4 năm nữa hoàn thành sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp nhà nước

Cập nhật: 08-12-2011 | 00:00:00

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Bắt đầu từ 2012 sẽ tăng tốc sắp xếp, đổi mới DNNN và sẽ hoàn thành nhiệm vụ này vào năm 2015.

Chiều 8/12, sau khi nghe các báo cáo, ý kiến của các bộ, ngành tại Hội nghị Tổng kết 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã kết luận về Hội nghị.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phân tích rõ những hạn chế yếu kém và cũng là nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN. Thủ tướng nhấn mạnh, việc tổng kết nhằm có cơ sở hoàn thiện đề án tái cơ cấu DNNN trong 5-10 năm tới nhằm bảo đảm 2 mục tiêu: DNNN là công cụ vật chất để Nhà nước điều tiết kinh tế vĩ mô; bảo đảm hiệu quả hoạt động của DNNN phải tương xứng với tiềm năng.

 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Huân chương Lao động Hạng Ba của Chủ tịch nước tặng thưởng Bộ Công Thương, Cục Tài chính Doanh nghiệp ( Bộ Tài chính ) và Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển Doanh nghiệp tại Hội nghị

Những thành quả cần được ghi nhận

Đánh giá về kết quả 10 năm sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) giai đoạn 2001-2010, Thủ tướng cho rằng đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thứ nhất, về thể chế, đã làm rõ quản lý Nhà nước đối với DNNN, tuy còn hạn chế nhưng đã rõ ràng hơn; quản lý Nhà nước đối với chủ sở hữu Nhà nước; quản lý của chủ sở hữu; khuôn khổ pháp lý để sắp xếp, đổi mới DNNN mà trọng tâm là cổ phần hóa (CPH); bảo đảm cho DNNN sản xuất kinh doanh tại DN đó. Nhờ đó, chúng ta đã có hành lang pháp lý để sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả DNNN 10 năm qua.

Thứ hai, đã giảm mạnh được số lượng DNNN nhỏ và DNNN mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Hiện chỉ còn 1.309 doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tức là đã có khoảng 4.000 DNNN được sắp xếp lại. Nhờ vậy, DNNN tập trung vào các lĩnh vực Nhà nước cần nắm giữ, không tràn lan như trước. Mặt khác, quy mô của DNNN được nâng lên cả về vốn, doanh thu, tổng tài sản, nộp ngân sách Nhà nước. Vai trò của DNNN cơ bản giữ được, là công cụ để Nhà nước điều tiết vĩ mô, bảo đảm công ích, an ninh quốc phòng; bảo đảm lợi ích cho người lao động, kể cả lao động dôi dư.

Sắp xếp DNNN thời gian qua thành công nhất là ở hoạt động cổ phần hóa (CPH). DNNN chủ yếu là đa sở hữu, nhờ đó hoạt động năng động, hiệu quả hơn. CPH nhưng vẫn bảo đảm vai trò của DNNN. Thủ tướng cho rằng, DNNN đã đóng góp quan trọng cho nền kinh tế, bảo đảm giữ vai trò quan trọng trong các lĩnh vực trọng điểm như năng lượng, tiền tệ, hàng không, viễn thông.

“Hàng không thế giới qua mấy lần khủng hoảng nhưng hàng không Việt Nam vẫn bảo đảm có lãi. Viễn thông phát triển vượt bậc tác động lớn đến hạ tầng kỹ thuật đất nước. Xây dựng các công trình lớn, trọng điểm như thủy điện Sơn La. Các sản phẩm công ích, quốc phòng an ninh... Tất cả đều do DNNN đảm trách, đó là hiệu quả không thể phủ nhận”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng lưu ý, chúng ta không thể mở hết đường bay cho quốc tế, mở cửa viễn thông, đóng tàu bảo đảm an ninh quốc phòng... vì vậy, những vị trí then chốt này vẫn phải do DNNN đảm nhận, và 10 năm qua DNNN đã đạt nhiều kết quả tích cực: "Những kết quả mà DNNN đã đóng góp là không thể phủ nhận. Nếu không có DNNN thì Nhà nước không thể điều tiết, ổn định vĩ mô”. Thủ tướng nhấn mạnh.

Đánh giá vai trò của DNNN phải khách quan. Vai trò của DNNN không phải chỉ là kiếm tiền. Nhiều DNNN phải chấp nhận bán sản phẩm dưới giá thành để bảo đảm kiềm chế lạm phát, vì thế không thể coi đó là làm ăn kém hiệu quả. “Điện hiện nay bán thấp hơn giá thành, lỗ hơn 10.000 tỷ đồng. Điều này Chính phủ đã nhìn thấy nhưng đó là nhiệm vụ của Tập đoàn Điện lực Việt Nam để kiềm chế lạm phát. Phải làm rõ điều này. Nếu các tập đoàn đầu tư ngoài ngành mà lỗ thì phải tách riêng để xử lý nghiêm, nhưng lỗ mà do mục tiêu bình ổn giá thì phải đánh giá công bằng để nhân dân, xã hội hiểu. Xăng dầu cũng vậy”, Thủ tướng lưu ý đồng thời cho rằng, phải đánh giá cái được, cái làm tốt để nhân rộng, phát huy.

Chậm giải quyết thua lỗ

Thủ tướng thẳng thắn nêu: Tiến độ CPH còn chậm. Giải quyết tình trạng thua lỗ vẫn kéo dài. “Có doanh nghiệp giải quyết thua lỗ 20 năm nay vẫn chưa xong”, Thủ tướng bức xúc. Thoái vốn ở DNNN cũng quá chậm. Việc đổi mới các nông lâm trường quốc doanh còn quá chậm chạp, lúng túng tuy Bộ Chính trị đã có kết luận. “5 năm tới phải giải quyết được việc chuyển đổi các nông lâm trường quốc doanh”, Thủ tướng yêu cầu.

Thể chế còn thiếu đồng bộ, chậm, chưa rõ trách nhiệm dẫn đến vướng mắc, lúng túng, điển hình nhất là đối với vụ việc của Vinashin. “Đây vừa là khuyết điểm, vừa là nguyên nhân dẫn đến nhiều hạn chế trong hệ thống DNNN. Tới đây phải làm đồng bộ thể chế về DNNN để đạt hiệu quả cao trong quá trình sắp xếp, đổi mới DNNN”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngoài ra, cơ chế quản lý cán bộ quản lý tại DNNN hiện nay theo Thủ tướng vẫn còn “nhùng nhằng”, rất khó cho Chính phủ trong điều hành, vì vậy cũng cần phải được hoàn thiện.

Thủ tướng cho rằng, hiệu quả hoạt động trong một số tập đoàn, tổng công ty vẫn thấp, còn thua lỗ. Có biểu hiện làm trái quy định, gây hậu quả xấu cho nền kinh tế, làm mất lòng tin của xã hội, mất tuy tín của hệ thống. “Tất cả những khuyết điểm, yếu kém này phải được nhìn nhận nghiêm túc để khắc phục”, Thủ tướng yêu cầu.

Đến 2015, hoàn thành sắp xếp, đổi mới DNNN

Mục tiêu thời gian tới được Thủ tướng nhấn mạnh: Sắp xếp DNNN phải bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động, giữ được vai trò chủ đạo đối với nền kinh tế.

Thủ tướng yêu cầu các nhiệm vụ chính. Thứ nhất là hoàn thiện thể chế về hoạt động của DNNN, trong đó cần làm rõ vai trò của quản lý Nhà nước, chủ sở hữu, công tác cán bộ, hàng lang để sáp nhập, giải thể doanh nghiệp..

Thứ hai,  cần làm rõ sắp xếp, quản lý các nông-lâm trường quốc doanh. Theo Thủ tướng cần tách bạch nông trường và lâm trường, định rõ cơ chế quản lý, không để như hiện nay.

Thứ ba, ngay trong năm 2011, phải phê duyệt xong phương án sắp xếp lại từng DNNN, phân loại rõ các loại hình: DN 100% vốn Nhà nước; DN không cần giữ 100% vốn chi phối; DN nào CPH nhiều, DN nào CPH ít..”Từng DN phải có phương án cụ thể. Chỉ giữ lại DN 100% vốn Nhà nước nếu thực sự cần thiết. Kể cả phương án đã được phê duyệt cũng phải rà soát lại. Quyết tâm đến 2015, kết thúc nhiệm kỳ sẽ hoàn thành xong việc sắp xếp, đổi mới DNNN. Phấn đấu ngay từ năm 2012 sẽ tăng tốc việc sắp xếp, đổi mới DNNN”, Thủ tướng nói.

Cuối cùng, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh đến yếu tố con người, theo đó, phải kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo ở các DNNN. Cán bộ tốt thì DN mới tốt.

Theo TTXVN

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên