Họ đã xả thân vì đất nước

Cập nhật: 13-03-2015 | 08:26:49

Nhân kỷ niệm 40 năm giải phóng Dầu Tiếng (13.3.1975 - 13.3.2015), chiều qua (12-3), tại Nhà truyền thống Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, Ban Liên lạc cán bộ lão thành cách mạng đã tổ chức họp mặt truyền thống các lực lượng vũ trang (LLVT) Dầu Tiếng thời kỳ chống Mỹ. Buổi gặp mặt diễn ra trong không khí đầm ấm, cảm động và thắm tình đồng đội, đồng chí…

 

Các đại biểu tham dự buổi họp mặt truyền thống chụp ảnh lưu niệm Ảnh: T.DŨNG

 Các đại biểu đã cùng nhau ôn lại những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt, gian khổ nhưng vinh quang. Nhiều đồng chí cán bộ lão thành đã cùng vào sinh ra tử, quyết tâm đánh đuổi ngoại xâm trên vùng đất Dầu Tiếng năm xưa đã bồi hồi nhớ lại những giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến tranh. Ký ức cứ thế ùa về như những thước phim quay chậm.

Với lòng yêu nước, ý chí kiên cường, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của LLVT Dầu Tiếng đã vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, gian khổ và hy sinh để lập nên những thành tích xuất sắc. Đặc biệt, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, LLVT và nhân dân huyện Dầu Tiếng đã anh dũng bám trụ, phối hợp với các lực lượng của Tỉnh đội và bộ đội chủ lực từng bước đẩy lùi và đánh bại các kế hoạch bình định lấn chiếm của địch, giữ vững và mở rộng căn cứ tiến lên đánh chiếm, tiêu diệt và làm tan rã lực lượng địch trên địa bàn. Những chiến công oanh liệt của Trung đội C64, của Đội nữ pháo binh và Đội biệt động Dầu Tiếng trong quá khứ được các cán bộ lão thành, các cựu chiến binh và nhân chứng kể lại một cách đầy tự hào và trân trọng.

Ông Nguyễn Việt Trân, một trong những người đã từng tham gia trong LLVT huyện Dầu Tiếng cho rằng, tiếp sau sự ra đời của các Trung đội C61, C62, C63 thì C64 ở Dầu Tiếng có rất nhiều thành tích trong kháng chiến chống Mỹ. Ông Trân nói khi mới thành lập, C64 đã nhiều lần khiến địch phải nơm nớp lo sợ khi đã bị lực lượng này nhiều lần tổ chức đánh rất táo bạo. Còn ông Lê Văn Khoa, Anh hùng lao động, nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Dầu Tiếng, một trong những chỉ huy của Đội biệt động huyện Dầu Tiếng trong kháng chiến chống Mỹ cho rằng, C64 của Dầu Tiếng đã tổ chức nhiều cách đánh thông minh và gan dạ. Điển hình là các trận đánh vào ấp chiến lược Giáng Hương, Phú Bình, Suối Dứa, Làng 2 hay như lần tấn công vào bót Cần Nôm (ấp Bến Tranh) thu được súng đạn của địch. Riêng Đội biệt động của huyện thì đánh địch ngay giữa ban ngày vào ấp 4 - Bàu Sình thu được súng cạc bin. Tiếp đó là những trận đánh vào ấp 5 (khu phố 5, thị trấn Dầu Tiếng ngày nay), đánh vào khu vực gần Nhà thờ ấp 5. Ông Khoa đặc biệt ấn tượng với những trận đánh có sự phối hợp giữa C64 và Đội biệt động.

Nhiều đại biểu đã không giấu được niềm tự hào và xúc động khi nhắc đến một trong những đơn vị LLVT của huyện trong những năm chống Mỹ, đó là Trung đội nữ pháo binh huyện được thành lập vào tháng 7-1967. Các cán bộ, chiến sĩ trung đội phần lớn là đảng viên, đoàn viên tham gia du kích ở các xã đưa lên được rèn luyện, thử thách trong chiến đấu ở địa phương. Vì vậy khi đưa về trung đội, các chị em đã trực tiếp tham gia chiến đấu được ngay. Những trận đánh phối hợp của Trung đội nữ pháo binh Dầu Tiếng đã nhiều lần làm địch hoang mang, khiếp sợ.

 Trong buổi họp mặt truyền thống các LLVT Dầu Tiếng thời kỳ chống Mỹ, các đại biểu là những cán bộ lão thành, từng là người trong cuộc đã dành nhiều thời gian để thảo luận, phân tích làm rõ thêm những thành tích trong kháng chiến của các đơn vị như C64, Đội biệt động và Trung đội nữ pháo binh huyện. Đa số các ý kiến đều tán thành về những đánh giá sự đóng góp to lớn của các đơn vị trong kháng chiến chống Mỹ. Trên cơ sở những phân tích, đánh giá khách quan, các đại biểu đã thống nhất đề nghị các cơ quan hữu quan tiếp tục quan tâm, tìm hiểu về những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ của các đơn vị nêu trên, qua đó đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Ông Phạm Văn Sê, thành viên của Đội trinh sát Dầu Tiếng thời kỳ chống Mỹ cho rằng, 40 năm đã trôi qua kể từ khi miền Nam được giải phóng, đất nước thống nhất nhưng đến nay mới đề cập đến vấn đề này là hơi chậm. “Tuy vậy tôi tin là nếu đề nghị của chúng ta được chấp nhận thì những anh em còn sống hay đã hy sinh cũng thấy ấm lòng…”, ông Sê chia sẻ. Cũng cùng quan điểm ấy, ông Nguyễn Thanh Long, một cựu chiến binh từng chiến đấu trên địa bàn Dầu Tiếng cho biết, việc đề nghị này đến hôm nay mới thực hiện là hơi muộn. Ông Sê đề nghị các ngành liên quan cần khẩn trương nghiên cứu, tìm hiểu các quy định hiện hành để xúc tiến công việc này càng sớm càng tốt bởi vài năm nữa một số nhân chứng sẽ không còn để cung cấp đầy đủ, xác thực các dữ kiện. Còn bà Nguyễn Thị Kim Oanh (Út Oanh), một trong những người đã từng vào sinh ra tử ở Dầu Tiếng trong những năm chiến tranh ác liệt nhất thì cho rằng: “Nếu hôm nay chúng ta không đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho các đơn vị và cá nhân có thành tích xuất sắc đó thì e là thiệt thòi cho các đồng chí ấy…”.

 

 Tại buổi họp mặt, các đại biểu thống nhất đề nghị Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND cho một số đơn vị và cá nhân Ảnh: Đ.HẬU

Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Nguyễn Mạnh Hồng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Dầu Tiếng cho rằng, những đề xuất của các vị cán bộ lão thành, các cựu chiến binh cơ bản hợp lý. “Với trách nhiệm và thẩm quyền của mình, huyện sẽ giao cho đơn vị có chức năng xúc tiến các bước theo đúng quy trình, quy định. Đồng thời huyện sẽ nhờ một đơn vị giúp làm bản thành tích, cũng như các thủ tục liên quan để sớm hoàn thành các nội dung để đề nghị. Đúng là đến nay cũng quá trễ rồi, 40 năm rồi. Thay mặt Huyện ủy, UBND huyện tôi xin tiếp thu các ý kiến…”, ông Nguyễn Mạnh Hồng nói.

 

 ĐÌNH HẬU

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên