Bàu Bàng: Xây dựng con người mới gắn với yêu cầu phát triển

Cập nhật: 13-11-2014 | 08:03:14

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững, Huyện ủy Bàu Bàng đã xác định xây dựng văn hóa, con người gắn với củng cố hệ thống chính trị, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

 

Thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI, huyện Bàu Bàng phấn đấu đến cuối năm 2020 có 80% các trường học trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia Ảnh: QUỐC CHIẾN

 Nhìn từ thực tế

Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ năm BCH Trung ương Đảng, khóa VIII “Về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa trên địa bàn huyện đã có chuyển biến tích cực. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều giá trị văn hóa truyền thống được phát huy, nhiều phong trào văn hóa đạt được những kết quả thiết thực. Điển hình như phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, hàng năm huyện Bàu Bàng có từ 92 - 95% gia đình đạt gia đình văn hóa; 45 - 50% ấp đạt danh hiệu ấp văn hóa và 98 - 99% cơ quan văn hóa. Xã hội hóa hoạt động văn hóa ngày càng được mở rộng, góp phần đáng kể vào việc xây dựng các thiết chế văn hóa ở cơ sở. Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, văn nghệ cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ... Tuy nhiên, theo đánh giá, những thành tựu mà huyện Bàu Bàng đã đạt được về văn hóa cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân.

Ông Lê Khắc Tri, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bàu Bàng, cho biết huyện mới được thành lập và chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1-4-2014. Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu. Hiện nay, các xã trên địa bàn huyện chưa có trung tâm văn hóa - thể thao; chưa có công viên văn hóa để thu hút nhân dân đến nghỉ ngơi, sinh hoạt. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” tuy đạt được nhiều kết quả nhưng chất lượng chưa thật sự bền vững. Công tác giáo dục truyền thống yêu nước, truyền thống văn hóa lịch sử cách mạng của địa phương, giáo dục về đạo đức, lối sống trong nhân dân chưa sâu rộng và thiết thực, đặc biệt là trong bộ phận thanh thiếu niên. Kinh phí đầu tư cho hoạt động sự nghiệp văn hóa chưa đáp ứng và tương xứng với yêu cầu phát triển kinh tế của huyện. Công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, nhất là nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ cho lĩnh vực văn hóa còn hạn chế.

Cần nhiều giải pháp

Để “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 9, khóa XI, Ban Thường vụ Huyện ủy Bàu Bàng đã xác định xây dựng văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Cụ thể, huyện Bàu Bàng phấn đấu đến năm 2020 có 90% cán bộ công chức, viên chức có trình độ đại học và 5% trên đại học; đẩy mạnh phát triển phong trào thể dục thể thao, phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” trong cộng đồng; phấn đấu đến cuối năm 2015 có 20% trở lên hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục thể thao và đến cuối 2020 có 50% trở lên hộ gia đình tham gia tập luyện thể dục thể thao; xây dựng được trung tâm văn hóa - thể thao để đưa vào hoạt động.

Bên cạnh đó, Bàu Bàng cũng tập trung xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong mỗi địa phương, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang để góp phần giáo dục, rèn luyện con người về nhân cách, lối sống. Cụ thể, phấn đấu đến cuối 2020, toàn huyện có trên 97% hộ đạt “Gia đình văn hóa”; 70% ấp trở lên đạt “ấp văn hóa”; 80% khu nhà trọ trở lên đạt “Khu nhà trọ văn hóa” và 7/7 “xã chuẩn văn hóa nông thôn mới”; đồng thời xây dựng, phát triển văn hóa gắn với củng cố hệ thống chính trị và phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Lê Khắc Tri cho biết để đạt được những mục tiêu trên, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến xã phải tăng cường sự lãnh đạo đối với các lĩnh vực văn hóa; xác định xây dựng và phát triển vǎn hóa, con người Việt Nam là một nhiệm vụ quan trọng trong suốt quá trình phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển; đồng thời tăng mức đầu tư cho lĩnh vực văn hóa tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế; đẩy mạnh xã hội hóa nhằm huy động các nguồn lực đầu tư, tài trợ phục vụ cho phát triển văn hóa, xây dựng con người mới.

 THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên