Việt Nam - Lào: Mối quan hệ truyền thống đặc biệt - Bài 3

Cập nhật: 14-07-2017 | 08:29:04

Bài 3: Mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững

Năm 2017 đánh dấu hai sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ hai nước Việt Nam - Lào, đó là kỷ niệm 55 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (5.9.1962 - 5.9.2017) và tròn 40 năm hai nước ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác (18.7.1977 - 18.7.2017). Trải qua quá trình lịch sử, hai Đảng, hai Nhà nước và nhân dân hai nước đã kế thừa, phấn đấu vun đắp tình đoàn kết đặc biệt, quan hệ hữu nghị thủy chung nhằm xây dựng mối quan hệ Việt - Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững…

Unitel là thương hiệu của Tập đoàn Viettel tại Lào. Ảnh: T.L

 

 Bước vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng đất nước trong hòa bình và quá độ đi lên CNXH, quan hệ hai nước Việt Nam - Lào chuyển từ quan hệ đoàn kết trong chiến đấu chống kẻ thù chung sang quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Quan hệ hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa hai nước dần thay đổi từ viện trợ không hoàn lại và cho vay là chủ yếu sang giảm dần viện trợ và cho vay, bước đầu đẩy mạnh hợp tác sản xuất kinh doanh bình đẳng cùng có lợi

Ngày 18-7-1977, hai nước đã ký Hiệp ước Hữu nghị và hợp tác. Hiệp ước có ý nghĩa vô cùng quan trọng, là cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tăng cường và mở rộng mối quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào trong thời kỳ mới; tạo cơ sở để hai nước thúc đẩy ký kết hàng loạt các thỏa thuận hợp tác sau này. Trong quá trình hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau sau chiến tranh, Việt Nam đã cử nhiều đoàn chuyên gia sang giúp Lào bảo đảm an ninh, ổn định đời sống, khôi phục sản xuất và phát triển kinh tế. Quan hệ hợp tác đó được thực hiện trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; đề cao ý chí tự lực, tự cường, hợp tác bình đẳng và cùng có lợi.

Trên lĩnh vực hợp tác kinh tế, hai nước Việt Nam - Lào đã thiết lập cơ chế Ủy ban Liên Chính phủ để cụ thể hóa chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học - kỹ thuật… thông qua việc xây dựng nội dung hợp tác của từng thời kỳ, từng giai đoạn và hàng năm. Đến nay, Ủy ban Liên Chính phủ Việt Nam - Lào đã tiến hành được 39 kỳ họp định kỳ hàng năm luân phiên tại mỗi nước. Tại kỳ họp lần thứ 39 tổ chức vào hai ngày 7 và 8-2-2017 tại Hà Nội, hai bên đánh giá cao kết quả hợp tác giữa hai nước và thống nhất nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác trên tất cả các lĩnh vực; thống nhất tập trung thực hiện tốt chỉ đạo của hai Bộ Chính trị, thúc đẩy quan hệ chính trị - đối ngoại - an ninh quốc phòng, đầu tư, thương mại, du lịch…; mở rộng hợp tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư các dự án hạ tầng giao thông kết nối hai nước; hợp tác quản lý sử dụng bền vững nguồn nước và các nguồn tài nguyên thiên nhiên…

Nhờ các chính sách ưu tiên, ưu đãi hợp lý của cả hai bên nên thương mại và đầu tư Việt Nam- Lào tăng trưởng khá nhanh trong những năm gần đây, tạo nền tảng vật chất để liên kết và củng cố mối quan hệ đặc biệt giữa hai nước. Từ năm 1989 đến nay, đầu tư của Việt Nam vào Lào đã đạt giá trị gần 4 tỷ USD. Năm 2016, kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam- Lào đạt 801 triệu USD; trong đó nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 342 triệu USD và xuất khẩu từ Việt Nam sang Lào đạt 459 triệu USD. Các dự án đầu tư của Việt Nam vào Lào tập trung có hiệu quả trong các lĩnh vực thủy điện, khai khoáng, giao thông - vận tải, trồng cây công nghiệp…

Không chỉ giới hạn trong hợp tác kinh tế, hợp tác trên các lĩnh vực khác cũng được quan tâm thúc đẩy. Hợp tác giáo dục, đào tạo đã và đang là lĩnh vực được hai bên ưu tiên và được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Hai bên cũng hợp tác chặt chẽ trong các lĩnh vực y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn. Hợp tác giữa các địa phương giáp biên được chú trọng thúc đẩy, với việc hình thành các khu kinh tế và giao lưu buôn bán qua các cửa khẩu quốc tế và quốc gia.

Trong thời gian tới, trước những biến động phức tạp, khó lường của tình hình thế giới và yêu cầu phát triển của mỗi nước, hai nước đặt ưu tiên cao nhất là cùng nỗ lực nhằm nâng quan hệ hữu nghị truyền thống, tình đoàn kết đặc biệt và sự hợp tác toàn diện Việt - Lào lên tầm cao mới, với phương châm thực chất, chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, phát triển kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế; nâng cao hiệu quả hợp tác kinh tế song phương tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp sẵn có.

Bên cạnh đó, hai nước phát triển hợp tác giữa các vùng, miền, các địa phương có biên giới liền kề giữa hai nước, hoàn thiện hơn nữa các chính sách ưu tiên, ưu đãi đã dành cho nhau, chủ động thúc đẩy hợp tác ở cả ba cấp: Chính phủ với Chính phủ, địa phương với địa phương và doanh nghiệp với doanh nghiệp, tạo sự gắn kết và hỗ trợ lẫn nhau giữa hai nền kinh tế. Trong từng thời kỳ, hai nước xác định một số trọng tâm hợp tác kinh tế cụ thể, phù hợp với khả năng, nhu cầu của mỗi nước và mang lại lợi ích cho cả hai phía; tập trung tổ chức thực hiện triệt để, đồng thời thường xuyên theo dõi giám sát để tháo gỡ kịp thời các vướng mắc phát sinh.

Trên cơ sở những kết quả to lớn của sự hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào những năm qua, lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước thống nhất đặt ưu tiên cao nhất cùng phấn đấu nâng quan hệ đặc biệt Việt Nam - Lào lên tầm cao mới, theo phương châm chất lượng và hiệu quả, góp phần giữ vững ổn định an ninh chính trị, tăng trưởng kinh tế bền vững, hội nhập ngày càng sâu rộng và có vị thế xứng đáng trên trường quốc tế (Còn tiếp).

TRÍ DŨNG (tổng hợp)

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên