Đất nước trọn niềm vui – Bài 19

Cập nhật: 18-04-2015 | 07:52:05

Bài 19: Vinh quang thay người chiến sĩ biệt động

Trong 13 năm xây dựng và chiến đấu, Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một đã lập biết bao chiến công oanh liệt. Điển hình như trận đánh nhà hàng Lươn Um, tập kích Trung tâm tình báo CIA (Mỹ) tại TX.Thủ Dầu Một, đánh xà lan địch chở vũ khí, xăng dầu đậu bên bến cầu Bình Lợi, sông Sài Gòn...

Những trận đánh đau, đánh hiểm

Ông Nguyễn Văn Quỳ (Tư Quỳ), nguyên Đội trưởng Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một bảo rằng, nhắc đến đội thì không thể không nhắc đến những trận đánh oanh liệt làm địch phải khiếp sợ. Điển hình như trận đánh vào Nhà việc Phú Cường năm 1965. Sau một thời gian theo dõi nắm chắc được quy luật hoạt động của địch (gồm bọn công an, bình định, tề xã tập trung hội họp bàn kế hoạch bình định vào tối thứ bảy hoặc chủ nhật hàng tuần), ngày 10-2-1965, Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một phối hợp với Đội Đặc công huyện Bến Cát tổ chức tập kích Nhà việc Phú Cường (trụ sở làm việc của bộ máy chính quyền địch ở thị xã) và Ty Thông tin ngụy (cách Nhà việc Phú Cường khoảng 500m về phía đông nam). Bí mật luồn sâu, áp sát mục tiêu, đúng 19 giờ 25 phút, lực lượng đặc công - trinh sát và biệt động đã nổ súng tấn công Nhà việc Phú Cường và Ty Thông tin địch. Chỉ trong 10 phút chiến đấu, lực lượng ta đã đánh sập một góc Nhà việc Phú Cường (có 2 tầng) và Ty Thông tin, loại khỏi vòng chiến đấu 92 tên (có 50 tên bình định, 25 tên công an, 17 tên lính dân vệ). Trung đội dân vệ gác Ty Thông tin chỉ còn 4 tên chạy thoát. Trận đánh Nhà việc Phú Cường và Ty Thông tin ngụy ngay giữa trung tâm tỉnh lỵ của đơn vị biệt động thị xã và đặc công Bến Cát là trận đánh táo bạo, tiêu diệt lớn sinh lực địch, đặc biệt là diệt lực lượng cảnh sát, bình định trong thị xã đã làm địch rất hoang mang, góp phần hỗ trợ quần chúng trong nội ô thị xã đấu tranh nới lỏng sự kìm kẹp của địch.

Một trận đánh nổi tiếng nữa của Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một là trận đánh vào xà lan chở vũ khí, xăng dầu của địch neo đậu bên bến cầu Bình Lợi, sông Sài Gòn. Ông Tư Quỳ kể lại, thực hiện quyết tâm của Ban Chỉ huy Quân sự thị xã, sau khi liên lạc được cơ sở mật, ngày 3-3- 1965, đội giao nhiệm vụ cho đồng chí Nguyễn Thị Cộng (tức Lan), người làng Tân An (hoạt động công khai) thực hiện trận đánh này. Mặc dù chồng tham gia cách mạng bị địch bắt đang bị cầm tù, con còn nhỏ 2 tuổi, (được gửi bên ngoại), đồng chí đã quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Đồng chí đóng giả người thân của một viên trung sĩ bảo vệ xà lan chở xăng dầu đậu trên sông Sài Gòn bên trên cầu Bình Lợi (trung sĩ này đi vắng không có mặt tại đó), mang giỏ trái cây đến cho trung sĩ, đã lợi dụng lúc địch sơ hở gài trái mìn vào toa lét xà lan và khéo léo tìm cách thoát ra ngoài trước khi trái mìn hẹn giờ nổ, phá hủy hai chiếc xà lan chở đầy xăng dầu. Tuy nhiên do bị sức ép nặng, ít ngày sau đồng chí Lan đã hy sinh. Tiếp đó, ngày 8-7-1965, lực lượng biệt động lại thực hiện tập kích vào kho xăng dầu Công Chánh (khu vực trụ sở Hiệp hội Đầu tư tỉnh Bình Dương ngày nay), giữa ban ngày, phá hủy 1.800.000 lít xăng dầu của địch…

Sau khi đồng chí Hồ Văn Mên (tự vệ mật) đánh lựu đạn (giấu trong ổ bánh mì) vào hậu cứ Sư đoàn 5 bộ binh ngụy tại ngã tư Phú Văn, ngày 9-3-1966, đội biệt động tổ chức cơ sở dùng mìn hẹn giờ đánh Nhà việc Phú Cường lần thứ hai, đánh sập một góc Nhà việc, diệt 8 tên tề điệp ác ôn và một số tên dân vệ. Trận đánh tuy tiêu diệt sinh lực địch không nhiều, nhưng đánh thẳng vào bộ máy kìm kẹp của địch tại trung tâm thị xã đã làm cho tinh thần ngụy quân, ngụy quyền tại tỉnh lỵ Bình Dương rất lúng túng và lo sợ vì không có chỗ nào có thể an toàn với chúng. Bọn địch chưa hết bàng hoàng thì ngày 23-3-1966, đội biệt động phối hợp lực lượng của tỉnh và Sư đoàn 9 tổ chức hỗ trợ cho cơ sở nội tuyến hoạt động trong Trung đoàn 1 thiết giáp ngụy đóng ở Gò Đậu làm binh biến, phá căn cứ, phá hủy 33 xe tăng, xe bọc thép, 20 xe quân sự khác, diệt và làm bị thương hơn 30 tên sĩ quan và binh lính địch. Đặc biệt trận đánh tạo tiếng vang lớn chính là trận tập kích bọn sĩ quan ngụy ăn uống tại nhà hàng Lươn Um trên đường Bạch Đằng. Sáng ngày 15-10-1967, 1 tổ biệt động gồm 4 đồng chí đóng giả sĩ quan ngụy đi trên 2 chiếc xe đạp tiến thẳng vào Nhà hàng Lươn Um, đánh 2 khối bộc phá (mỗi khối 6kg thuốc C4) vào nơi bọn sĩ quan đang vui vẻ ăn sáng. Địch chết và bị thương hơn 100 tên. Sau trận đánh này, một số “sĩ quan công chức” làm bàn giấy trong các cơ quan quân sự của địch ở thị xã hoang mang, xin nghỉ việc. Ngược lại, quần chúng rất phấn khởi trước những đòn đánh đau, đánh hiểm, táo bạo của biệt động thị xã. Trận chiến này, Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một đã được Bộ Chỉ huy Miền tặng thưởng Huân chương Chiến công giải phóng hạng hai và 3 bằng khen cho cá nhân.

Góp công làm nên đại thắng mùa xuân 1975

Những năm 1969-1971, Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một hoạt động hết sức khó khăn bởi địch đánh phá, chà đi xát lại địa bàn này. Có những lúc đội chỉ còn khoảng 20 cán bộ, chiến sĩ, bố trí phân tán hoạt động trên cả địa bàn cánh nam và cánh bắc thị xã. Trong tình hình khó khăn đó, những năm 1969-1972, đội phải phân tán nhỏ lực lượng để bám trụ chiến đấu, vừa cùng các lực lượng địa phương móc nối xây dựng cơ sở. Tuy vậy, trong thời gian này lực lượng biệt động đã thực hiện được một số trận đánh có tác động hỗ trợ phong trào quần chúng như tập kích Trung đội bảo an đóng bót Chánh Thành (9-1969); tập kích Ty chiêu hồi địch tại khu vực cầu Bà Hên, diệt hơn chục tên địch (6-1971); diệt 1 tên chỉ điểm, cảnh cáo 2 tên khác tại khu vực Gò Nổi, ấp Bà Lụa (10-10-1970); tập kích diệt bọn ác ôn tại Chiêu Anh Quán… làm cho địch rất hoang mang, hạ uy thế bọn ác ôn.

Đầu năm 1972, lực lượng vũ trang thị xã được bổ sung 1 phân đội đặc công. Cùng với các đơn vị lực lượng vũ trang của thị xã, trong những năm 1972-1975, đội đã thực hiện được một số trận đánh hỗ trợ tích cực phong trào nổi dậy của quần chúng, trong đó có những trận chiến đấu xuất sắc như trận phối hợp với lực lượng

Tiểu đoàn 9, Lữ đoàn đặc công 429 tập kích căn cứ Tiểu đoàn 59 công binh địch đóng ở khu vực ngã ba Sao Quỳ, diệt và làm bị thương 60 tên, phá hủy 3 xe cơ giới, đánh sập một số lô cốt; trận tập kích địch đóng bót Chánh Lộc, đánh sập 4 lô cốt, 8 nhà hầm, phá hủy 3 đại liên, 3 máy thông tin PRC 25, thu 3 súng, loại khỏi vùng chiến đấu 64 tên địch (có 2 sĩ quan cấp úy). Trận đánh này đơn vị đã được Bộ Chỉ huy Miền tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng ba.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Đội Biệt động TX.Thủ Dầu Một đã kết hợp chiến đấu đánh chiếm các mục tiêu với phát động quần chúng nổi dậy giải phóng tỉnh lỵ. Đặc biệt, khi tên tỉnh trưởng Nguyễn Văn Của cùng tên đại tá Phó Tư lệnh Sư đoàn 5 bộ binh cùng một số sĩ quan tùy tùng ngồi trên chiếc xe Jeep chạy về Sài Gòn đã bị tổ biệt động thị xã do đồng chí Lô Thị Cẩm Vân chỉ huy chặn bắt tại Phú Văn lúc 9 giờ 40 phút ngày 30-4-1975.

Bài 20: Ấm lòng người ở lại

THU THẢO

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên