Hỏi- đáp pháp luật ngày 19-03-2013

Cập nhật: 19-03-2016 | 10:39:55

Hỏi: Vợ chồng tôi đang làm thủ tục ly hôn tại tòa án, chúng tôi có 1 con chung được 30 tháng tuổi. Vợ tôi muốn nuôi con và yêu cầu tôi hàng tháng phải cấp dưỡng 3 triệu đồng tiền nuôi con. Tôi không đồng ý với mức cấp dưỡng mà vợ tôi đưa ra vì tôi thấy không hợp lý. Tôi muốn hỏi về vấn đề cấp dưỡng nuôi con sau khi vợ chồng ly hôn được quy định như thế nào?

Anh TRẦN NGỌC M. (TX.Dĩ An)

Trả lời:

Trường hợp anh không phải là người trực tiếp nuôi con thì anh vẫn có quyền, nghĩa vụ đối với con của mình sau khi vợ chồng anh ly hôn. Cụ thể, theo quy định tại khoản 2 điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 thì cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.

Bên cạnh đó, theo điều 116 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định mức cấp dưỡng sẽ do người có nghĩa vụ cấp dưỡng và người được cấp dưỡng hoặc người giám hộ của người đó thỏa thuận căn cứ vào thu nhập, khả năng thực tế của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu thiết yếu của người được cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết. Khi có lý do chính đáng, mức cấp dưỡng có thể thay đổi. Việc thay đổi mức cấp dưỡng do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Ngoài ra, việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu tòa án giải quyết.

Như vậy, nếu anh không được trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Mức cấp dưỡng phải được hai vợ chồng thỏa thuận, không phải do một trong hai bên tự quyết định. Trong trường hợp vợ chồng anh không thể thỏa thuận được với nhau thì có thể yêu cầu tòa án giải quyết những vấn đề trên.

 

Hỏi: Hai vợ chồng tôi ly hôn vào tháng 3-2015, lúc đó do tôi không có điều kiện kinh tế nên việc nuôi con tòa án giao cho chồng tôi. Hiện nay, tôi đã đi làm, kinh tế đã ổn định có thể lo được cho con của mình do vậy tôi muốn giành lại quyền nuôi con thì có căn cứ pháp luật nào không? Con của tôi hiện nay được 8 tuổi và cháu cũng muốn về sống với tôi?

Chị HOÀNG NGỌC Tr. (TP.TDM)

Trả lời:

Theo quy định tại điều 84 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn, trong trường hợp có yêu cầu của cha, mẹ, người thân thích hoặc cơ quan, tổ chức như: Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình; cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em; Hội Liên hiệp phụ nữ thì tòa án có thể quyết định việc thay đổi người trực tiếp nuôi con. Việc thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn được giải quyết khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Cha, mẹ có thỏa thuận về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phù hợp với lợi ích của con;

- Người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

Ngoài ra, việc thay đổi người trực tiếp nuôi con phải xem xét nguyện vọng của con từ đủ 7 tuổi trở lên.

Trong trường hợp này chị có thể tự mình yêu cầu tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con, nếu được, chị và cha của cháu bé có thể thỏa thuận vấn đề thay đổi người nuôi con với nhau, đồng thời chị phải chứng minh cho tòa án rằng mình đủ điều kiện trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con. Việc cháu bé có nguyện vọng sống chung với chị là một căn cứ có lợi cho chị để tòa án xem xét khi giải quyết yêu cầu của chị.

SỞ TƯ PHÁP TỈNH

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên