Ab Dol A Zid khéo vận động người dân xây dựng nông thôn mới

Cập nhật: 04-12-2018 | 07:35:49

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), công tác vận động đóng vai trò quan trọng, nhất là đối với khu vực nông thôn có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Ở ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, nhờ cách làm dân vận khéo của anh Ab Dol A Zid (ảnh), đồng bào dân tộc Chăm đã hiểu được ý nghĩa, mục đích của chương trình, từ đó cùng chung tay thực hiện.

Khi chúng tôi đến ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng, hỏi về Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững, một số gia đình cho biết trước đây họ chưa biết nhiều về chương trình này. Nhưng hiện nay, bà con cộng đồng dân tộc Chăm ở đây, ai cũng đều biết rõ mục đích và ý nghĩa của chương trình cũng như những việc cần phải làm. Điều này có sự đóng góp lớn trong công tác tuyên truyền, vận động của anh Ab Dol A Zid, một thanh niên có uy tín trong đồng bào dân tộc Chăm.

Anh Ab Dol A Zid là thanh niên thuộc diện hộ nghèo, cùng gia đình đến xã Minh Hòa, huyện Dầu Tiếng lập nghiệp vào khoảng hơn 20 năm trước. Đời sống của cộng đồng người Chăm ở xã Minh Hòa còn nhiều khó khăn do tập quán sản xuất nông nghiệp lạc hậu. Tại đây có 102 hộ gia đình dân tộc Chăm, với 428 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu bằng nghề cạo mủ cao su, đa phần là cạo mướn. Một số ít tự trồng cây, chăn nuôi, đánh bắt cá hoặc làm thuê. Do đó, việc vận động bà con xây dựng NTM là một việc không hề đơn giản. Anh Ab Dol A Zid là một thanh niên tích cực tham gia các phong trào Đoàn, Hội, tham dự các lớp tập huấn các chương trình khuyến nông, lâm, thủy sản, chuyển giao khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng. Nhờ đó, qua các buổi tập huấn, anh nắm vững kiến thức, đồng thời tuyên truyền, vận động bà con xóa bỏ các phong tục, tập quán sản xuất lạc hậu để áp dụng khoa học kỹ thuật cao vào sản xuất. Bên cạnh đó, anh thường xuyên phối hợp cùng các ban ngành, đoàn thể của xã tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như các quy định của địa phương đến đồng bào dân tộc Chăm ở địa phương.

Đồng bào Chăm có nhiều phong tục tập quán, tiếng nói riêng, nhưng luôn mong muốn có sự gắn kết giữa các dân tộc, anh Ab Dol A Zid cũng thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con đồng bào Chăm đoàn kết với các dân tộc khác, cùng chung tay xây dựng NTM, đặc biệt là trong giải tỏa đền bù, hiến đất làm đường giao thông nông thôn. Anh đã trực tiếp vận động bà con hiến đất làm tuyến đường dài 400m vào tổ nhà bè, tham gia đóng góp làm 2km đường điện thắp sáng và làm con đường láng nhựa vào xóm Chăm với chiều dài 1,8km. Ngoài ra, anh còn tích cực vận động bà con tham gia đóng góp các quỹ như Quỹ Vì người nghèo, Quỹ An ninh quốc phòng, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa và các khoản ủng hộ thiên tai, lũ lụt. Là người có uy tín trong cộng đồng, nên tiếng nói của anh đã tạo được sự đồng thuận của bà con. Nhờ đó, đồng bào Chăm tại địa phương không ngừng học hỏi, rèn luyện, cùng nhau đoàn kết, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh.

Với sự quan tâm hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự nhiệt tình trong công tác tuyên truyền, vận động của anh Ab Dol A Zid, nhiều hộ đồng bào dân tộc Chăm tại ấp Hòa Lộc, xã Minh Hòa đã biết vươn lên thoát nghèo. Hiện ấp không còn hộ nghèo theo tiêu chí của tỉnh, có những hộ vươn lên khá và giàu. Chia sẻ với chúng tôi, anh Ab Dol A Zid nói: “Khi đi vận động bà con, có người đồng tình, có người chưa đồng tình. Với những trường hợp chưa hiểu, mình cần phải từ từ vận động, không nóng vội, không nản lòng, cứ kiên trì với khẩu hiệu “mưa dầm thấm lâu” thì sẽ thành công. Không chỉ vận động bà con xây dựng NTM, mà ngay cả việc vận động các gia đình cho con đi học cao hơn hoặc thay đổi tư duy trong cách sống, tiếp cận khoa học kỹ thuật trong sản xuất để vươn lên thoát nghèo bền vững… cũng cần phải kiên trì, nhẫn nại, không được nóng vội”.

Anh Ab Dol A Zid bảo, hiện nay, ngoài việc tập trung cạo mủ cao su và đánh bắt cá thì nhiều hộ gia đình đồng bào Chăm đã thực hiện chăn nuôi gà công nghiệp (gia công cho công ty), chăn nuôi gà thả vườn, nuôi bò, làm công nhân tại các xưởng gỗ, công nhân tại trang trại, trồng cây ăn trái, một số bà con còn tham gia các loại hình dịch vụ. Nhờ đó, cuộc sống của bà con người Chăm đã ổn định, thoát nghèo bền vững, nhiều hộ vươn lên làm giàu. “Thấy bà con có cuộc sống mới, sung túc, tôi rất vui”, anh Ab Dol A Zid nói.

THANH SƠN (Ban Dân vận Tỉnh ủy)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên