Giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng

Cập nhật: 25-08-2014 | 10:52:54

Theo báo cáo mới nhất của Công an tỉnh, qua công tác khảo sát, thống kê, từ năm 2002 đến năm 2013 toàn tỉnh có 5.047 người chấp hành xong hình phạt án tù, người được đặc xá tha tù về có địa chỉ cư trú trên địa bàn Bình Dương. Được sự hỗ trợ từ chính quyền, các đoàn thể ở địa phương, nhiều người trong số họ có việc làm ổn định và tham gia tích cực vào các hoạt động nơi mình sinh sống.

Công an xã Bình Mỹ, huyện Bắc Tân Uyên thường xuyên gặp gỡ, quan tâm, tạo điều kiện cho người lầm lỡ xin việc làm, tái hòa nhập cộng đồng

 Tạo việc làm cho người hoàn lương

Ông Vũ Đức Cán, ngụ khu phố Nội Hóa, phường Bình An, TX.Dĩ An cho rằng, một trong những vấn đề cần làm đối với người lầm lỗi là tin tưởng ở họ. “Khi được tin tưởng thì họ sẽ cảm nhận được và sẽ đáp lại bằng sự hướng thiện”, ông Cán cho biết. Theo báo cáo của Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và Hỗ trợ tư pháp, Công an tỉnh (PC81), ông Cán là một trong những cá nhân có thành tích trong việc giúp người lầm lỡ làm lại cuộc đời. Năm 2003, khi là Trưởng Ban điều hành khu phố, ông đã tiếp Đinh Ngọc H., một thanh niên từng có hành vi cướp tài sản trở về địa phương sau thời gian chấp hành án phạt tù. Không quan tâm đến quá khứ, ông chủ động trò chuyện, sau đó đứng ra bảo lãnh cho H. vào làm tại một công ty gỗ ở địa phương. Từ đó đến nay H. luôn gắn bó với công việc và luôn chấp hành nội quy của công ty cũng như ở địa phương.

Thời gian qua, Sở Tư pháp thường xuyên chủ động cập nhật thông tin về xóa án tích trên cơ sở dữ diệu được lưu trữ tại sở, qua đó đã thực hiện việc tiếp nhận 2.826 yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp của công dân, tạo điều kiện cho công dân tái hòa nhập cộng đồng.

Một trường hợp khác là ông Trần Văn Huê, Quản đốc một công ty chế biến hạt điều ở P.Mỹ Phước, TX.Bến Cát cũng mạnh dạn đứng ra bảo lãnh cho nhiều người lầm lỡ có việc làm, thu nhập ổn định. Với cương vị của mình, với mong ước làm chiếc cầu nối tạo điều kiện cho người lầm lỡ có việc làm, có thu nhập để hòa nhập tốt với xã hội, xóa đi mặc cảm. Ông Huê đã chủ động liên hệ với các trung tâm cai nghiện, trại giam công an, cơ sở giáo dục để tổ chức các lớp bóc tách hạt điều. Khi biết nguyện vọng của nhiều người sau khi chấp hành xong án tù muốn làm việc tại công ty, ông Huê đề xuất ban giám đốc nhận những người này vào làm việc. Trung bình mỗi năm công ty nhận khoảng 10 người sau khi ra tù đến xin vào làm việc.

Có thể nói chính những người mạnh dạn đứng ra bảo lãnh, tạo việc làm cho người lầm lỡ như ông Cán, ông Huê đã giúp cho công tác giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng ở Bình Dương ngày càng tốt hơn.

Phát huy các mô hình giúp tái hòa nhập cộng đồng

Hiện Bình Dương đã xây dựng được một số mô hình giúp người chấp hành xong án phạt tù được tái hòa nhập cộng đồng. Bước đầu những mô hình này đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể như mô hình “CLB thắp sáng niềm tin” do Hội Liên hiệp thanh niên tỉnh - Công an tỉnh - Trại giam An Phước và Cơ sở giáo dục Phú Hòa ký kết. Các câu lạc bộ được thành lập theo địa bàn các xã, phường, thị trấn. Người đứng đầu CLB là Chủ tịch Hội liên hiệp thanh niên ở các địa phương này. Hiện Bình Dương có 20 “CLB thắp sáng niềm tin” và có nhiều đóng góp cho công tác quản lý, giúp đỡ, tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù, người được đặc xá trở về địa phương nhanh chóng ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng, giảm tỷ lệ tái phạm. Điển hình như CLB “Thắp sáng niềm tin” P.Hưng Định, TX.Thuận An. Từ khi mới thành lập năm 2013 với 18 hội viên, đến nay 12 hội viên đã được giới thiệu việc làm ổn định. Các thành viên trong CLB đã tổ chức được hơn 20 cuộc tuyên truyền pháp luật đến những người vừa chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tham gia cảm hóa nhiều thanh niên chậm tiến.

Ngoài ra còn phải kể đến mô hình “Quản lý, giáo dục, cảm hóa người lầm lỗi tại địa phương” do Công an tỉnh triển khai. Đây là mô hình được phổ biến và nhân rộng trong toàn tỉnh với mục đích phát huy vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị ở cơ sở và toàn dân nhằm quản lý, giúp đỡ, giáo dục, bố trí việc làm cho người cai nghiện, người chấp hành xong án phạt tù… Để thực hiện tốt mô hình này, Công an tỉnh đã có văn bản hướng dẫn công an các địa phương tham mưu cấp ủy, chính quyền cơ sở, các ban ngành đoàn thể phân công theo dõi, giúp đỡ người lầm lỡ. Mô hình “CLB vì tương lai” ở P.An Thạnh, TX.Thuận An cũng là một trong những địa chỉ tin cậy của người lầm lỡ ở địa phương với các hoạt động thiết thực như tập trung người lầm lỡ sinh hoạt định kỳ; bảo lãnh vay vốn hoặc giới thiệu việc làm cho họ.

 L.T.PHƯƠNG

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên