Cần xử lý nghiêm vi phạm an toàn giao thông đường thủy

Cập nhật: 22-09-2014 | 09:22:32

Mặc dù đã áp dụng các quy định an toàn giao thông (ATGT) đường thủy tại các bến phà, đò ngang trên địa bàn tỉnh nhưng phần lớn chưa được các chủ phương tiện, hành khách chấp hành nghiêm túc. Đây là điều đáng lo ngại khi thời tiết đang vào mùa mưa bão...

Hành khách đi phà ở bến phà An Sơn đều không mặc áo phao. Ảnh: N.HẬU

Phớt lờ quy định!

Tại bến phà An Sơn (xã An Sơn, TX.Thuận An) nối xã An Sơn với xã Nhị Bình (huyện Hóc Môn, TP.HCM) có đặt 3 bảng nội quy, nêu rõ các điều khoản, quy định xử phạt các hành vi vi phạm về ATGT đường thủy nội địa. Tuy nhiên, cả chủ phà và hành khách hầu như phớt lờ. Các áo phao (AP) và phao cứu hộ được treo ngay ngắn nhưng không có chủ đò nào đưa cho khách cũng như không có khách đi đò nào yêu cầu cần mặc AP.

Theo ghi nhận của P.V, một số hành khách đầu tiên lên phà thì được một nhân viên phát AP cho khoảng 5 người thì anh ta quay ra thu tiền vé. Phà vừa cặp bến thì cũng đúng lúc nhân viên này vừa thu xong tiền vé; vì vậy nhiều người trên phà đã không được phát AP. Những người đầu tiên được phát áo thì gần như không ai mặc mà họ chỉ máng lên xe máy hoặc có người vừa được nhận AP thì lập tức ném trả vào chỗ chứa AP!

Khi P.V quay qua hỏi, một khách đi phà ngạc nhiên trả lời: “Mặc AP làm gì, mặc vào có một chút rồi lại mất công cởi ra. Đi có 5 phút mà?”. Một khách đứng gần tiếp lời: “Ối trời! Mặc chi vậy cho mệt! Chúng tôi là dân “sông nước” ai mà chẳng biết lội; mà xưa nay đi phà an toàn lắm, chẳng có chuyện gì!”. Còn ông T. ở phường Thạnh Lộc, quận 12, TP.HCM cho rằng: “Mặc AP mất thời gian, bẩn với nóng lắm! Ngày nào mà tôi chẳng đi phà qua An Sơn để làm. Tôi không mặc AP mà có thấy sao đâu”?! Trong khi đó trên phà vẫn để một bảng với nội dung: “Mọi hành khách, thuyền viên, người lái phương tiện, trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông, phải mặc AP hoặc cầm (đeo) dụng cụ nổi cá nhân trong suốt hành trình của phương tiện từ lúc rời bến đến khi cặp bến an toàn”.

Qua một vòng khảo sát, tại các bến phà, đò ngang ở TX.Tân Uyên như: Bến phà Trạm nối phường Thái Hòa, Bình Dương với phường Bửu Long, TP.Biên Hòa; bến đò Thạnh Hội nối Cù lao Thạnh Hội với xã Bình Hòa, Vĩnh Cửu, Đồng Nai; bến đò Uyên Hưng nối phường Uyên Hưng với Vĩnh Cửu, Đồng Nai; bến phà Bạch Đằng nối Cù lao Bạch Đằng với xã Bình Lợi, Vĩnh Cửu… việc chấp hành quy định mặc AP nhìn chung cũng chẳng khá hơn ở bến phà An Sơn.

Đề phòng tai nạn sông nước

Mỗi năm, cả nước xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đường thủy ở các bến đò ngang mà hậu quả của những vụ tai nạn thương tâm ấy đã quá rõ; tất cả đều xuất phát từ sự chủ quan của người tham gia giao thông lẫn chủ phương tiện tàu, thuyền. Bởi người gặp nạn không chỉ là những học sinh nhỏ ở vùng sâu, vùng xa; mà ngay cả người lớn cũng rất chủ quan khi tham gia giao thông đường thủy.

Trao đổi với P.V, ông Nguyễn Thành Úy, Chủ tịch UBND xã An Sơn, TX.Thuận An cho biết: “Cách đây 10 năm ở phà An Sơn cũng từng xảy ra tai nạn chết người nhưng từ khi được sự quản lý của Nhà nước thì cho đến nay vẫn chưa xảy ra tai nạn nào. Về thông tin người dân đi phà không mặc AP thì không thuộc thẩm quyền xử lý của xã; chính quyền địa phương chỉ thực hiện công tác nhắc nhở các chủ phương tiện, tuyên truyền cho người dân biết các quy định về ATGT đường thủy, nội địa”.

Sau hơn 7 năm thực hiện cuộc vận động “Người đi đò mặc AP” của Ủy ban ATGT quốc gia và hơn 3 năm thực hiện cuộc vận động xây dựng phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước” của Ban ATGT tỉnh Bình Dương thì tình hình giao thông đường thủy, nội địa trên địa bàn tỉnh đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, vẫn còn một số các chủ phương tiện tàu, thuyền trên địa bàn chưa thực hiện và chấp hành tốt quy định về ATGT đường thủy, nội địa; đặc biệt đáng lo ngại nhất là khi bước vào mùa mưa bão.

Nghị định số 93/2013/ NĐ-CP ngày 20-8-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông hàng hải, đường thủy nội địa:

Xử phạt đối với hành khách:

Phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng đối với hành vi không mặc AP cứu sinh hoặc không mang dụng cụ nổi cứu sinh khi tham gia giao thông trên phương tiện vận tải hành khách ngang sông. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 50.000 - 100.000 đồng đối với hành vi không chấp hành nội quy an toàn trên phương tiện, không chấp hành sự hướng dẫn của thuyền viên, người lái phương tiện. Phạt tiền từ 200.000 - 500.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây: Mang hành lý thuộc loại hàng hóa mà pháp luật cấm vận tải chung với hành khách và đồng thời tịch thu hàng hóa; gây mất trật tự, an toàn trên phương tiện.

Xử phạt đối với chủ phương tiện:

Phạt tiền từ 100.000 - 300.000 đồng sử dụng phương tiện để vận chuyển hành khách có động cơ sức chở trên 12 người đến 50 người có một trong các hành vi sau đây: Đón, trả hành khách không đúng nơi quy định; không bố trí chỗ ngồi cho người, hành khách; để người, hành khách đứng trên phương tiện hoặc có hành vi khác làm mất an toàn của phương tiện; không có nội quy an toàn hoặc không phổ biến nội quy an toàn, không hướng dẫn cách sử dụng thiết bị an toàn cho người, hành khách trên phương tiện; để người, hành khách đứng, ngồi trên mui hoặc hai bên mạn của phương tiện; không có danh sách hành khách trong mỗi chuyến hoặc có danh sách hành khách nhưng không đúng quy định, trừ vận chuyển hành khách ngang sông; xếp hàng hóa, hành lý trên lối đi của hành khách; chở động vật nhỏ mà không nhốt trong lồng, cũi hoặc chở động vật lớn cùng với người, hành khách; không có bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự theo quy định.

 (Theo khoản 2, 3, điều 54, điều 55, mục 5, Nghị định 93/2013/NĐ-CP)

 

NGUYỄN HẬU - NGUYỄN HƯƠNG

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên