Ngày 28-4-1975: Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận

Cập nhật: 28-04-2015 | 09:13:12

Ngày 28-4-1975, quân giải phóng tiếp tục vây ép Sài Gòn từ các hướng:

Hướng đông, mũi Sư đoàn 325, Trung đoàn 46 dẫn đầu đội hình tiến quân theo đường 25, tiêu diệt các cụm phòng ngự ở Bến Sáng, Phú Hội, Long Tân, làm chủ quận lỵ Nhơn Trạch vào chiều 28-4, đánh bại các đợt phản kích, tạo điều kiện cho pháo binh quân giải phóng chiếm lĩnh trận địa bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất.

Hướng đông - nam, Sư đoàn 341 thuộc Quân đoàn 4 tiến công Hố Nai, bị địch ngăn chặn quyết liệt phải dừng lại tổ chức đột phá.

Hướng bắc, chiều 28-4, một bộ phận Trung đoàn 27 thuộc Sư đoàn 320B làm chủ đoạn đường từ dốc Bà Nghĩa về Bình Cơ, tiến về Lái Thiêu rồi về đứng chân tại bắc Bình Chuẩn 7km, lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một phối hợp giải phóng tây nam Bến Cát, tây nam Tân Uyên. Trong lúc đó, Sư đoàn 312 bao vây Phú Lợi, chốt đường 13, chặn Sư đoàn 5 địch.

Hướng tây và tây nam, chiều 28-4, pháo binh chiến dịch ở Hiếu Liêm bắn phá làm tê liệt sân bay Biên Hòa, sở chỉ huy Quân đoàn 3 địch phải chuyển về Gò Vấp.

Hướng tây bắc, một bộ phận của Sư đoàn 316 tiến công và chốt trên lộ 22 đoạn Bàu Nâu - Trà Võ, bao vây Trà Võ. Trung đoàn 174 thuộc Sư đoàn 316 cắt lộ 1 đoạn Phước Mỹ - Trảng Bàng, diệt các chốt địch ở Trung Hưng, Suối Cao, Bố Heo, chặn Tiểu đoàn 25 của địch, chế áp các trận địa pháo, bức hàng Tiểu đoàn l thuộc Trung đoàn 50 của địch và cùng lực lượng vũ trang Tây Ninh giải phóng nhiều vùng nông thôn.

15 giờ 40, Phi đội Quyết Thắng gồm 5 máy bay A37 vừa thu được của địch, do phi công Nguyễn Văn Lục chỉ huy, phi công Nguyễn Thành Trung dẫn đường, cất cánh từ sân bay Thành Sơn (Phan Rang), ném bom sân bay Tân Sơn Nhất. Ngụy quân, ngụy quyền vô cùng hoảng loạn trước cuộc tiến công dũng mãnh, đồng loạt của ta. Sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hòa bị tê liệt. Lúc này, sông Lòng Tàu đã bị ta khóa chặt. Thị xã Vũng Tàu và toàn tỉnh Bà Rịa bị quân ta đánh chiếm. Quân địch ở Sài Gòn không còn đường rút chạy ra biển. Đường 4 xuống vùng châu thổ sông Cửu Long đã bị cắt đứt. Quân ta áp sát bao vây chặt Sài Gòn trên tất cả các hướng. Khống chế chặt đường bộ, đường thủy và đường không.

22 giờ ngày 28-4, Bộ Chính trị gửi điện “nhiệt liệt khen ngợi toàn thể các đơn vị lập được những chiến công lớn trong những ngày qua” và kêu gọi toàn thể cán bộ, chiến sĩ, đảng viên, đoàn viên thanh niên nhanh chóng đánh thẳng vào sào huyệt cuối cùng của địch với khí thế hùng mạnh của một quân đội trăm trận trăm thắng, đập tan mọi sức đề kháng của địch, kết hợp tiến công và nổi dậy giải phóng hoàn toàn thành phố Sài Gòn - Gia Định.

Ngày 28-4, khí thế quần chúng mỗi lúc càng mạnh mẽ. Nhiều cờ, truyền đơn, áp phích cổ vũ khí thế nổi dậy xuất hiện trên nhiều đường phố, trong các xóm lao động, kêu gọi binh sĩ Sài Gòn hãy thức thời trong giờ phút quyết định, lập công với cách mạng.

Chiều 28-4, sau hai ngày đêm chiến đấu, các quân đoàn quân giải phóng cùng các lực lượng tại chỗ đã phá vỡ các khu vực phòng thủ vòng ngoài của quân Sài Gòn, cắt đứt đường số 4, tăng cường vây ép Sài Gòn trên các hướng, bao vây ngăn chặn, không cho các sư đoàn chủ lực Sài Gòn co cụm về vùng ven và nội thành.

Nhận thấy thời cơ đòn quyết định đã tới, tối 28-4, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh ra lệnh tổng công kích trên toàn mặt trận, ngăn chặn và tiêu diệt các đơn vị chủ lực ở phía ngoài, đồng thời thọc sâu vào bên trong, cùng lực lượng tại chỗ đánh chiếm các địa bàn quan trọng, sẵn sàng đồng loạt đánh chiếm các mục tiêu then chốt ở nội đô; chỉ thị cho các quân khu Trung Nam bộ, Tây Nam bộ phối hợp tiến công và nổi dậy giải phóng đồng bằng Nam bộ.

Tại huyện Tân Uyên, tỉnh Thủ Dầu Một, thực hiện phương châm “Xã giải phóng xã, huyện giải phóng huyện, tỉnh giải phóng tỉnh”, ngày 28-4-1975, Thường vụ Huyện ủy Tân Uyên họp, do đồng chí Ba Bờ, Bí thư Huyện ủy chủ trì, quyết định phát động quần chúng nổi dậy phối hợp với cuộc tiến công của bộ đội chủ lực. Ngay trong ngày 28-4, du kích xã Bình Chánh, Khánh Vân, Phước Thành phát động quần chúng nổi dậy bức rút đồn Ông Thượng, bót 18 (Bình Chánh), chốt cầu Suối Cát (Khánh Vân); bộ đội địa phương huyện cùng du kích bao vây bức rút đồn dân vệ Cây Sao Khô, bót sở 49. Bộ máy kìm kẹp của địch số bị diệt, số bị tan rã, ta hoàn toàn làm chủ hai xã Bình Chánh, Khánh Vân.

Đêm 28 rạng ngày 29-4-1975, lực lượng ta pháo kích chi khu Tân Uyên, đồng thời các lực lượng địa phương áp sát vào thị trấn. Tuy nhiên với lực lượng mạnh hơn ta nên địch phản công dữ dội, lực lượng ta bị tổn thất một số nhưng ta vẫn chưa chiếm được chi khu. Trước tình hình đó, khả năng dùng lực lượng tại chỗ để giải phóng trung tâm đầu não địch ở Tân Uyên khá khó khăn. Trong lúc này, đồng chí Huỳnh Tư với vai trò là Tỉnh đội phó Tỉnh đội Thủ Dầu Một được phân công đến đón cánh quân thuộc Quân đoàn 1 để mở mũi dẫn đường tiến về giải phóng Sài Gòn cũng vừa hành quân đến đây. Đồng chí Huỳnh Tư đã quyết định hướng đoàn quân chủ lực theo lộ 16 hành quân qua thị trấn cùng phối họp với lực lượng địa phương huyện đè bẹp sự kháng cự của địch, nhanh chóng tiến về Sài Gòn vừa góp phần giải phóng Tân Uyên. 

Ngày 28-4-1975, tất cả các cánh quân lớn của ta đã bao vây chặt Sài Gòn. Hoảng loạn, vội vã, hàng vạn nhân viên quân sự, dân sự và tay sai đầu sỏ tháo chạy khỏi Sài Gòn. Đúng 0 giờ ngày 29-4-1975, các binh đoàn chủ lực hùng mạnh của ta từ nhiều hướng đồng loạt tổng công kích vào Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của địch. Với ưu thế áp đảo, quân giải phóng ào ạt tiến công, vừa bao vây tiêu diệt địch ở vòng ngoài, vừa thần tốc, táo bạo thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu quan trọng ở nội thành.

Mũi tiến công từ Củ Chi về sân bay Tân Sơn Nhất

V.H (tổng hợp)

 

HÀ THĂNG (Nguyên Trưởng phòng Lịch sử Đảng - Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy)

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên