đại diện Lotte cho biết, dự án có vốn đầu tư 7 triệu USD với quy mô xây dựng 12.500m2 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2013.    Tập đoàn Big C đã có mặt tại Bình Dương. Trong ảnh: Siêu thị Big C TP.TDM

Quan tâm đến thị trường bán lẻ Việt Nam nói chung và Bình Dương nói riêng, trong năm 2012, Tập đoàn Aeon nổi tiếng của Nhật Bản đã được cấp phép đầu tư vào tỉnh với vốn lên đến 95 triệu USD. Theo đó, Aeon sẽ xây dựng khu phức hợp dịch vụ thương mại với quy mô hơn 6,2 ha tại TX.Thuận An. Theo đại diện Tập đoàn Aeon, dự án tại Bình Dương được xây dựng 3 tầng với tổng diện tích xây dựng lên đến 75.000m2; trong đó diện tích kinh doanh 45.000m2; khi hoàn thành đi vào hoạt động, dự án này sẽ tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động.

Ngoài các nhà đầu tư trên, hiện nay nhiều nhà đầu tư nước ngoài vẫn thường xuyên đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ tại Bình Dương. Sở dĩ Bình Dương được các nhà bán lẻ quan tâm là do có nhiều tiềm năng. Ông Yasuo Nishitohge, Giám đốc Công ty TNHH Aeon Việt Nam - Chi nhánh Bình Dương, cho biết: “Bình Dương có sự phát triển mạnh mẽ và môi trường đầu tư thuận lợi nên chúng tôi chọn nơi đây để triển khai dự án. Triết lý kinh doanh của chúng tôi là gắn với cộng đồng và đóng góp cho địa phương. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển thị trường bán lẻ, tăng tỷ lệ nội địa hóa và đẩy mạnh sản xuất và xuất khẩu của nhiều DN khác tại Bình Dương nói riêng và Việt Nam nói chung”.

DN phát huy lợi thế

Trước đây, khi mở cửa thị trường bán lẻ, nhiều quan ngại đặt ra là các nhà bán lẻ trong nước sẽ “lép vế” và khó tồn tại được trước các nhà bán lẻ hàng đầu thế giới. Tuy nhiên, qua 4 năm mở cửa điều dễ dàng nhận thấy là các nhà bán lẻ trong nước ngày càng phát triển và khẳng định thương hiệu. Cụ thể, trước năm 2009 Vinatex chỉ có vài siêu thị tại TP.TDM và các thị xã, nhưng hiện nay đã mở rộng ra các huyện. Riêng trong năm 2012, Vinatex tiếp tục đưa vào hoạt động siêu thị thứ 2 trên địa bàn Bến Cát nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân. Tương tự, Co.op Mart với chiến lược hợp lý đã có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng Bình Dương.

“Với hơn 1,7 triệu dân và sức mua trẻ, cùng khoảng 15.000 DN trong và ngoài nước đang hoạt động, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt trên 75.000 tỷ đồng/năm, Bình Dương được đánh giá là địa bàn cực kỳ hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ. Điều này cũng dễ dàng nhận thấy khi hàng chục nhà bán lẻ trong nước đã đầu tư vào Bình Dương trước cả DN nước ngoài, trong đó có nhiều nhà bán lẻ đã thành công, như: Vinatex, Co.op Mart, Citi Mart, BD Mart và một số nhà bán lẻ chuyên ngành...”

Về phía các DN sản xuất, mở cửa thị trường bán lẻ là có sự cạnh tranh gay gắt trên sân nhà, nhưng trong thách thức có cơ hội. Ông Lý Ngọc Minh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Minh Long I, cho biết vào những năm 1995-1996, tỷ lệ hàng hóa xuất khẩu của Minh Long I chiếm đến 98%, nhưng hiện nay hàng hóa của Minh Long I bán ra tại thị trường trong nước ổn định với doanh số chiếm đến 75%. Mở cửa thị trường như tháo rào cản, sản phẩm của nhiều tập đoàn ở châu Á, châu Âu cùng lĩnh vực gốm sứ vào Việt Nam nhiều hơn nhưng bằng hướng đi hợp lý thông qua việc xây dựng chuỗi cửa hàng, đại lý cũng như đưa sản phẩm vào các siêu thị, Minh Long I đã khẳng định ưu thế của mình ở thị trường nội địa.

Có thể nói, sau 4 năm mở cửa, thị trường bán lẻ ngày càng sôi động hơn. Thực tế tại Bình Dương, khi có sự tham gia của nhiều nhà bán lẻ trong và ngoài nước “chiếc bánh” thị phần không bị chia nhỏ mà đang phình to nhờ tác động tích cực đến kích cầu tiêu dùng, làm gia tăng sức mua. Năm 2012, mặc dù tình hình không thuận lợi nhưng doanh thu kinh doanh thương mại tại Bình Dương vẫn tăng 30,6% so với năm trước. Từ đó, tạo ra nhiều cơ hội cho DN sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, trước sự cạnh tranh và đào thải, tiến sĩ Đinh Thị Mỹ Loan, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, lưu ý DN trong nước nếu phát huy tốt các yếu tố về tâm lý tiêu dùng, hiểu về tập quán và thị hiếu mua sắm thì sẽ đứng vững và có nhiều ưu thế trong điều kiện mở cửa thị trường.

T.MINH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=441
Quay lên trên