Tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp

Cập nhật: 11-08-2018 | 10:09:17

Ngày 28-2-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 250/QĐ- TTg phê duyệt Đề án tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp (Đề án 250). Theo đó, quan điểm chung là tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp trong giai đoạn tiếp theo bảo đảm hoạt động giám định đáp ứng tốt các yêu cầu của hoạt động tố tụng, công tác phòng, chống tham nhũng, gắn với thực hiện cải cách hành chính, cải cách tư pháp; khắc phục những hạn chế, bất cập hiện nay trong tổ chức, hoạt động, quản lý giám định tư pháp; bảo đảm tính khoa học, phù hợp với thực tiễn, đồng bộ và khả thi, kế thừa và phát triển những kết quả đạt được của Đề án 258 trước đây (Đề án “Đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động giám định tư pháp” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 258/QĐ-TTg ngày 11-2-2010), tận dụng tối đa kết quả và nguồn lực hiện có.

Đề án 250 có những nội dung cơ bản như sau:

Về mục tiêu của Đề án 250: Đề án 250 được ban hành nhằm tiếp tục đổi mới và tạo chuyển biến mạnh mẽ, đột phá về chất lượng, hiệu quả hoạt động giám định tư pháp, nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng trong thời gian tới và thúc đẩy xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp. Trên cơ sở mục tiêu tổng quát, Đề án 250 đã xác định rõ 7 mục tiêu cụ thể cần đạt được trong 5 năm tới để công tác giám định tư pháp phát triển bền vững, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới: (1) Hoàn thiện thể chế về giám định tư pháp bảo đảm đầy đủ, đồng bộ, khả thi, phù hợp với tình hình mới; (2) Hoàn thiện hệ thống tổ chức pháp y tâm thần theo hướng chú trọng yếu tố trọng điểm, khu vực; (3) Đào tạo nguồn nhân lực pháp y, pháp y tâm thần về số lượng, chất lượng chuyên môn và kiến thức pháp lý; (4) Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại cho tổ chức giám định tư pháp công lập; (5) Nghiên cứu, kiến nghị cơ chế phù hợp để tổ chức thực hiện giám định theo yêu cầu của hoạt động tố tụng trong các lĩnh vực không có tổ chức giám định tư pháp công lập chuyên trách và đề ra giải pháp đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động giám định tư pháp; (6) Kiến nghị chính sách bảo đảm việc đãi ngộ và thu hút người làm giám định; (7) Xây dựng cơ chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước và giữa cơ quan quản lý nhà nước với cơ quan trưng cầu giám định.

Về nhiệm vụ và giải pháp của Đề án 250: Trên cơ sở kết quả tổng kết 5 năm thực hiện Đề án 258 và mục tiêu cần đạt được trong giai đoạn tiếp theo, Đề án 250 đã đưa ra 3 nhóm nhiệm vụ với 15 giải pháp trọng tâm, cụ thể:

- Nhóm nhiệm vụ thứ nhất tập trung vào việc tiếp tục hoàn thiện chế định giám định tư pháp.

- Nhóm nhiệm vụ thứ hai tập trung vào việc hoàn thiện tổ chức giám định tư pháp; nâng cao chất lượng người giám định tư pháp; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ giám định.

- Nhóm nhiệm vụ thứ ba tập trung vào việc tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giám định tư pháp.

SỞ TƯ PHÁP

Chia sẻ bài viết
Tags
tư pháp

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
intNumViewTotal=340
Quay lên trên