Nhằm cổ vũ tinh thần thanh niên thi đua lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng, tổ chức Đoàn - Hội trên địa bàn huyện Bắc Tân Uyên đã tạo điều kiện, khuyến khích thanh niên chủ động sáng tạo; phát huy những sáng kiến và ứng dụng tiến bộ khoa học vào tăng gia sản xuất để phát triển kinh tế gia đình.
Với phương châm đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp, mọi hoạt động của Đoàn - Hội huyện Bắc Tân Uyên đều xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của thanh niên. Thời gian qua, tổ chức Đoàn - Hội trên địa bàn huyện đã tạo điều kiện cho đoàn viên, hội viên thanh niên làm kinh tế gia đình, vươn lên trong cuộc sống bằng các hình thức khác nhau; trong đó có các nguồn vốn vay 120, vốn hộ nghèo, giải quyết việc làm, vốn nước sạch vệ sinh môi trường, vốn tự giúp nhau, tổ tương trợ vốn…
Đoàn viên, hội viên thanh niên huyện Bắc Tân Uyên tìm hiểu mô hình chăn nuôi thỏ của chị Võ Thị Thu Mười ở ấp 3, xã Tân Bình
5 năm qua, đoàn viên và hội viên thanh niên trên địa bàn huyện còn hỗ trợ nhau hơn 1.400 ngày công và 4.980 cây con giống với tổng số tiền hơn 2,4 tỷ đồng. Tổ chức Đoàn - Hội phối hợp với Hội Nông dân, Hội Khuyến học tổ chức được 15 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật ứng dụng vào sản xuất, chăn nuôi cho hơn 500 đoàn viên, hội viên thanh niên. Mặt khác, Tổ chức Đoàn - Hội phối hợp với chủ trang trại tổ chức cho đoàn viên thanh niên tham quan học tập mô hình trồng cây ăn trái, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất kinh tế được 50 buổi. Qua đó, Đoàn - Hội các xã, thị trấn cũng đã thành lập được 8 câu lạc bộ thanh niên làm kinh tế giỏi, 2 tổ hợp tác thanh niên trồng cây có múi với 114 thành viên.
Thông qua các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, chương trình tham quan mô hình kinh tế đã khơi nguồn cảm hứng khởi nghiệp và cung cấp nhiều kiến thức bổ ích cho thanh niên trên địa bàn huyện làm kinh tế. Chị Võ Thị Thu Mười (ấp 3, xã Tân Bình) là một điển hình. Yêu thích loài thỏ nên chị Mười lúc đầu chỉ nuôi vài con trong nhà. Sau nhiều lần tham gia các lớp tập huấn nuôi thỏ do Đoàn - Hội địa phương phối hợp tổ chức, chị đã mạnh dạn mua con giống về nuôi làm kinh tế. Ban đầu, chị chịu khó tìm tòi kiến thức, học hỏi trên các kênh thông tin để biết cách chọn giống, chăm sóc khi thỏ bệnh, đầu tư chuồng nuôi và các thức ăn cho thỏ.
Chị Mười chia sẻ: “Trong quá trình nuôi, Đoàn - Hội địa phương đã hỗ trợ về vốn vay và tạo điều kiện tham gia các lớp bổ sung kiến thức chăn nuôi, giúp tôi thực hiện mô hình hiệu quả. Hiện đàn thỏ của tôi đã có 200 con. Đầu ra của thỏ ổn định, giúp tôi yên tâm tăng gia sản xuất, có thêm thu nhập và phát triển kinh tế gia đình”. Được biết, trong vai trò là thành viên Câu lạc bộ Thanh niên sản xuất, kinh doanh giỏi của xã, chị Mười đã cùng với đoàn viên, hội viên duy trì sinh hoạt câu lạc bộ, cùng trao đổi kinh nghiệm về chăn nuôi như: Kỹ thuật chăn nuôi thỏ, nuôi heo rừng lai…
Anh Đỗ Ngọc Lợi, Phó Bí thư Huyện đoàn Bắc Tân Uyên cho biết: “Là địa phương có thế mạnh phát triển nông nghiệp, Đoàn - Hội địa phương tiếp tục tập trung thực hiện công tác đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp; phối hợp tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tham quan mô hình hay, sản xuất, kinh doanh giỏi để hội viên và thanh niên học tập. Bên cạnh đó, tổ chức Đoàn - Hội địa phương sẽ thực hiện hỗ trợ dự án sáng tạo khởi nghiệp cho thanh niên, phối hợp các ngành hỗ trợ cho thanh niên vay vốn phát triển kinh tế gia đình; hàng năm tổ chức hội thi tuổi trẻ sáng tạo trong thanh niên; tăng cường các hoạt động học tập, trao đổi những mô hình, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh làm giàu. Tổ chức Đoàn - Hội cấp huyện, xã cũng sẽ cóhình thức biểu dương, tôn vinh những điển hình làm kinh tế giỏi; cổ vũ động viên hội viên, thanh niên tích cực tham gia các dự án phát triển kinh tế địa phương” .
KIM TUYẾN