Ơi cuộc sống mến thương

Cập nhật: 08-05-2015 | 10:18:35

Sau năm 1975, các nhạc sĩ (NS) cũng “chuyển hướng” sáng tác sang những ca khúc cách mạng viết về cuộc sống mới, tái thiết quê hương từ đổ nát của chiến tranh. Điển hình là những bài “Tình đất đỏ miền Đông” của NS Trần Long Ẩn và “Ơi cuộc sống mến thương” của NS Nguyễn Ngọc Thiện…

Nguyễn Ngọc ThiệnLiên hệ với bác sĩ kiêm NS Nguyễn Ngọc Thiện (ảnh), anh cho biết vẫn đang “làm song song 2 nghề” vì niềm đam mê của mình. NS Nguyễn Ngọc Thiện sinh năm 1951. Anh có nhiều bài hát trữ tình, trẻ trung được giới trẻ yêu thích như: Ngọn lửa trái tim, Như khúc tình ca, Cô bé dỗi hờn, Nếu em là người tình, Cơn mưa lao xao, Chia tay tình đầu…

Riêng ca khúc “Ơi cuộc sống mến thương” được NS Nguyễn Ngọc Thiện viết vào năm 1976 và được Sài Gòn Audio thu âm năm 1978 qua giọng hát ca sĩ Thế Hiển. Sau đó, bài hát này được nhóm ca khúc Chính trị Thanh niên xung phong TP.HCM hát trong Liên hoan các nhóm Ca khúc Chính trị cả nước tổ chức tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP năm 1978. Và cũng từ đó, bài hát vui tươi này đã nổi tiếng khắp cả nước. Người viết cũng nhớ rất rõ những năm 80 thế kỷ trước, bài này còn là một trong những bài “nhạc hiệu” ở các hợp tác xã, những vùng nông thôn miền Trung xa xôi. Có chú chim non nho nhỏ /Cất tiếng líu lo như muốn ngỏ/Buổi sáng quanh ta như xao động /Như bầu trời xanh ươm ước mơ/Này chú chim ơi cho nhắn gởi/Lời hát tin yêu trong trái tim mọi người/ Cuộc sống hôm nay tuy vất vả/ Nhưng cuộc đời ơi ta mến thương… Những lời trong trẻo này như động viên, khích lệ tinh thần của mọi người biết hướng về phía trước, biết yêu thương người, thương cuộc đời này hơn. Bài hát sau này còn được nhóm Mắt Ngọc, Năm Dòng Kẻ và nhiều ca sĩ thể hiện rất thành công.

NS Nguyễn Ngọc Thiện, cho biết thêm ca khúc “Như khúc tình ca” anh viết năm 1985, hoàn thành năm 1986 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Thanh niên xung phong thành phố. Nói về cái duyên đến với âm nhạc, anh kể: “Tháng 9-1975, NS Trần Long Ẩn, NS Trần Văn Ánh đến trường mời tham gia nhóm Sáng tác Âm nhạc quần chúng cùng với các trường đại học khác, nhờ đó tôi mới có dịp làm quen với NS Từ Huy (Đại học Tổng hợp), NS Nguyễn Văn Hiên (Đại học Kinh tế), NS Tùng Lộc (Đại học Sư Phạm) và nhiều anh em khác nữa. Qua nhiều năm như thế, những bạn nào còn đam mê và yêu thích âm nhạc đã vào học Nhạc viện TP.HCM và đã lần lượt tốt nghiệp Đại học sáng tác. Năm 1982, tôi cùng Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên được kết nạp là hội viên Hội Âm nhạc TP.HCM và năm 1990 được kết nạp hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Năm 1992, tôi cùng Từ Huy, Nguyễn Văn Hiên tham gia nhóm Những người bạn với NS Trịnh Công Sơn, NS Tôn Thất Lập, NS Thanh Tùng. Anh em chúng tôi có mục đích chung là cùng nhau viết ra thật nhiều ca khúc hay để phục vụ những người yêu âm nhạc”.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày thống nhất đất nước vừa qua, anh còn viết một ca khúc phổ thơ Nguyễn Thái Dương với tựa đề: “Con đường pha lê” do ca sĩ Minh Trang Ly Ly hát (Minh Trang Ly Ly vừa đoạt giải nhất dòng nhạc nhẹ trong cuộc thi Tiếng hát truyền hình thành phố do HTV tổ chức năm 2014) để nói lên những công trình lớn được xây dựng nhân kỷ niệm 40 năm Ngày thống nhất đất nước, trong đó có con đường hầm Thủ Thiêm nối Q.2 với Sài Gòn. Ca khúc này có thể lên Zing mp3, hoặc Nhạccuatui, hay Youtube để nghe và xem video clip.

Âm nhạc là niềm đam mê, làm cho mọi người trẻ trung, yêu đời hơn. Và NS Nguyễn Ngọc Thiện là một trong những nhạc sĩ có tâm hồn trẻ trung như thế

 QUỲNH NHƯ

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên