Tự hào tiếp bước truyền thống vẻ vang

Cập nhật: 01-08-2016 | 09:00:29

Trải qua lịch sử 86 năm xây dựng và trưởng thành, cơ quan chuyên trách làm công tác tuyên giáo của Đảng đã có những tên gọi khác nhau và có những lần chia tách, hợp nhất cho phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi giai đoạn cách mạng. Nhưng trong bất cứ giai đoạn nào, lĩnh vực tuyên giáo cũng luôn giữ vị trí quan trọng hàng đầu trong công tác lãnh đạo của Đảng.

Ngay từ khi mới ra đời, Đảng ta đã rất quan tâm đến công tác tư tưởng, công tác tuyên truyền và sớm thành lập cơ quan lãnh đạo công tác tư tưởng. Tài liệu sớm nhất đã tìm được do Ban Cổ động tuyên truyền của Đảng ấn hành là tài liệu tuyên truyền Ngày Quốc tế đỏ 1-8-1930. Trên cơ sở những tài liệu và sự kiện này, năm 2000, Bộ Chính trị Trung ương Đảng khóa VIII đã quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm ngày truyền thống của công tác tư tưởng - văn hóa của Đảng. Năm 2007, sau khi Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương và Ban Khoa giáo Trung ương hợp nhất thành Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) quyết định lấy ngày 1-8 hàng năm làm Ngày truyền thống công tác Tuyên giáo của Đảng.


Các cựu cán bộ làm công tác Tuyên giáo Thủ Dầu Một - Sông Bé - Bình Dương trong buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 65 năm ngày thành lập Ban Tuyên huấn tỉnh Thủ Dầu Một (10.5.1949 - 10.5.2014). Ảnh: QUỐC CHIẾN

Công tác tư tưởng đã góp phần quan trọng vào việc hình thành cương lĩnh, đường lối chính trị đúng đắn của Đảng, đề ra những khẩu hiệu hành động đúng lúc và sát hợp với nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng, truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối chính trị của Đảng, của Nhà nước thành hành động tự giác của hàng triệu triệu quần chúng, đưa cách mạng Việt Nam giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Công tác tư tưởng cũng góp phần đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ các thế hệ cán bộ trung kiên, có đức, có tài, có tâm của Đảng và Nhà nước để từ đội ngũ này mà giáo dục, giác ngộ, tập hợp, tổ chức, cổ vũ, động viên quần chúng tiến hành các hoạt động cách mạng, đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chống lại sự tấn công của lực lượng thù địch và các phần tử cơ hội chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng.

Với những cống hiến xuất sắc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và Huân chương Độc lập hạng Ba; được Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh tặng cờ thi đua và nhiều bằng khen. Đây là thành tích chung của ngành tuyên giáo tỉnh Bình Dương, là công sức đóng góp của các thế hệ cán bộ tuyên giáo qua các thời kỳ.

Trong suốt 86 năm chiến đấu, xây dựng, trưởng thành, Đảng ta luôn coi công tác tuyên giáo là mặt trận hàng đầu, là một bộ phận cấu thành quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng và của chế độ. Tuy tên gọi, cơ cấu tổ chức ngành tuyên giáo có những thay đổi qua các thời kỳ lịch sử, nhưng chức năng tham mưu chiến lược cho Đảng trên mặt trận tư tưởng, lý luận, văn hóa, khoa học, giáo dục, y tế… về cơ bản là thống nhất và xuyên suốt; truyền thống vẻ vang của ngành vẫn được giữ vững và phát huy.

Cùng với bối cảnh chung của đất nước, công tác tuyên huấn tỉnh Bình Dương đã sớm được hình thành và góp phần quan trọng thúc đẩy phong trào cách mạng tỉnh nhà. Ngày 10-5-1949, Ban Tuyên huấn tỉnh Thủ Dầu Một được thành lập theo Chỉ thị của Xứ ủy Nam bộ. Ban Tuyên huấn là 1 trong 3 ban chuyên môn trực thuộc cấp ủy. Trong hoàn cảnh hết sức khó khăn về phương tiện vật chất nhưng ngành tuyên huấn của tỉnh ngay từ khi ra đời đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng Đảng về mặt chính trị tư tưởng, góp phần động viên tư tưởng và tinh thần quân dân địa phương trong suốt thời kỳ kháng chiến.

Sau ngày thống nhất đất nước, ngành tuyên huấn tỉnh được kiện toàn tổ chức, tiếp tục thực hiện nhiệm vụ trong giai đoạn cách mạng mới. Ban Tuyên huấn đưa cán bộ sang thành lập thêm một số cơ quan như: Phân xã Thông tấn xã Việt Nam, Ty Thông tin văn hóa, Ty Giáo dục, Tòa soạn báo, Đài PT-TH, Trường Đảng. Trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ đầy khó khăn gian khổ, ngành tuyên huấn của tỉnh không những làm tròn nhiệm vụ chuyên môn mà còn trực tiếp chiến đấu trên chiến trường.

Hiện nay, nội dung hoạt động của Ban Tuyên giáo rộng hơn Ban Tuyên huấn cũ do có sự sáp nhập của Ban Tuyên huấn; Khoa giáo và công tác nghiên cứu lịch sử Đảng. Từ ngày thành lập đến nay, Ban Tuyên huấn Thủ Dầu Một rồi Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Sông Bé - Bình Dương đã không ngừng vươn lên về mặt tổ chức và nghiệp vụ chuyên môn, đáp ứng và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ của cấp ủy địa phương và của cấp trên giao. Những thành tích nổi bật của ngành tuyên giáo Bình Dương đã góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh nhà, đưa Bình Dương từ một tỉnh nghèo có kết cấu hạ tầng yếu kém và ở điểm xuất phát thấp về trình độ phát triển kinh tế trở thành một trong những địa phương phát triển kinh tế năng động và hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả.

Trong thời gian tới, để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới, ngành tuyên giáo xác định phải tập trung phát huy ưu điểm, thành tích đã đạt được, khắc phục hạn chế, thiếu sót, bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị, tập trung tuyên truyền, tạo không khí sôi nổi trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân hăng hái thi đua thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội các cấp đã đề ra. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên giáo không ngừng lớn mạnh, vững về chính trị, giỏi về chuyên môn và trưởng thành theo mỗi bước đi lên của sự nghiệp cách mạng; luôn xứng đáng là những chiến sĩ tiên phong trên mặt trận tư tưởng văn hóa, đấu tranh không mệt mỏi vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

Qua lịch sử 86 năm, ngành tuyên giáo đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật đóng góp quan trọng vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ, xây dựng và đổi mới đất nước; giáo dục, tuyên truyền và bảo vệ tính đúng đắn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước, xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Nhân kỷ niệm 72 năm, ngày 1-8-2002, ngành tuyên giáo đã được Nhà nước tặng phần thưởng cao quý “Huân chương Sao vàng”.

 

ĐÌNH HẬU (tổng hợp)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên