Vẫn loay hoay câu chuyện tiềm năng!

Cập nhật: 14-06-2012 | 00:00:00

Gần như năm nào cũng có diễn đàn, hội thảo xoay quanh nội dung tận dụng sức mạnh của một đất nước có biên giới đường biển hơn 3.260km và hơn 3.000 đảo lớn, nhỏ... Tuy nhiên cho đến nay, câu chuyện vẫn cứ xoay quanh tiềm năng mà chưa trở thành hiện thực, cho dù đó là những vấn đề nhỏ nhất như hạ tầng nghề cá!

Tại diễn đàn “Thương hiệu biển Việt Nam lần thứ IV” với chủ đề “Tiềm năng kinh tế và sinh thái môi trường các đảo, quần đảo Việt Nam” vừa diễn ra vào thượng tuần tháng 6 tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, câu mà người dự hội thảo được nghe nhiều nhất vẫn là: “Tiềm năng tài nguyên trên đảo và các vùng nước ven đảo của nước ta rất phong phú, là điều kiện và yếu tố quan trọng cho sự phát triển kinh tế biển...”, cho thấy hội thảo lần này vẫn tiếp tục sa đà vào những bàn luận cấp vĩ mô. Còn vấn đề triển khai cụ thể ra sao để khai thác tiềm năng thì qua 3 kỳ hội thảo vẫn chưa thấy được đề cập, phân tích thấu đáo; được hay chưa... Cụ thể cần làm gì và bao giờ sẽ làm xong? Đó là câu hỏi chưa có câu trả lời tại diễn đàn. Và cũng khá bất ngờ ở diễn đàn khi TS Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, đưa ra đề xuất: “Trong thời gian tới, chúng ta rất cần xây dựng một số Trung tâm dịch vụ hậu cần ở các cụm đảo phục vụ khai thác hải sản xa bờ”, càng bộc lộ cái yếu kém, bởi ngay cả chuyện rất đỗi bình thường này - Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá - đến nay vẫn là điều mong mỏi sớm được thực hiện!

Có thực sự lắng nghe và thực hiện là “câu hỏi thầm” của những người tham dự khi diễn đàn kết thúc. Bởi thêm một lần nữa những người tham dự hội thảo lại ngạc nhiên vì mặc dù ở cương vị là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về việc xây dựng kế hoạch và kêu gọi vốn đầu tư, song tại diễn đàn, đại diện Vụ Quản lý các khu kinh tế - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lại nhìn nhận quá trình phát triển các khu kinh tế biển còn một số vấn đề bất cập như chất lượng quy hoạch chưa tốt, phát triển quá nhanh về số lượng, đầu tư dàn trải, cơ cấu đầu tư chưa hợp lý. Trong đó, vấn đề bất cập chủ yếu vẫn là các khu kinh tế hiện vẫn chủ yếu dựa vào ngân sách Trung ương, trong khi nguồn lực của Nhà nước có hạn và phải phân bổ nhiều cho các khu kinh tế, chưa huy động nhiều các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển khu kinh tế. Trong khi đó, đúng ra cơ quan này phải “dũng cảm” nhìn lại vì sao cho đến nay về mặt quy hoạch chiến lược phát triển các khu kinh tế biển vẫn chưa rõ ràng; cơ chế, chính sách riêng để huy động các nguồn vốn đầu tư cho các khu kinh tế biển vẫn chưa được xây dựng...

Có thể nói chính những băn khoăn trên đã giải thích cho chuyện vì sao hiện nay Việt Nam có đến 15 khu kinh tế ven biển nhưng chưa khu nào thực sự được xem là khu kinh tế đúng nghĩa; chưa được giới đầu tư quốc tế quan tâm, nhất là các công ty đa quốc gia. Các khu kinh tế hiện vẫn chủ yếu dựa vào nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước và các tập đoàn kinh tế quốc doanh. Trong khi mục tiêu chính của các khu kinh tế là tạo lực hút mạnh các nhà đầu tư quốc tế, các nhà đầu tư kinh tế cho khu vực.

THẢO VY

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=207
Quay lên trên