Tiết kiệm chi phí sản xuất, hạ giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm là chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp (DN). Bởi vậy, các DN đã phát động phong trào thi đua lao động giỏi, sáng tạo và được nhiều cán bộ, công nhân lao động (CNLĐ) miệt mài thử nghiệm cho ra những sáng kiến hữu ích. Đó cũng là cách để những CNLĐ yêu nghề thể hiện năng lực của bản thân, gặt hái thành công.
Nguyễn Thị Hải: Nhiệt tình “truyền nghề”
Chị Nguyễn Thị Hải, sinh năm 1972 là giám đốc sản xuất bộ phận nhà máy Thủ Đức Công ty TNHH Triumph International Việt Nam (TX.Dĩ An). Chị đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả trong quá trình vận hành và điều phối nhà máy Thủ Đức. Chị luôn giúp đỡ, hướng dẫn đồng nghiệp hoàn thành tốt công việc được giao. Với tinh thần ham học hỏi, nhiệt tình giúp đỡ CN trẻ, chị đã giúp cho năng suất nhà máy đạt mức cao, ổn định, hoàn thành chỉ tiêu do ban giám đốc đề ra, tiết kiệm được nhiều chi phí cho công ty. Đặc biệt, nhờ sự cộng tác và hỗ trợ nhiệt tình của chị, các phong trào và những chương trình hỗ trợ cho CN của công đoàn công ty được đến với CN nhanh và trọn vẹn.
Chị Hải bộc bạch, khi mới vào nghề, chị luôn nhận được sự nhiệt tình hướng dẫn và yêu cầu cao trong quá trình thực hiện công việc của đồng nghiệp đi trước. Chính sự khắt khe đó đòi hỏi chị phải nỗ lực nhiều hơn để nâng cao tay nghề. “Tôi thực sự biết ơn thế hệ đi trước và thấy mình cần có trách nhiệm khơi ngọn lửa yêu nghề ấy cho cánh thợ trẻ. Muốn “truyền lửa” thì chính mình phải yêu nghề, giúp đỡ các em bằng cái tâm, lòng nhiệt huyết. Đối với các bạn trẻ không nên bằng mọi giá phải trở thành cử nhân, kỹ sư mà học nghề cũng là bước lập nghiệp vững chắc nếu các bạn quyết tâm trở thành người thợ có tay nghề cao. Tôi luôn tâm niệm đừng làm thợ kém, hãy là thợ giỏi. Thầy kém không bằng thợ giỏi”, chị Hải nói.
Nguyễn Giang Nam: Yêu nghề, nghề không phụ
Anh Nguyễn Giang Nam, sinh năm 1983, hiện đang là CN Công ty Cổ phần Sản xuất hàng gia dụng Quốc tế (TX.Dĩ An). Với bản chất chịu khó ham học hỏi, anh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao như: Bảo trì vệ sinh dao sachet; tham gia hỗ trợ đào tạo nhân viên mới vận hành máy sachet; thực hiện kiểm tra ngàm ép máy sachet bằng giấy than hàng tuần… bảo đảm máy móc luôn trong tư thếsẵn sàng đáp ứng sản xuất liên tục. Anh còn thực hiện công tác bảo trì đạt 100%, góp phần giảm thiểu dừng máy do sự cố; tham gia vào đội an toàn, PCCC của nhà máy.
Ngoài ra, anh Nam còn có ý tưởng thay thế chuyển đổi dao cắt, giúp cho công tác bảo trì vệ sinh dao máy sachet hàng tuần giảm đi 50% thời gian thực hiện. Được hỏi về bí quyết trong công việc, anh Giang Nam nói: “Tôi may mắn được làm việc mình yêu thích nên đã phát huy được sở trường. Tôi nghĩ ở cương vị nào mình cũng luôn phải cố gắng, không phân biệt là CN hay kỹ sư. Công việc đã cho tôi vị trí, hiểu biết xã hội, thu nhập… thiết nghĩ dù khó khăn đến đâu cũng phải luôn yêu nghề, làm thật tốt công việc, nghề sẽ không phụ mình”.
Nguyễn Phú An: Không nên “đứng núi này trông núi nọ”
Nhắc đến anh Nguyễn Phú An (SN 1983), nhân viên quản lý chất lượng của Công ty TNHH Điện tử Foster Việt Nam (KCN VSIP II, TP.Thủ Dầu Một) được mọi người trong công ty nhận xét là người tận tâm về chuyên môn, có nhiều sáng kiến hay trong sản xuất và nhiệt tình với các phong trào của đơn vị.
Anh Nguyễn Phú An đã góp ý tưởng cho dự án cải thiện hàng lỗi tính năng của sản phẩm tai nghe, giúp công ty tiết kiệm chi phí sản xuất hơn 11.000 đô la Mỹ/ngày; đóng góp ý tưởng để tối ưu quy trình sản xuất sản phẩm tai nghe, giúp công ty tiết kiệm chi phí sản xuất 558 đô la Mỹ/ngày; đào tạo kiến thức cho hơn 1.000 quản lý sản xuất của công ty nhằm nâng cao kỹ năng trong công việc. Phú An thẳng thắn góp ý: “Nhiều bạn trẻ hiện nay không thực sự say mê, hết lòng vì công việc. Luôn có tư tưởng làm cho hết giờ và nhất là có những bạn “đứng núi này trông núi nọ”, sau khi nghỉ việc thấy tiếc rồi trở lại xin vào làm việc. Đã xác định làm CN thì phải coi công việc ấy gắn với cả cuộc đời mình. Phải biết yêu lao động, biết yêu cuộc sống và chính ngành nghề mình đang làm thì mới có được thành công”.
THIÊN LÝ