Chuyện về người cán bộ mật Nguyễn Thị Đào

Cập nhật: 30-04-2021 | 05:45:19

Nhẹ nhàng, từ tốn... là những cụm từ mà nhiều người dùng để nói về bà Nguyễn Thị Đào, một cán bộ mật trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Nhưng ít ai biết rằng, đằng sau cái vẻ “nhẹ nhàng, từ tốn” ấy, bà đã làm cho kẻ địch nhiều phen khiếp vía.

Nằm vùng trong ấp chiến lược

Cha của bà Nguyễn Thị Đào là người Quảng Ngãi, mẹ quê ở Quảng Trị. Cả hai gặp nhau rồi nên nghĩa vợ chồng khi làm công nhân cao su ở Dầu Tiếng. Tuổi thơ của bà Nguyễn Thị Đào hòa theo phong trào cách mạng của đội ngũ công nhân cao su ở Dầu Tiếng. Vì vậy khi mới 9, 10 tuổi, bà đã làm giao liên cho cách mạng. Bà luôn trăn trở, nung nấu suy nghĩ: Phải làm sao cho những kẻ ác ôn, áp bức, đánh đập công nhân “ăn không ngon, ngủ không yên”. Cuộc kháng chiến chống Mỹ ngày càng ác liệt hơn. Năm 1965, giống như nhiều gia đình khác ở Dầu Tiếng, gia đình bà Đào cũng bị gom vào ấp chiến lược. Nhưng nào có chịu ngồi yên, năm 1966, bà Đào được móc nối, tiếp tục làm cơ sở mật của cách mạng ở bên trong ấp chiến lược. Vậy là ban ngày, bà Đào ẵm em lân la khắp nơi để nắm tình hình, đặt kíp nổ; đêm đến lại nhận nhiệm vụ rải truyền đơn, quan sát thăm dò tình hình địch và làm ám hiệu cho bộ đội.

Bà Nguyễn Thị Đào (bên phải) trong một lần đến thăm bà Tám Trầu, một nữ giao liên tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước

Ngày đó, ngôi nhà nhỏ của bà Đào thỉnh thoảng lại có ánh đèn tới nửa đêm. Bên ánh đèn loe lét đó, khi thì bà khâu vá quần áo, lúc thì giặt giũ... Nhớ lại chuyện này, bà Đào nói: “Ánh đèn là ám hiệu để bộ đội đừng vào, chứ may vá, giặt giũ gì giờ đó. Có hôm phải lôi cả quần áo sạch ra giặt để bọn địch đừng nghi ngờ”. Với sự khéo léo ngụy trang, bà Đào len lỏi khắp nơi để hoạt động và qua được mắt của kẻ địch. Bà Đào tự hào cho biết, được trời phú cho nét mặt vô cùng bình tĩnh nên nhiều lần qua mặt được bọn địch. Ấy là vào năm 17 tuổi, bà từng bị địch bắt vì nghi ngờ làm việc cho cách mạng, nhưng bà tỉnh bơ, không khai, cuối cùng chúng phải trả tự do cho bà. Một lần khác, khi bà đang đi rảo quanh ấp chiến lược để nắm tình hình, làm ám hiệu cho bộ đội thì bà bị địch phát hiện. Trong đêm tối mờ mờ, nghe tiếng hô “đứng lại”, bà vọt chạy một lèo, loanh quanh, lắt léo qua những ngôi nhà rồi luồn luôn về nhà mình, ngồi vào bàn ăn cơm với cả nhà như không có gì xảy ra. Lính kéo tới xét từng nhà trong khu vực, tới nhà bà, lính chỉ ngó bữa cơm rồi đếm đầu người và bỏ đi mà chẳng mảy may nghi ngờ cô con gái lớn nhất của gia đình này chính là người vừa bị chúng rượt đuổi.

Thêm một điều rất đặc biệt ở bà Nguyễn Thị Đào, đó là ít ai ngờ một người khi đó chưa được học hành nhiều lại có thể vẽ được sơ đồ chính xác để bộ đội tấn công đồn giặc mà không làm ảnh hưởng đến người dân trong ấp. Bởi bà có cách tính toán rất đặc biệt là đi xe đạp vòng các điểm quan trọng trong sơ đồ, tính thời gian để báo cho bộ đội canh đường phá kích đồn địch, tránh không phá nhà dân.

Với những thành tích và đóng góp quan trọng cho cách mạng, năm 18 tuổi bà Nguyễn Thị Đào đã được kết nạp Đảng. 20 tuổi bà đã trở thành Bí thư Chi bộ mật ấp 5, thị trấn Dầu Tiếng. Trong thời gian làm bí thư, bà tiếp tục chứng minh bản lĩnh và sự thông minh khéo léo của người làm công tác bí mật khi quan sát, tính toán kế hoạch diệt đồn Trại Nọc, giúp bộ đội lấy hết súng ống, vũ khí cho cách mạng mà không tốn một viên đạn nào.

“Ăn một miếng ngon cũng nhớ về đồng đội”

Sau ngày giải phóng, bà Nguyễn Thị Đào đi học bổ túc văn hóa, học tập phấn đấu trở thành giảng viên trường Đảng tỉnh Sông Bé. Từ năm 1981 đến lúc nghỉ hưu (năm 2008), bà đã đảm nhiệm nhiều chức vụ quan trọng như Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Sông Bé, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Phước và Ủy viên đoàn Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phụ trách phía Nam. Theo bà Nguyễn Thị Đào, dù kinh qua nhiều vị trí, lĩnh vực khác nhau nhưng công tác phụ nữ để lại cho bà nhiều tình cảm nhất. Bởi có đi sâu đi sát với chị em, mới đồng cảm và chia sẻ với người phụ nữ.

Với bà Nguyễn Thị Đào, những năm tháng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước rất đỗi tự hào dù chúng ta phải đánh đổi biết bao mồ hôi xương máu và nước mắt. Biết bao chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi như bà đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường ác liệt. Những người may mắn còn sống như bà thì những năm tháng tươi đẹp của thanh xuân đều dành hết cho cuộc chiến. “Hôm nay, mỗi lần ăn một miếng ngon, ngủ một nơi ấm cũng nhớ về đồng đội. Họ không được may mắn như mình”, giọng bà Đào chùng xuống. Vì vậy mà sau ngày giải phóng, bà Đào thường xuyên lui tới gia đình của những người bạn, đồng chí, đồng đội để thăm nom, an ủi. Cũng xuất phát từ đó, bà Đào cùng những người phụ nữ từng tham gia kháng chiến chung tay thành lập Hội Nữ kháng chiến tỉnh Bình Dương. “Đi từng ngõ, gõ tận nhà”, bà và các thành viên trong hội đến tận nhà để vận động tham gia, rồi qua nhiều hình thức giúp đỡ chị em nữ kháng chiến vươn lên...

VỚI NHỮNG THÀNH TÍCH VÀ ĐÓNG GÓP QUAN TRỌNG CHO CÁCH MẠNG, NĂM 18 TUỔI BÀ NGUYỄN THỊ ĐÀO ĐÃ ĐƯỢC KẾT NẠP ĐẢNG. 20 TUỔI BÀ ĐÃ TRỞ THÀNH BÍ THƯ CHI BỘ MẬT ẤP 5, THỊ TRẤN DẦU TIẾNG. TRONG THỜI GIAN LÀM BÍ THƯ, BÀ TIẾP TỤC CHỨNG MINH BẢN LĨNH VÀ SỰ THÔNG MINH KHÉO LÉO CỦA NGƯỜI LÀM CÔNG TÁC BÍ MẬT KHI QUAN SÁT, TÍNH TOÁN KẾ HOẠCH DIỆT ĐỒN TRẠI NỌC, GIÚP BỘ ĐỘI LẤY HẾT SÚNG ỐNG, VŨ KHÍ CHO CÁCH MẠNG MÀ KHÔNG TỐN MỘT VIÊN ĐẠN NÀO.

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên