Chợ tự phát tràn lan dịp cận tết: Người trong cuộc nói gì?

Cập nhật: 29-01-2016 | 09:55:33
Ngày 28-1, Báo Bình Dương có bài viết “Chợ tự phát tràn lan dịp cận tết” phản ánh tình trạng chợ tự phát (CTP) xuất hiện ở nhiều địa phương không những gây mất an ninh trật tự, an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường mà còn gây rủi ro cho người tiêu dùng. Sau bài viết, Báo Bình Dương đã nhận được nhiều ý kiến của bạn đọc là chủ chợ, tiểu thương và cơ quan chức năng xoay quanh vấn đề này.   
 Mặc dù có biển “Cấm họp chợ” nhưng con đường này trở thành cái chợ tự phát ken chật người mua, kẻ bán (ảnh 1), đối lập với hình ảnh ở một chợ truyền thống tại địa bàn P.An Phú, TX.Thuận An (ảnh 2)
 
Chợ truyền thống “hụt hơi”!

Nhiều chủ đầu tư chợ truyền thống (CTT) rất đồng tình với phản ánh của Báo Bình Dương về thực trạng CTP hiện nay và cũng chia sẻ thêm khó khăn của họ khi CTP “vây” CTT vào dịp cận tết. Họ cho rằng, CTT phải chi nhiều khoản chi phí như đầu tư xây dựng, tiền thuế, điện, nước, bảo vệ, dọn vệ sinh… nhưng lại vắng bóng người bán và người mua. Ngược lại CTP thì không phải tốn phí nào mà lại lấn hoạt động của CTT, ảnh hưởng đến quyền lợi của tiểu thương và chủ đầu tư.

Bà Thái Thị Kính, chủ chợ Tuy An (KP 1A, P.An Phú, TX.Thuận An), cho biết: “Cách đây 6 năm, tôi thấy người dân từ nhiều nơi đến Bình Dương làm việc và sinh sống ngày càng tăng nên dự đoán nhu cầu mua sắm của người dân chắc chắn sẽ tăng cao, vì thế tôi mạnh dạn đầu tư gần 9 tỷ đồng để xây dựng chợ Tuy An có diện tích sử dụng gần 1 ha với hơn 100 ki ốt. Tuy nhiên, chợ Tuy An sau nhiều năm đưa vào sử dụng, đến nay có rất ít tiểu thương vào thuê ki ốt, người vào mua cũng thưa thớt. Trong khi cách đó không xa, nhiều CTP mọc lên như nấm, kéo hết khách đến mua sắm. Thậm chí vào những ngày giáp tết, một số tiểu thương trong chợ Tuy An còn bỏ ra ngoài CTP để buôn bán. Mặc dù tôi có giảm giá thuê mặt bằng nhưng họ cũng vẫn bỏ. Trong khi đó, hàng năm tôi vẫn đóng thuế cho Nhà nước hàng chục triệu đồng!”.

Cùng chia sẻ với bà Kính, ông Bùi Văn Nguyên, chủ đầu tư chợ An Phú B (KP 1A, P.An Phú, TX.Thuận An), than thở: “Chúng tôi góp vốn hàng tỷ đồng để đầu tư xây dựng chợ vì nghĩ rằng địa điểm được chọn nằm ở vị trí “vàng”, gần khu công nghiệp và mặt tiền là đường 22-12 thì sẽ có nhiều người đến mua sắm. Không ngờ sau một thời gian đưa vào hoạt động, chúng tôi đã “vỡ mộng”. Hiện giờ, chỉ có 1/5 số ki ốt được thuê, số còn lại đều bỏ phế. Tiền lời không đủ trả tiền thuế. Trong khi đó, gần chợ chúng tôi lại có CTP hoạt động tấp nập”.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, tiểu thương trong chợ An Phú B lắc đầu ngao ngán: “Khi thuê được ki ốt có mặt tiền giáp với đường 22-12, tôi tưởng sẽ “ăn nên làm ra” nhưng chỉ được ít lâu, càng về gần tết khách hàng càng thưa dần. Hiện nay, ki ốt tôi thuê chỉ dùng để chứa hàng hóa và ngủ qua đêm. Ban ngày tôi dọn ra đường bán để kiếm thêm chút đỉnh, không thể ngồi ở đây chờ khách tới được”.

Không riêng gì chợ Tuy An và chợ An Phú B, theo phản ánh của nhiều bạn đọc, các chợ như Đông Hòa, Đông Chiêu (TX.Dĩ An); Phú An, Bình Hòa (TX.Thuận An)… cũng rất đìu hiu, mặc dù chỉ còn ít ngày nữa là đến tết.

Biện pháp khắc phục

Bà Trần thị Tuyết (ngụ P.Đông Hòa, TX.Dĩ An) chia sẻ: “Sau nhiều năm đi chợ, tôi nhận thấy hàng hóa ở CTP luôn rẻ hơn CTT, đặc biệt là quần, áo, giày dép. Nhưng xét về chất lượng thì hàng hóa ở CTP kém xa CTT. Đây chính là ưu thế lớn nhất của CTT. Vì vậy, để giữ được khách, các tiểu thương nên đầu tư vào chất lượng hàng hóa và tiếp theo là mẫu mã”.

Tương tự, chị Vũ Thị Thu Trang (ngụ P.Tân Đông Hiệp, TX.Dĩ An) hiến kế: “Hiện nay, nhiều CTT bị thất thế một phần là do khoảng cách giữa các chợ, vị trí địa lý và hàng hóa đơn điệu. Điển hình là chợ Đông Chiêu và chợ Tân Long (P.Tân Đông Hiệp) nằm cùng trên một trục đường và chỉ cách nhau gần 200m. Kết quả là chợ Tân Long vì có trước nên có khách trong khi đó chợ Đông Chiêu thì không thu hút được nhiều khách đến mua bán mặc dù nhìn rất khang trang. Vì vậy, để vực dậy CTT thì cần phải bố trí hợp lý, có bãi gửi xe, đa dạng hàng hóa”.

Còn tiểu thương Nguyễn Thị Quệ ở chợ Tân Lập (P.Đông Hòa, TX.Dĩ An) thì cho rằng: “Ngoài những yếu tố khách quan về vị trí của chợ, hàng hóa ra, tôi nghĩ để CTT “sống” được thì quan trọng nhất vẫn là cái “tâm” của người bán. Trong buôn bán, người bán chắc chắn sẽ gặp nhiều khách hàng, có người rất dễ tính và cũng có người rất khó tính. Đặc biệt, có những khách hàng khi mua hàng họ còn có những đòi hỏi nhiều khi làm người bán khó chịu nhưng không phải vì vậy mà người bán xua đuổi họ. Ngược lại, người bán phải biết cư xử khéo léo để lần sau khách hàng còn quay lại. Quan trọng nhất là đừng vì lợi nhuận nhỏ trước mắt mà sử dụng chiêu trò như “độ” cân, trộn hàng kém chất lượng vào hàng hóa... để “móc túi” khách hàng. Thật sai lầm khi người bán sử dụng điều đó và nghĩ người mua không biết. Người bán có thể qua mắt khách hàng chỉ được vài lần với chút ít tiền lời nhưng sau này người bán sẽ mất khách hàng đó và cả những khách hàng tương lai. Không những thế, người bán còn mất luôn cả uy tín!”.

Hãy là người tiêu dùng thông minh

Bà Phan Thị Hậu, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh cho rằng: “So với CTT, CTP có nhiều lợi thế hơn như hàng hóa đa dạng về chủng loại, mẫu mã; không phải đóng thuế, thuận tiện cho người mua. Vì vậy, người tiêu dùng, đặc biệt là công nhân sẽ chọn CTP. Vì vậy, có thể nói đây là cuộc cạnh tranh không cân bằng.

Ngoài ra, vào dịp giáp Tết Nguyên đán, các cá nhân bán tại CTP rất “tâm lý” vì biết người mua luôn thích hàng rẻ và đẹp nhưng “tiền nào của đó”. Để không bị “mắc bẫy”, người tiêu dùng cần phải tỉnh táo và thông minh. Người tiêu dùng đừng xem trọng vẻ hào nhoáng của hàng hóa mà quên mất chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, người mua nên chọn những nơi uy tín để mua sắm. Đồng thời, người tiêu dùng khi gặp phải hàng gian, hàng kém chất lượng nên mạnh dạn báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý.

Để nâng cao hiểu biết cho người tiêu dùng, trong thời gian qua, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thường xuyên phối hợp với các ban, ngành tổ chức tuyên truyền pháp luật và mở các lớp tuận huấn về hàng gian, hàng giả. Ngoài ra, thông qua các chi hội, tổ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng còn vận động các tiểu thương tham gia chấp hành tốt các quy định pháp luật”. 

 
NGUYỄN HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên