Bàn chuyện nên hay không nên có Luật Biểu tình?

Cập nhật: 24-11-2011 | 00:00:00

Trong những ngày gần đây dư luận xã hội lại nóng lên liên quan đến nhiều vấn đề trọng đại của đất nước khi kỳ họp của Quốc hội (QH) đang diễn ra, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm là có đưa ra thảo luận và biểu quyết về Luật Biểu tình (BT) do chính Thủ tướng Chính phủ đề xuất trước đó.

Vấn đề BT hiện có nhiều quan điểm khác nhau trong các đại biểu QH và cả ngoài dư luận xã hội, một số người không đồng tình cho rằng trong tình hình này không nên cho phép BT vì BT là thể hiện sự chống đối chính quyền, kẻ xấu dễ lợi dụng, hoặc thể chế ta đang xây dựng có tính chất dân chủ cao không cần thiết phải có hình thức dân chủ sơ khai như BT... Tuy nhiên, số ý kiến ủng hộ có phần nhiều hơn bởi sự bức bách trong công tác quản lý xã hội, thực tế BT đã xảy ra dù quy mô lớn hay nhỏ; xấu hay tốt nó đều là bất hợp pháp bởi vì chúng ta chưa có Luật BT. BT là sự biểu thị thái độ; chính kiến của số đông hợp nhất (cũng đôi khi chỉ một cá nhân hay vài người), BT đã xuất hiện từ lâu khi người dân thực thi các bước đi dân chủ đầu tiên, tại nhiều

quốc gia tiến bộ BT đã được luật định và đi vào khuôn phép.

Ở Việt Nam ta trong thời gian qua bằng hình thức lập pháp chúng ta đã có nhiều cố gắng đẩy mạnh tiến trình dân chủ xã hội, bảo đảm các quyền cơ bản của công dân, nâng cao khả năng tham gia giám sát và góp ý của nhân dân trong quá trình quản lý xã hội, tuy nhiên hệ thống pháp luật vẫn còn những tồn tại là thiếu và yếu, đôi lúc không theo kịp với nhu cầu thực tế, sự biểu thị của người dân đối với những tồn tại xã hội cũng là động lực cho những nhà lãnh đạo và điều hành đất nước. Các ý kiến về đồng thuận hay chống đối thông qua Luật BT hiện nay chủ yếu xuất phát từ quan điểm khác biệt nhất thời, chưa thấy nhiều ý kiến phân tích về cái lợi hay hại của BT trong điều kiện thực tế Việt Nam và mang tính chiến lược.

Thực tế cho thấy do chưa có luật về trưng cầu dân ý nên trong thời gian qua đôi khi đưa ra nhiều quyết sách không phù hợp đã gây nhiều tổn thất cho xã hội và quyền lợi cục bộ từng nhóm dân cư, nếu như các quyết sách (như giải tỏa đền bù, xây dựng công trình công cộng...) không phù hợp mà người dân không đồng tình thì họ làm cách nào? Chúng ta hiện có hệ thống thu thập ý kiến người dân thông qua các tổ chức đoàn thể, khu phố... nhưng hoạt động hiệu quả không cao, chưa mang tính đại diện cho cộng đồng dân cư.

Thật ra BT không hẳn là sự phản đối mà đôi lúc là sự vận động ủng hộ một chủ trương; quyết sách tốt đẹp của chính quyền, kêu gọi bảo vệ môi trường hay biểu thị ủng hộ chủ quyền quốc gia... Vấn đề đặt ra là quản lý BT như thế nào để bảo đảm an ninh trật tự, mang tính văn minh lịch sự, tránh bị kích động, bạo động của phần tử xấu... Hy vọng rằng QH với trọng trách được nhân dân giao phó hãy sáng suốt trong quá trình lập pháp của mình.

XÀ CỪ

 

 

Chia sẻ bài viết

LƯU Ý: BDO sẽ biên tập ý kiến của bạn đọc trước khi xuất bản. BDO hoan nghênh những ý kiến khách quan, có tính xây dựng và có quyền không sử dụng những ý kiến cực đoan không phù hợp. Vui lòng gõ tiếng việt có dấu, cám ơn sự đóng góp của bạn đọc.

Gửi file đính kèm không quá 10MB Đính kèm File
Quay lên trên