Tinh thần Hiến pháp và tư tưởng Hồ Chí Minh

Cập nhật: 12-02-2014 | 00:00:00

Hiến pháp 2013, Điều 4 ghi: “1. Đảng Cộng sản Việt Nam - Đội tiên phong của giai cấp công nhân, đồng thời là đội tiên phong của Nhân dân (ND) lao động và của dân tộc Việt Nam, đại biểu trung thành lợi ích của giai cấp công nhân, ND lao động và của cả dân tộc, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng, là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. 2. Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật thiết với ND, phục vụ ND, chịu sự giám sát của ND, chịu trách nhiệm trước ND về những quyết định của mình. 3. Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.  

Báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Năm 2013, Bình Dương được đánh giá là một trong những địa phương của cả nước đã triển khai có hiệu quả các chính sách về thực hiện chương trình mục tiêu xóa đói, giảm nghèo. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo từ đầu năm 2013 ở Bình Dương là 1,36% được kéo xuống còn 0,79% vào cuối năm. Trong ảnh: Thực hiện việc điện khí hóa nông thôn theo 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã An Sơn, TX.Thuận An.

Với hiến định này, từ điểm nhấn “tư tưởng Hồ Chí Minh làm nền tảng tư tưởng”, có thể tái khẳng định như nội dung của Hiến pháp 2013, Điều 8: “1. Nhà nước được tổ chức và hoạt động theo Hiến pháp và pháp luật, quản lý xã hội bằng Hiến pháp và pháp luật, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. 2. Các cơ quan Nhà nước, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng ND, tận tụy phục vụ ND, liên hệ chặt chẽ với ND, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của ND; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền”.

“Việc gì có lợi cho dân thì làm”

Tư liệu cho biết: Ngay sau ngày đọc Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh ở cương vị Chủ tịch Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có một tuyên bố rõ ràng cho các nhân viên bộ máy Nhà nước: “Chính phủ ND bao giờ cũng phải đặt quyền lợi của dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh” (báo Cứu Quốc, số 46, 19-9- 1945). Điều khẳng định này được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc lại nhiều lần trong các bài viết, bài nói của mình, tại nhiều cuộc gặp gỡ, trò chuyện với các “công bộc, đầy tớ” của dân. Chưa đầy một tháng sau bài viết chứa đựng tuyên bố này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có ngay một bài viết khác đặt ra câu hỏi “Sao cho được lòng dân?” để giáo dục cán bộ.

Sau khi nêu lên hiện tượng có một số ông chủ tịch, vị ủy viên các ủy ban địa phương bị dân ghét vì cậy thế cậy quyền, làm nhiều việc quá tệ, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Muốn cho dân yêu, muốn được lòng dân, việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh. Phải chú ý giải quyết hết các vấn đề dầu khó đến đâu mặc lòng, những vấn đề quan hệ tới đời sống của dân. Phải chấp đơn, phải xử kiện cho dân mỗi khi người ta đem tới. Phải chăm lo việc cứu tế nạn nhân cho chu đáo, phải chú ý trừ nạn mù chữ cho dân. Nói tóm lại, hết thảy những việc có thể nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của dân phải được ta đặc biệt chú ý” (báo Cứu Quốc, số 65, 12-10-1945). Nói vậy mà vẫn chưa yên tâm nên chưa tới một tuần sau, Chủ tịch Hồ Chí Minh lại có một thư gửi UBND các kỳ, tỉnh, huyện và làng, trong đó Chủ tịch nhắc lại việc phải làm và phải tránh đối với dân, đồng thời chỉ ra những “lỗi lầm rất nặng nề” của các nhân viên bộ máy chính quyền, đó là: trái phép, cậy thế, hủ hóa, tư túng, chia rẽ, kiêu ngạo (báo Cứu Quốc, số 69, 17-10-1945).

Chỉ cần lướt qua danh mục các bài viết của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong quãng thời gian vài tháng từ sau ngày 2-9- 1945, dễ dàng nhận thấy rõ một điều, đó là tất cả suy tư, trăn trở của vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều hướng tới việc “Sao cho được lòng dân”. Chủ tịch lo sợ nhất là những người cách mạng khi có chính quyền trở thành “quan cách mạng” làm hại dân hại nước. Những lời này ngót 70 năm trước vẫn còn thời sự cấp bách cho hiện nay.

“Sao cho được lòng dân?”

Hiến pháp 2013, Điều 7 ghi: “1. Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. 2. Đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng ND bị cử tri hoặc Quốc hội, Hội đồng ND bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của ND”.

Yêu cầu “xứng đáng với sự tín nhiệm của ND”, có thể hiểu là cần làm sao cho được lòng dân. Thời gian qua, con số thống kê được công bố từ cơ quan chức năng cho thấy nhiều chính sách còn xa thực tế, xa cuộc sống, chưa xuất phát từ nguyện vọng, lợi ích của người dân. Hàng loạt sự việc xảy ra, liên quan, ảnh hưởng xấu đến đời sống và tính mạng của người dân - như việc tiêm phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông.... Trong khi đó, người dân lại bị cuốn vào những “phi vụ” chỉ có ở Việt Nam như gom đỉa, lá điều khô, rễ cây tiêu, quả dừa khô... để bán cho thương lái Trung Quốc, mà chưa được một cơ quan “chính danh” nào có trách nhiệm trong hướng dẫn, giúp đỡ.

Nghị quyết Trung ương 7 (khóa XI) chỉ ra rằng “thực tiễn hiện nay đòi hỏi Đảng cần tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo đối với công tác dân vận, củng cố vững chắc niềm tin của ND đối với Đảng, tăng cường mối liên hệ giữa Đảng với dân”. Mục tiêu đặt ra là phải “củng cố vững chắc lòng tin của ND đối với Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với ND” (Nghị quyết Trung ương 7, khóa XI).

Lịch sử để lại nhiều bài học quý giá và tất cả đều xoay quanh chữ “dân”. Một trong những bài học quan trọng nhất của lịch sử là “có dân là có tất cả”. Bác viết: “Kinh nghiệm trong nước và các nước cho chúng ta biết: có lực lượng dân chúng việc to tát mấy, khó khăn mấy làm cũng được. Không có, thì việc gì làm cũng không xong... Dân chúng đồng lòng, việc gì làm cũng được. Dân chúng không ủng hộ, việc gì làm cũng không nên”. Trên cơ sở nhận thức đó, hệ luận rút ra là: “Cách xa dân chúng, không liên hệ chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại” (Hồ Chí Minh: toàn tập, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, trang 5, trang 286).

Bài học “được lòng dân” mang giá trị lớn, vĩnh hằng. Bởi vì “trong thế giới không gì mạnh bằng sức mạnh đoàn kết của ND”. Lực lượng của dân chúng nhiều vô cùng. Tai mắt họ nhiều, việc gì họ cũng nghe, cũng thấy. Mọi hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đều phải thấm nhuần nguyên lý: “Có dân là có tất cả”. Bác dạy rằng “sự lãnh đạo trong mọi công tác thiết thực của Đảng, ắt phải từ trong quần chúng ra, trở lại nơi quần chúng”. Tất cả những điều này đã được vận dụng và hiến định rõ ở Hiến pháp 2013.

NGUYỄN CAO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=410
Quay lên trên