Các biện pháp trong Bộ luật Hình sự 2015

Cập nhật: 11-08-2018 | 10:09:17

 Các biện pháp tư pháp quy định trong Bộ luật Hình sự (BLHS) là những biện pháp cưỡng chế của Nhà nước được các cơ quan tiến hành tố tụng áp dụng đối với người phạm tội hoặc người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội nhằm ngăn ngừa họ tiếp tục phạm tội hoặc gây nguy hiểm cho xã hội và giáo dục họ trở thành những công dân có ích cho xã hội. Các biện pháp tư pháp không phải là hình phạt.

Các biện pháp tư pháp được quy định từ Điều 46 đến Điều 49 BLHS 2015. Theo Điều 46 BLHS, biện pháp tư pháp đối với người phạm tội bao gồm: Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; bắt buộc chữa bệnh.

Đối với pháp nhân thương mại, biện pháp tư pháp bao gồm: Tịch thu vật, tiền bạc trực tiếp liên quan đến tội phạm; trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi; khôi phục lại tình trạng ban đầu; thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục hậu quả tiếp tục xảy ra.

Tịch thu vật, tiền trực tiếp liên quan đến tội phạm: Bao gồm tịch thu sung vào ngân sách Nhà nước hoặc tịch thu tiêu hủy đối với công cụ, phương tiện dùng vào việc phạm tội; vật hoặc tiền do phạm tội hoặc do mua bán, đổi chác những thứ ấy mà có; khoản thu lợi bất chính từ việc phạm tội; vật thuộc loại Nhà nước cấm tàng trữ, cấm lưu hành.

Trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi: Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, người phạm tội phải bồi thường về vật chất cho người bị hại hoặc công khai xin lỗi người bị hại khi người đó yêu cầu.

Bắt buộc chữa bệnh: Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi mắc bệnh tâm thần, một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, viện kiểm sát hoặc tòa án căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi chữa khỏi bệnh, người thực hiện hành vi nguy hiểm có thể phải chịu trách nhiệm hình sự. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt. Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời gian chấp hành hình phạt tù

Hậu quả của việc áp dụng các biện pháp tư pháp: Người phạm tội bị áp dụng biện pháp tư pháp chỉ bị mang án tích khi bị áp dụng hình phạt. Trường hợp người phạm tội được miễn hình phạt nhưng bị áp dụng biện pháp tư pháp thì không phải mang án tích. Biện pháp tư pháp không có mục đích tước đoạt mà chỉ nhằm hạn chế quyền tự do của người phạm tội.

Thẩm quyền áp dụng các biện pháp tư pháp: Do các cơ quan tiến hành tố tụng (cơ quan điều tra, viện kiểm sát hoặc tòa án) áp dụng, tùy thuộc vào giai đoạn tiến hành tố tụng. Riêng các biện pháp buộc công khai xin lỗi người bị hại và biện pháp thay thế hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội là do tòa án có quyền áp dụng.

 Chương trình này được Hội Luật gia tỉnh Bình Dương và Báo Bình Dương cùng phối hợp thực hiện theo Công văn số 5748/UBND-NC ngày 18-12-2017 của UBND tỉnh Bình Dương. Chúng tôi rất mong nhận được thư, bài góp ý hoặc yêu cầu tư vấn xin gửi về địa chỉ: Số 26 đường Đoàn Thị Liên, phường Phú Lợi, TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương.

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên