Nhớ lời Bác dạy: “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân” - Bài 2

Cập nhật: 16-05-2017 | 07:44:25

Bài 2: Đẩy lùi những biểu hiện suy thoái

Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII đã nêu rõ 27 biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Còn trong các tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần đề cập đến những tiêu cực nảy sinh trong nội bộ Đảng, chính quyền và trong xã hội. Tuy không dùng trực tiếp các khái niệm “suy thoái” tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nhưng Người đã nêu ra rất nhiều căn bệnh khác nhau thể hiện sự suy thoái đó.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu thanh niên xung phong dự Đại hội Thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc tháng 1-1967 (Nguồn: TTXVN)

Về những biểu hiện suy thoái tư tưởng chính trị, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ những dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, trước hết là những biểu hiện phai nhạt lý tưởng cách mạng. Ngay từ tháng 10-1947, Người đã yêu cầu cán bộ, đảng viên sửa đổi lối làm việc, chỉ rõ phải đấu tranh với những hiện tượng thờ ơ trước những nhận thức lệch lạc, quan điểm sai trái: “Nghe những lời bình luận không đúng, cũng làm thinh, không biện bác. Thậm chí nghe những lời phản cách mạng cũng không báo cáo cho cấp trên biết. Ai nói sao, ai làm gì cũng mặc kệ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”...

Về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, Người đặc biệt quan tâm phê phán chủ nghĩa cá nhân. Nguyên nhân của những biểu hiện suy thoái có nhiều, nhưng chủ yếu là do chủ nghĩa cá nhân sinh ra. Trở lại với bài báo “Nâng cao đạo đức cách mạng, quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, Người chỉ rõ: “Đảng ta đã đào tạo một thế hệ thanh niên cách mạng, gái cũng như trai, rất hăng hái, dũng cảm trong mọi công tác. Đó là những bông hoa tươi thắm của chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Nhân dân ta và Đảng ta rất tự hào có những người con xứng đáng như thế. Song bên cạnh những đồng chí tốt ấy, còn có một số ít cán bộ, đảng viên mà đạo đức, phẩm chất còn thấp kém. Họ mang nặng chủ nghĩa cá nhân, việc gì cũng nghĩ đến lợi ích riêng của mình trước hết. Họ không lo “mình vì mọi người” mà chỉ muốn “mọi người vì mình”. Rồi Người phân tích sâu hơn: “Do cá nhân chủ nghĩa mà ngại gian khổ, khó khăn, sa vào tham ô, hủ hóa, lãng phí, xa hoa. Họ tham danh trục lợi, thích địa vị quyền hành. Họ tự cao, tự đại, coi thường tập thể, xem khinh quần chúng, độc đoán, chuyên quyền. Họ xa rời quần chúng, xa rời thực tế, mắc bệnh quan liêu, mệnh lệnh. Họ không có tinh thần cố gắng vươn lên, không chịu học tập để tiến bộ. Cũng do cá nhân chủ nghĩa mà mất đoàn kết, thiếu tính tổ chức, tính kỷ luật, kém tinh thần trách nhiệm, không chấp hành đúng đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm hại đến lợi ích của cách mạng, của nhân dân...”.

Còn trong bài viết về “Đạo đức cách mạng” năm 1958, Người đã coi chủ nghĩa cá nhân là một kẻ địch: “Kẻ địch gồm có 3 loại. Chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc là kẻ địch rất nguy hiểm. Thói quen truyền thống lạc hậu cũng là kẻ địch to; nó ngấm ngầm ngăn trở cách mạng tiến bộ... Loại kẻ địch thứ 3 là chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mình mỗi người chúng ta. Nó chờ dịp - hoặc thất bại, hoặc thắng lợi - để ngóc đầu dậy. Nó là bạn đồng minh của hai kẻ địch kia...”.

Theo Người “Vì chưa rửa gột sạch chủ nghĩa cá nhân, cho nên có đảng viên còn “kể công” với Đảng. Có ít nhiều thành tích thì họ muốn Đảng “cảm ơn” họ. Họ đòi ưu đãi, họ đòi danh dự và địa vị. Họ đòi hưởng thụ. Nếu không thỏa mãn thì họ “oán trách” Đảng, cho rằng họ “không có tiền đồ”, họ bị “hy sinh”. Rồi dần dần họ xa rời Đảng, thậm chí phá hoại chính sách và kỷ luật Đảng”. Đem những nội dung này so sánh với những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII, cho thấy, chủ nghĩa cá nhân là mầm mống dẫn đến những biểu hiện suy thoái này.

Chính vì thế, “...Đạo đức cách mạng là vô luận trong hoàn cảnh nào, người đảng viên cũng phải đặt lợi ích của Đảng lên trên hết...” và Người chỉ rõ: “ Để làm cho tất cả cán bộ, đảng viên xứng đáng là chiến sĩ cách mạng, Đảng ta phải ra sức tăng cường giáo dục toàn Đảng về lý tưởng cộng sản chủ nghĩa, về đường lối, chính sách của Đảng, về nhiệm vụ và đạo đức của người đảng viên. Phải thực hành phê bình và tự phê bình nghiêm chỉnh trong Đảng. Phải hoan nghênh và khuyến khích quần chúng thật thà phê bình cán bộ, đảng viên. Chế độ sinh hoạt của chi bộ phải nghiêm túc. Công tác kiểm tra của Đảng phải chặt chẽ. Mỗi cán bộ, đảng viên phải đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng, của nhân dân lên trên hết. Phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Phải đi sâu đi sát thực tế, gần gũi quần chúng, thật sự tôn trọng và phát huy quyền làm chủ tập thể của nhân dân. Phải cố gắng học tập, rèn luyện, nâng cao trình độ hiểu biết để làm tốt mọi nhiệm vụ”. (còn tiếp)

 

THÀNH SƠN (thực hiện)

 

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên