Tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ từ kinh doanh phế liệu trong khu dân cư – Bài 1

Cập nhật: 06-10-2016 | 08:46:49

Bài 1: Siết chặt công tác quản lý

Hiện trên địa bàn tỉnh có hơn 2.000 cơ sở kinh doanh phế liệu (gọi tắt là cơ sở phế liệu). Phần lớn các cơ sở này đều tập trung trong khu đô thị, khu dân cư chật hẹp và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân.


Bên trong một vựa phế liệu tại phường Thuận Giao, những bao phế liệu chất thành từng đống và những dây điện cũ kỹ chằng chịt luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ ảnh hưởng đến người dân

Những tồn tại cần chấn chỉnh

Điều đáng nói hiện nay đối với các cơ sở phế liệu là công tác phòng chống cháy nổ chưa được quan tâm đúng mức. Theo ghi nhận của P.V, để phục vụ cho việc thu mua, phân loại phế liệu, các cơ sở này kéo dây điện chằng chịt ngay tại các nhà kho. Nhiều nơi đã tận dụng những dây điện cũ kỹ, không an toàn, có nguy cơ xảy ra tình trạng chập điện gây cháy nổ rất cao. Nhiều người dân cho rằng cơ sở kinh doanh phế liệu như một “trái bom nổ chậm” trong khu dân cư.

Phường Thuận Giao, TX.Thuận An là nơi tập trung nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu. Địa phương hiện có 58 cơ sở, trong đó có trên 95% cơ sở không được cơ quan chức năng cấp phép nhưng vẫn ngang nhiên hoạt động. Ông Nguyễn Thanh Hội, Chủ tịch UBND phường Thuận Giao thừa nhận: “Các cơ sở kinh doanh phế liệu hoạt động trên địa bàn phường rất lơ là trong việc phòng cháy chữa cháy, giữ vệ sinh môi trường... Đa phần các cơ sở làm chưa đúng theo quy định của pháp luật trong việc kinh doanh phế liệu. Vì thế, nguy cơ tiềm ẩn về hỏa hoạn xảy ra tại các vựa thu mua phế liệu là rất lớn”. Ông Hội cũng cho rằng: “Lâu nay chúng tôi chỉ tập trung tuyên truyền về việc phòng ngừa cháy nổ, giữ vệ sinh môi trường. Còn việc xử lý đối với những cơ sở này thì địa phương đang gặp nhiều khó khăn. Khi biết tổ công tác đến làm việc, chủ các cơ sở này lẫn tránh. Thậm chí nhiều cơ sở đã đưa người già, trẻ em ra tiếp đoàn công tác”.

Tương tự, phường Phú Hòa, TP.TDM, nơi có nhiều cơ sở kinh doanh phế liệu cũng gặp không ít khó khăn trong công tác quản lý. Ông Phan Văn Lượng, Phó Chủ tịch phường Phú Hòa cho biết: “Địa phương hiện có 16 cơ sở kinh doanh phế liệu tọa lạc trong khu dân cư. Các cơ sở này tập trung trên đường Lê Hồng Phong, Trần Văn Ơn. Hầu hết các cơ sở không chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy. Tuy nhiên, hiện nay chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc xử lý để các cơ sở này di dời đi nơi khác”.

Phường Bình Hòa, TX.Thuận An có trên 68 cơ sở kinh doanh phế liệu, trong đó chỉ có 3 cơ sở được cơ quan chức năng cấp phép. Những cơ sở này đều tọa lạc trong khu dân cư. Một số người dân tỏ ra lo ngại việc hỏa hoạn sẽ bùng phát tại những cơ sở này. Ông Hồ Văn Mẫn, ngụ KP.Bình Đáng nói: “Chỉ tính riêng KP.Bình Đáng đã có hàng chục cơ sở kinh doanh phế liệu không phép. Tại những cơ sở này luôn tiềm ẩn về nguy cơ hỏa hoạn. Qua những buổi tiếp xúc cử tri, chúng tôi đã phản ánh rất quyết liệt về việc này, tuy nhiên chính quyền địa phương gần như bất lực trong việc xử lý đối với những cơ sở này”.

Ông Lê Quốc Tiến, cán bộ phụ trách môi trường phường Bình Hòa thừa nhận: “Để xử lý triệt để đối với những cơ sở này là vấn đề khó khăn đối với chúng tôi. Cụ thể như: Biện pháp chế tài đối với những cơ sở này chưa đủ mạnh để buộc họ di dời đi nơi khác. Còn việc cưỡng chế, thu hồi tài sản phế liệu của cơ sở thật khó xử lý. Không riêng gì phường Bình Hòa mà nhiều địa phương khác trong tỉnh mong muốn lãnh đạo tỉnh đề ra những giải pháp cụ thể, kiên quyết để xử lý tình trạng trên”.

Trong khi đó, ông Võ Huỳnh Long, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, TX.Thuận An cho rằng: “Qua nhiều buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã phản ánh về sự nhếch nhác và bát nháo của các cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn. Hiện địa phương đang chờ UBND TX.Thuận An ban hành những cơ chế, biện pháp chế tài đủ mạnh để xử lý triệt để đối với những cơ sở kinh doanh phế liệu vi phạm trên địa bàn”. Ông Long cho biết thêm, nhằm chấn chỉnh lại hoạt động của cơ sở phế liệu trên địa bàn, thời gian qua, cán bộ môi trường cùng các ngành liên quan ở địa phương đã rà soát thống kê lại để tiến hành kiểm tra xử lý kiên quyết đối với những trường hợp hoạt động sai quy định.

Phớt lờ quy định

Theo quy định, các cơ sở kinh doanh phế liệu phải đáp ứng những yêu cầu bắt buộc gồm giấy phép kinh doanh, cam kết bảo vệ môi trường, có kho bãi, xa khu dân cư, có hệ thống phòng chống cháy nổ... Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, phần lớn các cơ sở kinh doanh phế liệu của tư nhân đều nằm xen kẽ trong khu dân cư và hoạt động tự phát. Phế liệu được thu mua chủ yếu là sắt, thép, nhôm, nhựa, giấy, chai, lọ… đã qua sử dụng. Trong quá trình hoạt động, một số cơ sở chưa có ý thức trong việc bảo vệ môi trường, lấn chiếm lòng đường làm nơi tập kết phế liệu, không bảo đảm các điều kiện phòng cháy chữa cháy (PCCC), ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân, gây mất an toàn về cháy nổ.

TX.Thuận An là địa phương có nhiều cơ sở phế liệu. Trước tình hình này, vừa qua TX.Thuận An đã thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra, lập biên bản vi phạm để xử lý 48 cơ sở trên địa bàn. Theo hồ sơ của đoàn kiểm tra, ngoài những cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ hoạt động sai quy định hiện hành thì còn có nhiều công ty vi phạm.

Điển hình như Công ty TNHH MTV TM-DV Nam Việt Long Nga, tọa lạc phường Thuận Giao có hàng loạt vi phạm như: Không lập hồ sơ môi trường; chưa lập báo cáo giám sát môi trường định kỳ; công ty không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; sử dụng đất sai mục đích; chưa chấp hành nghĩa vụ thuế theo quy định; chưa có biện pháp về PCCC theo quy định. Công ty TNHH TM-DV Hải Hà (phường Lái Thiêu) lưu trữ chất thải nguy hại không đúng theo quy định; không đăng ký tạm trú tạm vắng cho công nhân; chưa trang bị thiết bị PCCC đúng tiêu chuẩn…

Trong khi đó, để chấn chỉnh tình trạng này, TX.Dĩ An tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động chủ cơ sở kinh doanh phế liệu trên địa bàn chuyển đổi ngành nghề hoặc di dời đi nơi khác. Việc làm này đã đem lại hiệu quả cao. Bà Quách Thị Kim Oanh, Phó Trưởng phòng Tài nguyên & Môi trường TX.Dĩ An cho biết: “Ngoài việc tổ chức vận động tuyên truyền, chúng tôi đã thành lập đội liên ngành để kiểm tra xử lý đối với những cơ sở vi phạm. Lãnh đạo UBND TX.Thuận An cũng chỉ đạo các phường phải thường xuyên kiểm tra xử lý. Với quyết tâm đó, tính đến thời điểm này, trên địa bàn TX.Dĩ An có hàng trăm cơ sở đã di dời hoặc ngưng hoạt động để tìm địa điểm mới”.

Đem rác vứt dọc đường!

Sau khi thanh lọc, phân loại phế liệu để xuất bán, tại những kho hàng của cơ sở phế liệu xuất hiện những đống rác to đùng. Để khỏi tốn phí thuê cơ sở thu gom rác thải sinh thoạt đến lấy rác định kỳ, nhiều chủ cơ sở đã cho nhân công bỏ rác vào bao tải đem vứt dọc đường, gây ô nhiễm môi trường. Để tìm hiểu nguyên nhân trên tuyến đường Mỹ Phước - Tân Vạn (đoạn từ phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một đến phường Tân Bình, TX.Dĩ An) và nhiều tuyến đường ít người qua lại đang xuất hiện những đống rác tự phát, P.V đã làm việc với nhiều lãnh đạo chính quyền cơ sở về vấn đề này. Nhiều người khẳng định đó là “sản phẩm” của các vựa thu mua phế liệu. Ông Võ Huỳnh Long, Phó Chủ tịch UBND phường An Phú, TX.Thuận An cho rằng: “Hầu hết những đống rác tự phát trên địa bàn là “sản phẩm” của vựa phế liệu. Tuy nhiên, thông qua đường dây nóng của địa phương, chúng tôi đã bố trí lực lượng theo dõi và đã bắt, xử lý nhiều trường hợp đổ rác thải phế liệu ở địa phương”.

Liên quan đến công tác xử lý đối với những vựa phế liệu vứt rác bừa bãi ra môi trường, ông Phan Văn Lượng, Phó Chủ tịch UBND phường Phú Hòa, TP.Thủ Dầu Một cho biết: “Ngoài việc thường xuyên nhắc nhở các cơ sở phế liệu phải chấp hành việc bảo đảm vệ sinh môi trường, thời gian qua chúng tôi đã răn đe những cơ sở lén vứt rác thải phế liệu ra môi trường”.

 

THANH QUANG

Bài 2: Cần có biện pháp kiên quyết

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên